| Hotline: 0983.970.780

Lúa thuần Sơn Lâm 1

Thứ Ba 01/10/2013 , 10:13 (GMT+7)

Giống lúa Sơn Lâm 1 (TQ 10, Vĩnh Phúc 1) đã tham gia trồng khảo nghiệm qua 3 vụ (vụ xuân, vụ mùa 2012 và vụ xuân 2013) trong mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia.

Giống lúa Sơn Lâm 1 (TQ 10, Vĩnh Phúc 1) đã tham gia trồng khảo nghiệm qua 3 vụ (vụ xuân, vụ mùa 2012 và vụ xuân 2013) trong mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia. Đồng tác giả là GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác KHKT Châu Á - Thái Bình Dương và KS Bùi Huy Thủy, Viện Di truyền nông nghiệp. Công ty Cổ phần Sơn Lâm là đơn vị độc quyền SXKD.

Trong các thí nghiệm và khảo nghiệm của tác giả giống có tên là TQ 10. Trong mạng lưới khảo kiểm nghiệm giống Quốc gia giống có tên là Vĩnh Phúc 1. Sơn Lâm 1 là giống lúa thuần, chất lượng gạo cao, cảm ôn, có thể gieo trồng 2 vụ/năm (xuân muộn và mùa sớm).

Thời gian sinh trưởng vụ xuân 125 - 135 ngày, vụ mùa 105 - 110 ngày. Chiều cao cây 105 - 110 cm, đẻ nhánh khá, trổ tập trung, bộ lá đứng màu xanh. Bông dài 20 - 25 cm, số hạt chắc/bông: 110 - 150 hạt, tỷ lệ lép thấp 11 - 13%, khối lượng 1.000 hạt: 21 - 23 gram, hạt thóc thon nhỏ dài màu vàng sáng. Chất lượng gạo có mùi thơm nhẹ, cơm dẻo, tương đương gạo Bắc thơm 7.


Lúa thuần Sơn Lâm 1 trên đồng đất xã Đại Hưng (Mỹ Đức, Hà Nội)

Năng suất trung bình 50 - 55 tạ/ha, điều kiện thâm canh cao có thể đạt năng suất 65 - 70 tạ/ha. Khả năng chịu rét và chống đổ khá, cứng cây hơn Bắc thơm 7. Chống chịu sâu bệnh khá, độ thuần đồng ruộng cao. Thích hợp chân đất vàn, vàn thấp, chủ động tưới tiêu, thích hợp với cơ cấu xuân muộn - mùa sớm như giống Bắc thơm 7. Được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia đánh giá là giống lúa có triển vọng.

Kỹ thuật canh tác:

1. Thời vụ:

- Vụ xuân gieo mạ 20/1 - 5/2 (trà xuân muộn), cấy trong tháng 2.

- Vụ mùa gieo mạ 5/6 - 25/6 (mùa sớm và mùa trung), cấy 25/6 - 5/7.

2. Kỹ thuật làm mạ:

- Lượng thóc giống cho 1 sào Bắc Bộ (360 m2) từ 1,0 - 1,5 kg.

- Ngâm ủ: Thời gian ngâm 48 - 60 giờ hạt giống liền vụ, có xử lý thuốc kích thích nảy mần, 36 - 48 giờ đối với hạt giống qua vụ; có thay nước 2 - 3 lần. không để ngâm trong nước quá chua. Sau đó đãi sạch để ráo nước, đem ủ bình thường như các giống lúa thuần khác. Khi mạ gai dứa (mầm và rễ mọc đều) đem gieo.

- Tuổi mạ: Nên cấy tuổi mạ 4 - 5,5 lá đối với mạ dược, 2,5 - 3 lá đối với mạ dày xúc, mạ nền.

3. Kỹ thuật cấy và chăm sóc:

- Ruộng cấy phải được cày bừa kỹ, san phẳng và làm sạch cỏ dại.

- Cấy nông tay, mật độ 50 - 55 khóm/m2, 2 - 3 dảnh/khóm.

- Phân bón: Tuỳ điều kiện thâm canh có thể bón (cho 1 sào = 360 m2): đạm urê 7 - 10 kg, lân supe 15 - 20 kg, kali 3 - 5 kg. Nếu ruộng chua cần bón thêm 10 - 15 kg vôi bột.

Bón lót toàn bộ phân chuồng + lân supe + 40% đạm urê + 30% kali.

Bón thúc (sau cấy 10 - 15 ngày, khi lúa mở lá) 50% đạm urê.

Bón đón đòng (khi lúa đứng cái) 10% đạm urê + 70% kali.

4. Phòng trừ sâu bệnh:

Như các giống lúa đang gieo trồng đại trà. Giai đoạn lúa hồi xanh sau khi cấy, chú ý phòng bọ trĩ, ròi đục nõn và ốc bươu vàng. Giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng và trổ, chú ý phòng trừ sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, sâu đục thân và chuột.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.