| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 26/04/2011 , 09:45 (GMT+7)

09:45 - 26/04/2011

Luật pháp và "luật rừng"

Thời gian gần đây, liên tiếp diễn ra các vụ lâm tặc hành hung cán bộ kiểm lâm, từ Nam chí Bắc. Thủ đoạn của các đối tượng này rất manh động, ỷ đông hiếp cô, công khai và thách thức. “Máu” rừng đã đổ, máu cán bộ kiểm lâm cũng đã đổ nhiều. Cuộc chiến bảo vệ rừng giữa kiểm lâm và lâm tặc dường như đang trở nên mất cân bằng.

Cách đây không lâu, NNVN đã phản ánh vụ việc 3 cán bộ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của Lâm trường Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’gar - Đăk Lăk) vừa bị hơn 120 lâm tặc đánh đập tàn nhẫn, chỉ vì “tội” đã cản trở chúng phá rừng. Ngay sau đó, khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng về vụ việc trên, thì tại Nghệ An, hơn 100 người bao vây tấn công lực lượng kiểm lâm cực kỳ trắng trợn...

Mới hôm qua, cũng trong một bài báo, PV đã phản ánh, trong đợt cưỡng chế, giải tỏa đất rừng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay của tỉnh Đăk Lăk, hơn 150 đối tượng điên cuồng bao vây, tấn công đoàn liên ngành, khiến họ không thể thực hiện nhiệm vụ…

Chỉ cần lên google, gõ cụm từ “lâm tặc phá rừng”, ta sẽ có hàng nghìn bài báo viết về nạn phá rừng tại Việt Nam, trong đó có nhiều vụ lâm tặc phá hàng trăm hecta rừng nguyên sinh. Chỉ với những thông tin được đưa lên báo chí, với đà này thì không bao lâu nữa Việt Nam sẽ hết rừng. Về tác hại của nạn phá rừng nghiêm trọng thế nào chúng ta đã thấy. Những năm gần đây, tình trạng thời tiết thất thường, thiên tai xảy ra triền miên, nghiêm trọng nhất là những vụ lũ quét gây thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân ở nhiều nơi.

Một vụ việc khác, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng, kiểm lâm Ngô Nhật Thành và đồng đội phát hiện nhóm lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi Vườn quốc gia Yok Đôn (Đăk lăk). Tuy nhiên, khi ngăn chặn vụ việc, các đối tượng đã tấn công quyết liệt lực lượng kiểm lâm, buộc họ phải phòng vệ. Trong quá trình phòng vệ, Ngô Nhật Thành đã nổ súng gây chết lâm tặc Đinh Văn Bằng. Không lâu sau, kiểm lâm viên này bị truy tố vì tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, qua vụ việc này, lâm tặc có thể sẽ lộng hành hơn, bằng chứng là thời gian qua, đã xảy ra nhiều hơn các vụ phá rừng, chống lại lực lượng chức năng.

Rừng bị tàn phá hàng ngày, với tốc độ đáng quan ngại. Nhà nước không thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về rừng, cũng không thiếu các điều luật bảo vệ rừng. Nhưng tại sao rừng vẫn bị phá, lâm tặc vẫn tấn công lực lượng kiểm lâm? Chưa ai trả lời câu hỏi này. Và, khi kiểm lâm “thất thế” trước lâm tặc, có nghĩa là luật pháp thất thế trước “luật rừng”.

Chả lẽ lại bó tay?