Tranh cãi và rối rắm
Tại Pháp mặc dù thời điểm thực thi luật mới chỉ còn chừng 3 tháng nữa, nhưng ngay trong ngành chăn nuôi lợn lúc này vẫn còn nhiều câu hỏi rất khó lường khiến họ không biết đường nào mà lần. Hành vi hoạn (thiến) lợn con từng gây tranh cãi lớn ở nhiều quốc gia châu Âu và đến nay đã bị cấm ở Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sĩ.
Trong khi người chăn nuôi cho rằng, việc thiến lợn con vài ngày tuổi là cần thiết để tránh thịt có mùi hôi khi chế biến thì nhiều tổ chức bảo vệ phúc lợi động vật vẫn tăng cường gây sức ép lên các chính phủ.
Năm 2013, Quốc hội Đức đã từng đưa vấn đề này ra thảo luận và sau đó buộc phải công bô thời hạn chuyển tiếp giúp nông dân thích nghi với sự thay đổi khi hàng năm, người chăn nuôi lợn nước này vẫn thiến sống khoảng 20 triệu heo con để loại bỏ tinh hoàn giúp quá trình nuôi lấy thịt thương phẩm nhanh và không có mùi hôi giống như lợn rừng.
Chủ đề thiến lợn gây tranh cãi mới đây lại được khơi ra tại một triển lãm chuyên đề của ngành chăn nuôi ở thành phố Rennes, và đặt ra không ít sự xáo trộn đang chờ được xử lý.
Valérie Courboulay, chuyên gia về phúc lợi động vật tại Viện Chăn nuôi lợn quốc gia Pháp (IFIP) cho biết, các quy định về thiến lợn con đang gây khó khăn cho các nhà chăn nuôi heo trong nước. Hệ quả là là nhiều cơ sở giết mổ cũng như các nhà chế biến thịt chưa sẵn sàng hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý phần lớn thịt từ các cơ sở chăn nuôi. Hiện vẫn còn khoảng 25% số lợn đực thương phẩm không bị thiến ở Pháp và ước tính số lượng này sẽ tăng lên 30% vào cuối năm.
Chiểu theo luật mới, việc thực hiện gây mê cục bộ bằng thuốc giảm đau trên lợn đực con là công việc mà người chăn nuôi không được phép làm. Tuy nhiên cho đến lúc này, người nuôi lợn vẫn chưa rõ lựa chọn nào sẽ là tối ưu vào thời điểm phải tuân thủ đã cận kề. Ông Corboulay nói rằng, mọi thứ vẫn đang bị phó mặc cho thị trường.
Luật không rõ ràng, mỗi nơi một kiểu
Tranh cãi và thắc mắc lớn nhất đối với người chăn nuôi lợn ở Pháp lúc này là họ không rõ thuốc gây mê sẽ phải được sử dụng như thế nào và trong những điều kiện nào. Để gây tê cục bộ, người chăn nuôi có thể dùng liệu pháp lidocain giúp bớt chảy máu và tê lâu hơn. Ngoài ra, một phương pháp liên quan khác là sử dụng loại gel Tri-solfen, mặc dù sản phẩm này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được chấp thuận sử dụng.
Ngoài ra giải pháp nữa là tiêm vacxin để lợn con tránh bị thiến được cho là khá phù hợp ở Pháp. Hiện có khoảng 30% nhà sản xuất đã chọn theo cách tiếp cận này, cho phép lợn thịt đến tuổi xuất chuồng đưa đi giết mổ có thể đạt trọng lượng 150 kg.
Hợp tác xã chăn nuôi lợn Pháp Cooperl hiện là lò mổ duy nhất ở Pháp xử lý toàn bộ lợn đực chưa thiến của những trang trại chăn nuôi lợn muốn bảo vệ phúc lợi động vật. Đối với họ, điều này có những lợi thế rõ ràng như đỡ vất vả hơn và hiệu suất kỹ thuật tốt hơn. Những người trong cuộc nói rằng, xu thế này là tất yếu không có đường lui bởi dự luật đã thành luật và sẽ có hiệu lực sau 3 tháng nữa. Trước đó, các tổ chức phúc lợi động vật đã gây nhiều áp lực lên ngành chăn nuôi lợn để buộc các nhà chăn nuôi ngừng thiến.
Còn tại Mỹ, việc vận dụng các quy trình quản lý cơn đau xung quanh việc thiến lợn là tương đối ít. Tiến sĩ Monique Pairis-Garcia, chuyên gia sức khỏe và phúc lợi động vật, người từng dành nhiều thời gian phối hợp nghiên cứu với các bác sĩ thú y để tìm hiểu vấn đề này cho biết: Có nhiều tài liệu cho rằng lợn con bị đau như một “sản phẩm phụ” của quá trình thiến. Nghiên cứu về độ nhạy cảm với cơn đau đã ghi nhận những thay đổi cả ngắn hạn và dài hạn đối với phản ứng sinh lý, hoạt động và hành vi của heo con.
Để kiểm soát cơn đau này, thuốc gây tê cục bộ và thuốc giảm đau như thuốc chống viêm nhiễm được xác định là một phương tiện hiệu quả sau thủ thuật. Mặc dù không có dữ liệu cụ thể về vấn đề này trong toàn ngành chăn nuôi lợn Mỹ, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, việc áp dụng các quy trình quản lý cơn đau cụ thể cho việc thiến là rất ít.
Ngoài ra, ở Mỹ không duy trì luật liên bang hoặc tiểu bang yêu cầu phải giảm đau cho lợn con khi bị thiến và hiện cũng không có loại thuốc nào được chấp thuận cho công đoạn này. Mặc dù những thách thức này vẫn tồn tại, nhưng các bác sĩ thú y ở Mỹ vẫn có những lựa chọn để giảm đau bằng cách sử dụng thuốc chui, không có nhãn mác.
Kết quả nghiên cứu khác đã xác định được 3 yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý cơn đau của lợn con bị thiến. Các yếu tố này bao gồm: thiếu các sản phẩm giảm đau chính thức đã được chứng thực về hiệu quả; các hạn chế và thách thức kinh tế liên quan đến việc sử dụng thuốc giảm đau cho lợn và thiếu vắng các hướng dẫn- đào tạo cho bác sĩ thú y để phát triển các phác đồ quản lý cơn đau. Tóm lại, việc kiểm soát cơn đau được giới thú y coi là quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi động vật. Tuy nhiên, việc thiếu một sản phẩm được phê duyệt để kiểm soát cơn đau cùng với những thách thức kinh tế và không đủ hướng dẫn dựa trên bằng chứng khoa học khiến người chăn nuôi lợn không biết xoay xở ra sao.