| Hotline: 0983.970.780

Lúa Thơm RVT từ “Cánh đồng mẫu lớn” ở Thái Bình

Thứ Sáu 16/11/2012 , 12:57 (GMT+7)

Thái Bình là một trong các tỉnh được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn từ vụ xuân 2012.

Thái Bình là một trong các tỉnh được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn từ vụ xuân 2012. Mặc dù khi khởi xướng, mọi sự chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân của nông dân đã cơ bản xong xuôi, Thái Bình vẫn quyết tâm mở màn bằng 2 cánh đồng với diện tích 100 ha tại 2 xã Nguyên Xá - Vũ Thư và Vũ Hòa - Kiến xương.

Vụ mùa 2012, sau khi Sở NN-PTNT mở hội nghị đánh giá kết quả thực hiện bước đầu 2 mô hình này, cùng với việc tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đề án “xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu” 2012-2013, 5 cánh đồng với quy mô tối thiểu 50 ha cho lúa chất lượng, lúa giống đã được triển khai thực hiện, tuy nhiên diện tích “cánh đồng mẫu” đã bùng lên tới trên 1.000 ha, ở cả những điểm không nằm trong đề án.

Ngày 20/9/2012, Ban chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu và Sở NN-PTNT Thái Bình đã tổ chức hội nghị đầu bờ tham quan và đánh giá kết quả bước đầu triển khai mô hình cánh đồng mẫu tại thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư vụ mùa 2012, với diện tích trên 50 ha và 396 hộ nông dân tham gia. Từ kinh nghiệm tổ chức sản xuất ở vụ xuân, vụ mùa này các cán bộ kỹ thuật của Cty CP BVTV An Giang và Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết và rất sớm từ đầu vụ, bởi vậy cả cánh đồng trên 50 ha đã đạt sự đồng thuận cao, giống được lựa chọn là lúa thơm chất lượng cao RVT; đây là giống lúa đã được Cty CP Giống cây trồng Trung ương đăng ký độc quyền và tổ chức sản xuất giống trên cánh đồng này, Cty cũng chính là DN bao tiêu sản phẩm lúa giống cho hộ tham gia.


Thăm cánh đồng mẫu lớn Thơm RVT tại Nguyên Xá - Vũ Thư - Thái Bình

Toàn bộ quá trình sản xuất được chỉ đạo thống nhất về lịch thời vụ, gieo, cấy, bón thúc, phun phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn với nguyên tắc 4 đúng và hiệu quả, vỏ bao thuốc BVTV được hướng dẫn thu gom vào các bể, các lò đốt để tiêu hủy với sự tài trợ của Cty CP BVTV An Giang, như vậy môi trường sản xuất đã trong sạch hơn. Sản xuất hạt giống muốn đảm bảo độ đúng giống cần phải được khử lẫn 2 đợt trước thu hoạch, quá trình khử lẫn được chỉ đạo tập thể và làm triệt để, kỹ càng, đảm bảo giống được thu hoạch đạt yêu cầu các chỉ tiêu về kiểm định đồng ruộng trước thu hoạch, hạt giống cũng được chỉ đạo thu hoạch tập trung bằng máy gặt đập liên hợp.

Ở đây, với sự tham gia của các DN cung ứng đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, lực lượng khuyến nông và HTXDVNN, quá trình sản xuất được quản lý chặt chẽ về dịch hại (IPM), quản lý cây trồng (ICM), 4 lần tập huấn và hướng dẫn cho nông dân tham gia mô hình đã được các cán bộ FF, cán bộ khuyến nông và cán bộ kỹ thuật của Cty CP Giống cây trồng Trung ương phối hợp thực hiện, nông dân được phát và hướng dẫn sổ tay ghi chép đồng ruộng.

Thời điểm mà hội nghị tham quan, cả cánh đồng rộng của thôn Ngô Xá, lúa đã ngả màu vàng óng, hơn 20 hộ nông dân tiêu biểu tham gia hội nghị rất hồ hởi, niềm vui được mùa hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Theo lịch, 4-5 ngày sau hội nghị, việc kiểm tra nghiệm thu đồng ruộng xong xuôi, HTXDVNN sẽ điều 2-3 máy gặt đập liên hợp để thu dứt điểm trên 50 ha lúa giống RVT, với mức năng suất thống kê theo mẫu, RVT đạt 63,2 tạ/ha; Cty thu mua với mức 1kg giống RVT tương đương 1,3 kg thóc thịt ngoài thị trường, như vậy nông dân sẽ có mức năng suất bình quân 82,16 tạ/ha (quy ra lúa thường bên ngoài). So với cánh đồng bên ngoài, chi phí thuốc BVTV giảm chỉ còn bình quân 2,05 lần phun, so với 2,64 lần phải phun ở bên ngoài, chi phí phân bón cũng giảm do sử dụng phân phức hợp và bón đúng cách, đúng lúc hơn… mức giảm tương đương 71 ngàn đồng tiền phân bón và 135 ngàn đồng tiền thuốc BVTV cho 1 ha. Lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình tăng trên 9 triệu đồng/ha.

Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình, ông Nguyến Hữu Rong đánh giá cao những kết quả ban đầu của cánh đồng mẫu với giống lúa thơm RVT. Theo ông Rong, cả cánh đồng trên 50 ha gieo cấy đồng loạt được một giống, một trà, không “xôi đỗ” là một sự cố gắng trong tổ chức, tuyên truyền, vận động bài bản, và cũng phải nói thẳng rằng, chỉ có hiệu quả, lợi nhuận cao nhờ việc chỉ đạo và áp dụng đồng loạt các tiến bộ kỹ thuật mới thuyết phục được gần 400 hộ nông dân như vậy. Đó cũng chính là mục tiêu mà “cánh đồng mẫu” hướng tới, xây dựng nông thôn mới để thực hiện được tiêu chí gia tăng thu nhập cho nông dân, chỉ có tổ chức lại sản xuất theo hướng này mới góp phần thay đổi diện mạo của sản xuất nông nghiệp và nông dân.

RVT còn được gieo cấy ở 3 xã trên cánh đồng mẫu như xã Thụy An, Thái Thụy với 120 ha liền vùng, xã Thái Sơn gần 100 ha cũng liền vùng. Ông Đỗ Đức Viện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thái Thụy khẳng định thêm rằng, 2 mô hình RVT ở Thái Thụy đẹp và hiệu quả cao không kém mô hình này ở Nguyên Xá. Cty Hưng Cúc, đơn vị xay xát chế biến lúa gạo đã hợp đồng tiêu thụ lúa RVT cho cả 2 mô hình. Giống lúa chất lượng được gieo cấy nhiều ở Thái Bình là BT7 và T10; với các giống này, ở vụ mùa thường cho chất lượng gạo, độ thơm, dẻo và vị đậm hơn cũng giống lúa ấy gieo cấy ở vụ xuân, tuy nhiên trở ngại lớn nhất với giống lúa BT7, T10 là giống bị nhiễm nặng bệnh bạc lá, nhiều diện tích gieo cấy BT7 ở vụ mùa chỉ còn cho năng suất 40-42tạ/ha do toàn bộ lá công năng bị cháy khi lúa vào mẩy. RVT về cơ bản đã giải quyết được tình trạng này ở vụ mùa, đó cũng là lý do để RVT tham dự hầu hết vào các cánh đồng mẫu của Thái Bình.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.