| Hotline: 0983.970.780

Mai này ai làm muối?

Thứ Sáu 13/08/2010 , 09:10 (GMT+7)

Trong lúc muối ế ẩm với giá bèo và người làm muối khốn khó nhưng đấy là chỉ với diêm dân truyền thống, còn với các công ty làm muối công nghiệp lại đang hốt bạc.

* Muối công nghiệp thắng lớn

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng đi khảo sát tại “thủ phủ” muối Ninh Thuận và Bình Thuận

Trong lúc muối ế ẩm với giá bèo và người làm muối khốn khó nhưng đấy là chỉ với diêm dân truyền thống, còn với các công ty làm muối công nghiệp lại đang hốt bạc.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong tổng số 956 ha muối toàn tỉnh thì có tới 784 ha (chiếm gần 80%) được các DN đầu tư SX theo quy mô công nghiệp (Cty muối Vĩnh Hảo 567 ha và Cty muối Thông Thuận 217 ha). Do đầu tư bài bản nên hai DN này đã hạ được giá thành SX muối xuống từ 30 – 50%, sản lượng muối cao hơn từ 1,5 – 2 lần và giá bán cũng cao hơn từ 100– 200 đồng/kg do chất lượng muối tốt hơn. Giá thành SX 1kg muối của Cty Vĩnh Hảo chỉ khoảng 250 đồng, nhưng giá thành 1kg muối của diêm dân lên tới 400 – 500 đồng/kg.

Tương tự, tại Dự án KKT muối công nghiệp và XK Quán Thẻ tỉnh Ninh Thuận, mặc dù hơn 2.200 ha diện tích muối công nghiệp tập trung vẫn trong giai đoạn hình thành, nhưng hiện một phần nhỏ diện tích đã đưa vào SX đang cho năng suất, chất lượng và giá bán rất tốt. Theo ông Đoàn Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT Dự án KKT muối công nghiệp và XK Quán Thẻ, hiện diện tích thử nghiệm này cho sản lượng 100 tấn/ngày với chất lượng cao, làm đến đâu tiêu thụ ngay đến đấy. “Nếu bây giờ chúng tôi có 400 tấn một ngày thì cũng được người ta bao tiêu hết sạch” – ông Việt nói. Theo tính toán, 2.200 ha đồng muối Quán Thẻ sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2011 với sản lượng đạt khoảng 400.000 tấn, chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng muối của cả nước. Đặc biệt, ½ sản lượng này sẽ được XK vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đối nghịch lại, hiện hầu hết diêm dân SX thủ công, nhỏ lẻ ngay giữa thủ phủ muối Ninh Thuận và Bình Thuận vẫn phải vật lộn với cuộc mưu sinh khi năng suất, sản lượng, chất lượng muối và giá bán rất thấp. Đơn cử tại Bình Thuận, hiện có khoảng 400 hộ dân đang canh tác trên diện tích 172 ha (trung bình 4.300 m2/hộ) năng suất rất thấp khoảng 60 tấn/ha. Với giá bán hiện chỉ 500 đồng/kg, trung bình một hộ dân làm muối 4 người chỉ thu được 12 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập dưới cả mức nghèo của tỉnh này.

Sự khốn khó của diêm dân không chỉ vì SX lạc hậu mà còn từ điều hành vĩ mô, muối hết thiếu lại thừa, giá hết cao lại thấp đến chóng mặt, ông Nguyễn Thành Bế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng diêm dân không được hưởng lợi nhiều từ chính sách ưu tiên đầu tư phát triển vùng muối. Đặc biệt, diêm dân rất khó tiếp cận với tín dụng. Theo ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, sau 3 năm thực hiện Quyết định 161/QĐ-TTg, về quy hoạch và phát triển ngành muối đã hình thành khá rõ nét vùng muối hàng hóa tập trung tại Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng thời nhiều địa phương đã thay đổi cách nghĩ, cách làm khi tạo điều kiện cho DN tham gia đầu tư vào SX muối.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng:

Mục tiêu trong 3 năm tới VN sẽ đạt 100% diện tích muối trải bạt; tăng gấp đôi số lượng kho dự trữ; diện tích sẽ giảm từ 14.500 ha xuống còn 10.000 – 12.000 ha để tập trung đầu tư KHCN, kỹ thuật, tăng năng suất và chất lượng, đưa sản lượng từ 1,1 triệu tấn hiện nay lên 1,5 triệu tấn.

Để làm được, cần phải có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào ngành muối và phải coi DN vừa là cầu nối, vừa là “bà đỡ” đưa KHCN, thị trường vào với nông dân. Ngoài ra, DN cũng được xác định sẽ là đầu tàu tạo vùng hàng hóa trọng điểm để tạo sức cạnh tranh cho mặt hàng này.

Tuy nhiên, nhìn chung sự quan tâm của các tỉnh có thể phát triển ngành muối chưa tương xứng, kéo theo vị thế của người làm muối và chính sách cho người làm muối đang quá yếu và thiếu. Quản lý toàn diện về ngành muối từ trung ương đến địa phương chưa chuyển biến tích cực. Tổ chức từ khâu SX, chế biến, dự trữ đến tiêu thụ vẫn chưa làm được, gần như thả nổi; chưa quan tâm đến kho tàng dự trữ; chưa có một cuộc XTTM nào cho ngành mà DN và diêm dân vẫn phải tự bơi. Tồn tại lớn nhất là một số địa phương chưa quản lý được quy hoạch, giá lên thì diện tích tăng, giá xuống diện tích giảm và việc phá vỡ quy hoạch này là do trách nhiệm quản lý nhà nước chưa tốt.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo cùng địa phương rà soát lại quy hoạch và điều chỉnh theo hướng tập trung vào những vùng có điều kiện thuận lợi cho năng suất, chất lượng cao và nhất là làm rõ vùng trọng điểm muối quốc gia để tập trung đầu tư SX theo hướng công nghệ cao. Riêng những vùng muối không có yếu tố thuận lợi sẽ có những chính sách tạo điều kiện ổn định cho người dân tiếp tục làm muối, nhưng lâu dài sẽ tập trung chuyển hướng đào tạo nghề. Để thực hiện được điều này, Chính phủ đang chuẩn bị cho ra đời hẳn một Nghị định về SXKD muối nhằm vực dậy ngành kinh tế có ý nghĩa dân sinh rất cao nhưng lâu này chưa thực sự được quan tâm “xứng tầm”.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.