| Hotline: 0983.970.780

Luồng gió mới về nông thôn Tuyên Quang

Thứ Năm 06/09/2018 , 17:35 (GMT+7)

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang, nhiều tuyến kênh mương, đường giao thông nội đồng, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh được “thay áo mới”. 

Nhà văn hóa thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn được xây dựng theo Nghị quyết 03

Sự chung sức, đồng lòng của người dân cho thấy chủ trương của Nghị quyết hợp lòng dân, mang lại hiệu quả tích cực.

Làng quê “thay áo mới”

Những công trình của Nghị quyết 03 như những “luồng gió mới” làm đổi thay bộ mặt của nông thôn, trở thành cầu nối giúp người dân đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Xã Sinh Long là một trong những điểm sáng thực hiện Nghị quyết 03. Đây là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Na Hang, tỷ lệ hộ nghèo trên 70%. Tuy nhiên, khi được chính quyền triển khai thực hiện xây dựng 2 nhà văn hóa, hơn 800 m kênh mương bằng cấu kiện đúc sẵn và hơn 200m đường nội đồng theo Nghị quyết bà con đồng tình hưởng ứng rất cao. Vì vậy, đến cuối tháng 12-2017, xã đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu đề ra trong năm 2017.

Ông Chúc Văn Thắng, Trưởng thôn Lũng Khiêng, xã Sinh Long cho biết, được Nhà nước hỗ trợ cấu kiện và hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt xây dựng nhà văn hóa, bà con vào cuộc nên tiến độ thực hiện nhanh. Thôn có 115 hộ dân thì có đến 76 hộ nghèo, nhưng khi làm nhà văn hóa bà con đồng tình đóng góp tiền, ngày công với tổng số tiền gần 200 triệu đồng để mua vật liệu làm nền nhà, xây tường, vỉa hè... Sự chung sức đồng lòng của người dân, từ tháng 10 đến tháng 12-2017 nhà văn hóa đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Cùng với xây dựng nhà văn hóa, Lũng Khiêng cũng hoàn thành hơn 100 m đường bê tông nội đồng theo kế hoạch. Có đường, có nhà văn hóa kiên cố, bà con phấn khởi thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển cây chè shan đặc sản lợi thế của địa phương. 

Bà Hoàng Thị Oanh, xóm 23, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn cho biết, cuối năm 2017, dưới sự chỉ đạo, vận động của chính quyền địa phương, gia đình bà tham gia làm 1,26 km kênh mương nội đồng tại thôn theo Nghị quyết 03. Sau hơn 1 tháng thi công, thôn đã hoàn thành kế hoạch làm kênh mương. Những vụ trước, do là mương đất nên nguồn nước bị thất thoát rất lãng phí. Nhờ hệ thống thủy lợi được hoàn thiện, nước tưới đảm bảo nên 5 sào lúa xuân của gia đình bà phát triển khá tốt, hy vọng sẽ cho năng suất cao.

Nghị quyết 03 đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 347 km kênh mương nội đồng, 219 km đường giao thông nội đồng, 298 nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố.

Doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền và người dân

Là đơn vị cung ứng cấu kiện làm kênh mương, nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố, Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thành Hưng gắn bó với các địa phương từ khi HĐND tỉnh Tuyên Quang triển khai Nghị quyết 03. Qua hơn 2 năm, đến nay công ty đã cung ứng cho các địa phương cấu kiện mương Parabol thành mỏng chất lượng cao, cốt sợi thép phân tán mác 500 và cấu kiện Nhà văn hóa thôn bản đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ hợp đồng từ 20% - 30%.

Ông Lê Cảnh Hiền – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thành Hưng cho biết, với việc thực hiện nghị quyết 03 của HĐND tỉnh đối với công trình Nhà văn hóa thôn bản sử dụng sản phẩm cột, đố đứng, đố ngang là cấu kiện bê tông đúc sẵn lắp ghép và cửa, hoa trang trí, vì kèo, xà gồ bằng thép lợp tôn xốp chống nóng đã không sử dụng các sản phẩm gỗ rừng, góp phần bảo tồn và gìn giữ môi trường, nhưng vẫn tạo nên các sản phẩm nhà văn hóa thôn bản vững chãi theo thời gian và giữ được nét kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với nhân dân các dân tộc địa phương.

 Khu sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thành Hưng

Thực hiện trách nhiệm của đơn vị cung ứng sản phẩm cho các công trình theo Nghị quyết 03, công ty luôn tiếp thu ý kiến đóng góp của chính quyền địa phương và người dân trong quá trình triển khai thực hiện. Như trong quá trình triển khai lắp đặt nhà văn hóa giai đoạn đầu, công ty luôn cử cán bộ đến mỗi công trình để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân; điều chỉnh các chi tiết sản xuất cấu kiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thi công của người dân. Trong thi công lắp đặt kênh mương Parabol thành mỏng mác 500, cán bộ công ty hướng dẫn người dân cách đo và điều chỉnh dòng chảy khi lắp đặt; kỹ thuật lắp đặt đảm bảo độ bền của sản phẩm và công trình…

Hiện nay, việc triển khai thi công các sản phẩm do công ty cung ứng tại các địa phương được tiến hành thuận lợi, bài bản, với nhiều cách làm sáng tạo. Vì vậy, các công trình đều vượt tiến độ so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Quá trình sử dụng, cấu kiện kênh mương thành mỏng, mặt cắt parabol đúc sẵn đã cho thấy tính năng vượt trội. Kênh mương đúc sẵn thi công thuận tiện. Đặc thù kênh bằng bê tông đúc sẵn hình parabol là loại mặt cắt có lợi nhất về mặt thủy lực nên việc dẫn nước rất nhanh, việc nạo vét thuận lợi, dễ dàng. Đặc biệt, sản phẩm này có thể gỡ bỏ để lắp đặt vào vị trí khác khi vị trí cũ cần được sử dụng vào mục đích khác, như dồn điền đổi thửa hay sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới.

Thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình và thôn Yên Phú, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương là địa phương đầu tiên của tỉnh làm nhà văn hóa theo Nghị quyết 03 của tỉnh. Đây là địa phương được tỉnh chọn làm mẫu để nhân rộng ra toàn tỉnh. Ông Trần Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã Khuôn Hà cho biết, vì là địa phương đầu tiên nên khi triển khai có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được cán bộ Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thành Hưng luôn đồng hành tư vấn kỹ thuật lắp đặt, hỗ trợ máy móc dựng khung nhà nên những khó khăn dần được tháo gỡ. Sau khi xây dựng thí điểm nhân dân đã rút kinh nghiệm và sáng tạo ra phương pháp tổ chức lắp dựng Nhà văn hóa bằng thủ công áp dụng cho các vùng sâu, vùng xa không có thiết bị hỗ trợ vừa chủ động về thời gian và tiết kiệm chi phí xây dựng.

Tháng 10 năm 2016 nhà văn hóa đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân địa phương. Có sự đồng hành của chính quyền các cấp và doanh nghiệp, nhân dân đồng tình hưởng ứng cao đến nay ngoài nhà văn hóa thôn Ka Nò, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 5 nhà văn hóa khác; 8km kênh mương và gần 2km đường bê tông nội đồng. Tháng 5/2018, xã Khuôn Hà được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 Đường nội đồng được kiên cố giúp việc đi lại, sản xuất của người dân Tuyên Quang được thuận lợi
Người dân xã Thanh Tương, huyện Na Hang thi công kênh mương nội đồng theo cấu kiện bê tông đúc sẵn

Xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa có kế hoạch về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2018, nên ngay sau khi được hỗ trợ cấu kiện làm kênh mương nội đồng và làm nhà văn hóa, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân công cán bộ hướng dẫn, động viên nhân dân đồng thuận thực hiện.

Ông Đỗ Văn Đức, Trưởng thôn Đoàn Kết, xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa cho biết, nhà văn hóa xây xong có tổng trị giá 500 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ cấu kiện và huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp gần 400 triệu đồng. Bà con thống nhất đóng góp tiền để thuê thợ lắp đặt cấu kiện và đóng góp ngày công lao động làm sân bê tông, làm bờ rào. Ngoài cấu kiện được hỗ trợ, bà con còn nhất trí đóng góp thêm để thôn làm trần, mái. Ngoài mức đóng góp mỗi hộ trên 1,7 triệu đồng, thôn còn vận động doanh nghiệp, những gia đình có điều kiện trong thôn đóng góp thêm.

          Các công trình đường nội đồng được bê tông hóa, những tuyến mương thủy lợi được kiên cố hóa bằng mương Parabol thành mỏng mác 500 và những nhà văn hóa thôn bản được xây dựng từ Nghị quyết 03 đã giúp cho nông thôn Tuyên Quang dần chuyển mình mang dáng dấp hiện đại, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa đặc thù của vùng miền.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.