| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 09/09/2015 , 07:15 (GMT+7)

07:15 - 09/09/2015

Luật và đời sống

Mới đây, Bộ Công thương lại khiến dư luận “dậy sóng” khi công bố dự thảo thông tư quy định về những điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo đó, những người bán phở, rượu bia, bánh kẹo… phải kiểm tra sức khỏe và phải học để được cấp giấy chứng nhận kiến thức về ATTP.

Người trực tiếp kinh doanh bia phải có trang phục riêng, không hút thuốc, không khạc nhổ tại nơi bán, trước khi xuất bán bia phải nhúng tay đeo găng vào nước vô trùng.

Các chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ phải tổ chức khám sức khỏe cho mình và cho người trực tiếp kinh doanh ít nhất 1 lần/năm từ các cơ sở y tế cấp quận, huyện trở lên.

Riêng giấy xác nhận kiến thức về ATTP sẽ do Bộ Công thương hoặc các Sở Công thương cấp.

Dư luận xôn xao là có lý, bởi những bất cập của dự thảo thông tư. Trên đất nước này, có làng nào mà không có một vài điểm bán bia? Có khu phố nào mà không có cả chục cơ sở kinh doanh bia, từ quán cóc vỉa hè đến những cửa hàng lớn thu hút mỗi ngày cả ngàn khách?

Cứ thế nhân lên, thì trên cả nước có tới hàng chục vạn điểm kinh doanh bia. Ngành Công thương lấy đâu ra người mà kiểm tra cho hết, xem chủ và những người trực tiếp bán bia có trang phục riêng không? Có khạc nhổ, có hút thuốc trong lúc bán không?

Chậu nước mà họ nhúng tay đeo găng vào trước khi xuất bia bán có vô trùng không, hay đó chỉ là… chậu nước cống?

Không đủ sức kiểm tra, không có chế tài xử phạt, thì tất nhiên là chẳng ai chấp hành cả. Một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mà chẳng ai chấp hành, thì có cũng như không.

Cũng như vậy, làng nào mà chả có một vài quán ăn, và còn nhiều hơn thế nữa những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ bán bánh, kẹo? Khu phố nào chả có vài ba chục cơ sở như thế?

Tính ra trên cả nước cũng có đến hàng chục vạn cơ sở. Bắt họ phải đi học ư? Sẽ phải mở bao nhiêu lớp cho vừa? Thời gian học sẽ là bao nhiêu ngày, tháng?

Những ông bán phở trong xóm, bà bán kẹo ngoài chợ làng, hay những người nông dân lấy việc kinh doanh như là một nghề phụ để kiếm thêm thu nhập liệu có đủ điều kiện để đi học không?

Còn bắt họ phải khám sức khỏe ư? Điều này rất dễ nẩy sinh tiêu cực. Nạn mua bán giấy chứng nhận sức khỏe hiện nay vốn đã rất tràn lan như báo chí nhiều lần phản ánh. Chỉ năm chục hoặc một trăm ngàn là có một cái giấy chứng nhận sức khỏe “xịn”, có chữ ký và dấu đóng đỏ lòe của bệnh viện ngay.

Đó là chưa kể những giấy chứng nhận kiến thức về ATTP, qua thời gian, cũng rất dễ trở thành một món hàng, thật có, giả có.

Hiện tại đã có Luật và hàng loạt văn bản dưới luật khác về ATTP. Tỉnh nào cũng có Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương và chi cục ATTP thuộc Sở Y tế, với đội ngũ cán bộ rất hùng hậu. Trên nữa còn có Cục Quản lý Thị trường thuộc Bộ Công thương và Cục ATTP thuộc Bộ Y tế.

Chỉ cần vận hành tốt những bộ máy này, là việc kinh doanh những mặt hàng trên sẽ trở nên quy củ ngay. Hà tất phải bày đặt những quy định nhiêu khê trên, khiến văn bản quy phạm pháp luật trở nên xa rời với đời sống.