| Hotline: 0983.970.780

Lực lượng kiểm ngư 'ăn, ngủ cũng phải nghĩ đến chống IUU'

Thứ Sáu 14/04/2023 , 11:41 (GMT+7)

Chúc mừng lực lượng kiểm ngư nhân kỷ niệm 9 năm thành lập, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cam kết tạo mọi điều kiện để lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Lễ kỷ niệm 9 năm ngày ra mắt lực lượng kiểm ngư. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Lễ kỷ niệm 9 năm ngày ra mắt lực lượng kiểm ngư. Ảnh: Phạm Hiếu.

"Lực lượng kiểm ngư được thành lập ngay sát sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Chỉ riêng điều ấy đã nói lên sự kỳ vọng lớn lao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ vào lực lượng này", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến mở đầu bài phát biểu nhân kỷ niệm 9 năm ngày ra mắt lực lượng kiểm ngư (15/4/2014 - 15/4/2023).

Qua báo cáo hoạt động những năm qua của lực lượng kiểm ngư, Thứ trưởng đánh giá bộ phận này đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò, sự cần thiết của lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt trong tình hình diễn biến phức tạp trên biển Đông hiện nay.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận xét, lực lượng kiểm ngư đã góp phần quan trọng trong thành tích chung của ngành thủy sản, nhất là kỷ lục xuất khẩu 11 tỉ USD năm 2022.

Ông nhấn mạnh, lực lượng kiểm ngư đã hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt. Đó là, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên các vùng biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

Đồng thời, thực thi hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận Việt Nam đã ký với các nước trong khu vực, tạo khu vực ổn định, hòa bình trên biển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ với những khó khăn của lực lượng kiểm ngư thời gian qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ với những khó khăn của lực lượng kiểm ngư thời gian qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra một số tồn tại mà lực lượng kiểm ngư cần khắc phục như kỹ năng tiếp cận, kiểm soát tàu cá, kỹ năng lập biên bản, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và yếu, nhiều lúc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã tổ chức lấy ý kiến cho nhiều dự thảo nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản, cũng như xây dựng, phát triển các khu bảo tồn, khu neo đậu cho nghề cá. Trong đó, một trong những mục tiêu cấp thiết là giảm số tàu cá từ khoảng 91.700 tàu hiện nay xuống 83.600 chiếc vào năm 2030.

Mới nhất, trong tháng 3/2023, Bộ NN-PTNT đã gửi công văn số 1797 đến UBND các tỉnh, thành phố ven biển nhằm khẩn trương thành lập kiểm ngư địa phương, góp phần thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 9/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập tổ chức kiểm ngư địa phương. Trong đó, 8 địa phương thành lập theo mô hình cấp phòng và tương đương thuộc Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT. Riêng tỉnh Kiên Giang thành lập theo mô hình cấp Chi cục.

Hiện bộ máy lực lượng kiểm ngư địa phương chưa có thẩm quyền xử phạt và hoạt động chủ yếu căn cứ trên Nghị định 07 khi thanh tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu lực lượng kiểm ngư phải "chủ động từ sớm, từ xa" và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát giao thông.

Hiện còn tới 19/28 tỉnh, thành phố ven biển chưa thành lập lực lượng kiểm ngư tại địa phương. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện còn tới 19/28 tỉnh, thành phố ven biển chưa thành lập lực lượng kiểm ngư tại địa phương. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý lực lượng kiểm ngư tới vấn đề chống khai thác IUU và gỡ thẻ vàng EC, bởi đây là nhiệm vụ chính trị, thể diện quốc gia.

"Sản lượng khai thác thủy sản năm vừa qua còn 3,72 triệu tấn, như vậy vẫn quá lớn. Nếu không thể giảm cường lực khai thác, chúng ta khó hoàn thành các nhiệm vụ bảo tồn, cũng như chống khai thác IUU", Thứ trưởng bày tỏ.

Một trong những hạn chế được lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ rõ, là các lực lượng chức năng trên biển hiện chậm trễ trong công tác xử lý hành chính, và chưa cập nhật được số vụ vi phạm theo thời gian thực.

Trong bối cảnh EU đã, đang và sẽ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu lực lượng kiểm ngư "ăn ngủ cũng phải nghĩ đến chống IUU".

Chúc mừng lực lượng kiểm ngư nhân 9 năm thành lập, Thứ trưởng đồng thời nhắc khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2045; Quy hoạch cấp quốc gia về bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản, các dự án, đề án, chương trình thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư cần thực hiện hiệu quả ý kiến chỉ đạo tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 và Quyết định 81/QĐ-TTg về tổ chức triển khai tuần tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác ngay từ đầu năm.

Về một số kiến nghị của lực lượng kiểm ngư liên quan đến đầu tư nguồn lực, không gian làm việc và hợp tác quốc tế, Thứ trưởng cam kết tạo mọi điều kiện để lực lượng này phát triển.

Xem thêm
Xu thế chăn nuôi xanh: [Bài 1] Ứng dụng hiệu quả chế phẩm sinh học

TÂY NINH Nuôi gà bằng chế phẩm sinh học đang được Tây Ninh ứng dụng rộng rãi, là một trong những giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.

Chạy đua tiêm phòng vacxin đợt 1 cho đàn vật nuôi

HÀ TĨNH Để đảm bảo kết thúc tiêm phòng cho đàn vật nuôi xong trước ngày 30/5, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo lực lượng chuyên môn đẩy nhanh tiến độ tiêm.

Cảnh giác sâu bệnh hại lúa giai đoạn trước, trong và sau trỗ

QUẢNG TRỊ Hiện đang là giai đoạn thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại như đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, chuột... phát sinh, gây hại.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Giống dừa xiêm xanh Tam Quan, lựa chọn số 1 cho vùng Nam Trung bộ

Dừa xiêm xanh Tam Quan được các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ bình tuyển là giống dừa uống nước ngon nhất Nam Trung bộ…

Hơn 10 nghìn ha nứa, vầu, luồng chết khô, người dân ngồi trên đống lửa

THANH HÓA Theo thống kê ban đầu, hiện toàn huyện Quan Sơn đã có trên 10 nghìn ha nứa, vầu, luồng bị chết khô (khuy sinh học).

Bình luận mới nhất