| Hotline: 0983.970.780

Lúa vẫn là chủ lực ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu 07/10/2016 , 06:50 (GMT+7)

Tháng 9 vừa qua, Bộ NN-PTNT phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức liên tiếp các cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, ban ngành… có liên quan bàn về liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp của các vùng ở ĐBSCL.

Đi từ bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên đến vùng ven sông Tiền, sông Hậu. Vùng nào cũng có những đặc thù riêng về các loại cây ăn trái, các loại thủy sản và cây lúa. Tuy nhiên bàn đi tính lại cuối cùng cũng thấy cây lúa vẫn chiếm diện tích lớn không thể bỏ qua ở tất cả các vùng.

Xét trên bình diện tổng thể thì ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha. Trừ diện tích mặt nước, đường giao thông, khu dân cư và rừng ngập mặn ra thì vẫn còn khoảng 1,9 triệu ha dành cho sản xuất nông nghiệp. Đại bộ phận là sử dụng để trồng lúa. Còn cây ăn trái các loại theo quy hoạch mới nhất cũng mới đạt con số 185.100ha. Nếu tính thực tế trong năm 2015 - 2016 thì diện tích trồng lúa vụ ĐX có đến 1.590.538ha, lúa hè thu 1.677.884ha, vụ TĐ 843.140ha và vụ mùa 225.238ha.

Tính gộp cho cả vùng thì cả năm đã có 4.308.644ha trồng lúa, sản xuất được 25.901.087 tấn thóc. Và ai cũng biết trên 95% số lượng thóc xuất khẩu của cả nước cũng lấy từ nguồn thóc này. Hạt gạo Việt Nam đã góp phần tô đậm tên tuổi Việt Nam trên trường quốc tế cũng từ đây.

Tuy vậy, khi so sánh với các cây, con khác thì hiệu quả kinh tế do cây lúa mang lại vẫn còn thấp. Người chuyên trồng lúa mà canh tác trên diện tích hẹp vẫn chỉ quanh quẩn ở mức đủ sống, khó trở nên giàu có.

Chính vì vậy nhà nước cũng như các ban ngành ai cũng đồng tình chủ trương chuyển đổi một phần đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác, nuôi con khác có hiệu quả kinh tế hơn. Bà con trồng lúa cũng đều muốn như vậy. Và cứ thế, ở đâu, lúc nào bà con cũng nêu câu hỏi: "Trồng cây gì, nuôi con gì để có hiệu quả cao hơn cây lúa?". Và đến nay câu hỏi ấy vẫn chưa có câu trả lời thỏa mãn.

Trong thực tế, nhiều năm trước, khi chủ trương không được chuyển đất lúa sang trồng cây khác có hiệu lực thì đã có không ít nông dân âm thầm bỏ lúa trồng cây khác (như vượt đất lúa trồng thanh long, trồng ổi Đài Loan hay các cây ăn trái khác). Điều đó có nghĩa là nông dân ta nhạy cảm lắm, chứ không chờ đến chủ trương mới chuyển đổi.

Trên vùng đất ngập nước là quê hương cây lúa, nếu thay cây lúa chỉ có trồng rau muống, rau rút, rau đay, rau cần, sen, trồng đay lấy sợi thì các cây này mới sống được. Nhưng liệu sản phẩm làm ra có bán được không khi mọi người đều trồng các sản phẩm như vậy?

Tuy nhiên, câu hỏi trồng cây gì trên đất ngập nước thay thế cây lúa mà có hiệu quả, sản phẩm bán ở đâu, có ổn định không thì các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các vị chính khách hay các nhà doanh nghiệp cũng chưa có câu trả lời thì làm sao nông dân dám chuyển đổi.

Nói là chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cây, con khác mà có thể thành công cũng là vùng đất một lúa rồi trồng 1 hay 2 vụ màu. Những vùng đất như vậy cũng đang được khai thác. Những cơ cấu một vụ lúa luân canh với bắp lai cũng chỉ có hiệu quả trên nền đất phù sa ngọt. Tuy nhiên cứ theo lối làm ăn manh mún và lao động thủ công thì giá thành cao vẫn không cạnh tranh được. Bài học này đâu có phải xa lạ. Ngay vùng đất đỏ Xuân Lộc, Đồng Nai rất thích hợp cho cây bắp mà vụ này vẫn rơi vào tình huống “bắp ngoại đè bẹp bắp nội”.

Còn vùng khó khăn hơn mà cây lúa kém hiệu quả, nhưng muốn cây khác trồng có hiệu quả thì phải đầu tư thêm về thủy lợi hay xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất và tổ chức lại sản xuất rồi có hệ thống thu mua sản phẩm với giá hợp lý thì mới có thể khai thác được.

Còn nuôi trồng thủy sản nước ngọt ư? Ngần ấy diện tích cá da trơn mà còn gặp không ít trở ngại về thị trường thì ai dám khai thác thêm ở vùng đất nội đồng, bao quanh là những ruộng lúa. Bởi vậy mà cây lúa dù vẫn bị chê bai, hắt hủi, nhưng vẫn tự hào tỏa sáng trên những cánh đồng ngập nước. Bởi lẽ không trồng lúa thì biết trồng cây gì. Suy đi tính lại thì cây lúa vẫn là cây dễ trồng và rất ổn định ngay cả khi biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Trồng lúa chỉ cần đủ nước, cứ sạ giống và có chăm sóc là có thu hoạch. Bình thường thì mỗi vụ thu lợi ít nhất cũng được 10 triệu đồng/ha. Nếu biết áp dụng kỹ thuật hợp lý thì tiền lời thu được có thể 18 - 20 triệu. Và nếu vừa trúng mùa lại trúng giá thì lợi nhuận còn cao hơn.

Bằng chứng là vụ HT 2016, gặp hạn - mặn kéo dài, thế mà 5 nông dân ở ấp Giồng Bền, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, Trà Vinh đã tự nguyện tham gia mô hình sản xuất lúa thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cty CP Phân bón Bình Điền tổ chức đã chứng minh rằng nếu sản xuất theo mức hiểu biết về kỹ thuật của bà con đã tích lũy được thì lợi nhuận thu lại được 14,4 triệu đồng/ha, tỷ lệ lợi nhuận đạt 46,5%.

Còn nếu áp dụng kỹ thuật mới thì tiền lời thu được 18,5 triệu đồng/ha, dù giá bán thóc khô chỉ ở mức 5.000 đồng/kg (tỷ lệ lời là 54,4%). Còn trong vụ ĐX thì lợi nhuận mang lại do trồng lúa còn cao hơn (20 - 25 triệu đồng/ha). Trong lúc vùng trồng Ngô Lai ở Cò Nòi, Sơn La, năm nay do giá hạ thê thảm nên cũng chỉ thu lợi được 10.525.000 đồng/ha. Còn trên đất đỏ màu mỡ Xuân Lộc, Đồng nai, dù đạt 11 tấn ngô tươi cũng chỉ thu lời vẻn vẹn được 15 triệu đồng/ha.

Trước tình huống chưa tìm được cây gì, con gì thay thế dần cho cây lúa để có lợi nhuận cao hơn, thì hành động và suy nghĩ đúng đắn và văn minh là tìm cách giúp nông dân nâng cao hiệu quả trồng lúa để tăng thu nhập và tăng lợi nhuận cho họ; giảm bớt tình trạng phê phán thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như hô khẩu hiệu suông làm nhụt ý chí của người trồng lúa…

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm