Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện có 54 hoạt chất thuốc trừ cỏ có thể thay thế Glyphosate |
Theo quan điểm của USDA, việc Việt Nam loại bỏ hoạt chất Glyphosate ngoài tác dụng làm chậm sự phát triển của sản xuất nông nghiệp còn có nguy cơ rất thực tế là nông dân Việt Nam sẽ chuyển sang các sản phẩm bất hợp pháp khác không được kiểm soát để thay thế Glyphosate, khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng.
Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam có tới 54 hoạt chất thuốc trừ cỏ khác có giá thành, chất lượng tương đương, nhưng an toàn hơn thay thế Glyphosate, nên chắc chắn không có chuyện khan hiếm thuốc trừ cỏ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cũng theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, với mục tiêu đặt sức khỏe và an toàn của người dân lên trên hết, chỉ quản lý cỏ dại chứ không diệt trừ nhằm bảo vệ tài nguyên đất, môi trường sống, hướng mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững nên việc Bộ NN-PTNT loại bỏ hoạt chất Glyphosate ở thời điểm hiện tại là phù hợp điều kiện thức tế ở Việt Nam.
Ruộng lúa bờ hoa, một trong những mô hình nông nghiệp bền vững Việt Nam đang hướng tới |
Theo Cục Bảo vệ thực vật, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp chi ra hàng chục triệu USD để nhập khẩu khoảng 30.000 tấn thuốc trừ có có chứa hoạt chất Glyphosate về phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước hoặc tạm nhập tái xuất.
Roundup chính là loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, sản phẩm đầu tiên của Tập đoàn Monsanto Mỹ có chứa Glyphosate nên mặc dù Mosanto đã chuyển nhượng lại công ty, thương hiệu cho phía Bayer AG, song nó vẫn liên quan mật thiết tới nền nông nghiệp Mỹ, nhất là với cây ngô và đậu tương biến đổi gen. |
Tuy nhiên, chiếm đa số lượng thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate nhập khẩu về Việt Nam hiện nay có nguồn gốc từ Trung Quốc chứ không phải là Mỹ.
Hơn nữa, Roundup sản phẩm thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate, mặt hàng bán chạy nhất của Tập đoàn Mosanto Mỹ (nay thuộc sở hữu của Bayer AG Đức) đã và đang là mục tiêu của hàng ngàn vụ kiện ở Hoa Kỳ với cáo buộc tiếp xúc với chất này gây ung thư.
Vậy, lý do gì khiến USDA chỉ trích quyết định hoàn toàn đúng với pháp luật hiện hành của Việt Nam, hài hòa với quy định quốc tế về bảo vệ thực vật cũng như nhận được sự ủng hộ cao của dư luận như Quyết định 1186?
Mỹ hiện là cường quốc thế giới về ngô biến đổi gen, trong đó ngô biến đổi gen kháng Glyphosate chiếm tỷ trọng rất lớn |
Do giá thành của Glyphosate thuộc loại rẻ cũng như phổ biến nhất thế giới trong quá khứ cũng như hiện tại nên phần lớn các sản phẩm ngô (bắp) và cây trồng biến đổi gen (GMO) của Mỹ đều được nghiên cứu theo hướng để kháng được thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate.
Mỹ được biết đến là cường quốc thế giới về cây trồng biến đổi gen, trong đó ngô và đậu tương là hai mặt hàng Hoa Kỳ duy trì vị thế độc tôn về sản lượng và giá trị xuất khẩu, mỗi năm thu về hàng chục tỷ USD.
Không chỉ Mỹ mà rất nhiều các quốc gia khác ở Nam Mỹ, châu Á cũng đang sử dụng phần lớn các giống ngô, đậu tương biến đổi gen kháng Glyphosate trong canh tác do năng suất cao, chịu được hạn và đặc biệt là chi phí sản xuất thấp do bớt được công đoạn làm cỏ.
Vì vậy, nếu có một làn sóng phản đối và cấm Glyphosate trên toàn cầu thực sự sẽ là thảm họa với ngành trồng trọt, chăn nuôi của nước Mỹ, bởi thời gian, công sức và tiền của để nghiên cứu ra được một giống ngô hay đậu tương mới kháng được hoạt chất diệt cỏ không phải là Glyphosate vô cùng tốn kém.
Đa phần các giống ngô biến đổi gen của Mỹ đều kháng được thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate, Việt Nam hiện cũng có một vài giống ngô GMO kháng Glyphosate, song diện tích rất nhỏ |
Và có lẽ, đây mới chính là nguyên nhiên phía USDA lo ngại nhất, vì cho rằng việc Việt Nam quyết định loại bỏ Glyphosate sẽ tạo hiệu ứng domino khiến các quốc gia khác trong Đông Nam Á, hoặc có thể châu Á mạnh tay với Glyphosate, từ đó gián tiếp ảnh hưởng nặng nề tới các giống ngô GMO kháng Glyphosate mà Mỹ đang thống trị trên toàn cầu.