| Hotline: 0983.970.780

Màn IPO ‘có ý nghĩa đặc biệt’ của Syngenta

Thứ Hai 05/07/2021 , 10:10 (GMT+7)

Syngenta Group, tập đoàn nông nghiệp khổng lồ thuộc Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc vừa chính thức đăng ký IPO tại sàn Thượng Hải, với kỳ vọng huy động 10 tỷ USD.

Giới trong ngành cho biết việc niêm yết sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của Syngenta và có thể phá vỡ thế độc quyền của phương Tây trong lĩnh vực hạt giống. Ảnh: Global Times

Giới trong ngành cho biết việc niêm yết sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của Syngenta và có thể phá vỡ thế độc quyền của phương Tây trong lĩnh vực hạt giống. Ảnh: Global Times

Theo giới quan sát, đây sẽ là đợt IPO (phát hành cổ phiếu công khai lần đầu) lớn nhất tại các thị trường hạng A (STAR) ở Trung Quốc kể từ cú IPO của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc hồi năm 2010.

"Việc niêm yết của Syngenta Group có thể sẽ có tác động lớn đến ngành nông nghiệp thế giới bởi nó sẽ giúp công ty huy động thêm nhiều vốn hơn để tập trung vào mảng nghiên cứu công nghệ nông nghiệp tiên tiến và thậm chí giành thị phần ở nước ngoài", Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao tại Beijing Orient- hãng tư vấn kinh doanh nông nghiệp nói với Thời báo Hoàn cầu.

Tuy nhiên hơn thế nữa, giới chuyên gia phân tích cho rằng, màn IPO lần này không những chỉ thuần túy giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty mà còn tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp toàn cầu, vốn đã bị các đối thủ phương Tây thống trị từ lâu.

Ngoài ra, động thái sắp diễn ra còn giúp tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh hơn trong lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển hạt giống và các lĩnh vực quan trọng khác nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài, có thể đưa Syngenta trở thành công ty hàng đầu thế giới.

Theo Kynetec, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp và sức khỏe động vật quốc tế, tính đến năm 2020 Syngenta đứng thứ ba trong ngành công nghiệp hạt giống toàn cầu, với thị phần 7%, xếp sau Bayer của Đức với 20% và Corteva của Mỹ với 17%.

Ước tính, giá trị thị trường của Syngenta hiện là hơn 300 tỷ nhân dân tệ (46,4 tỷ USD), lớn nhất trên thị trường STAR. Hiện lá đơn đăng ký phiên IPO đã được Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải chấp nhận hôm thứ Sáu tuần rồi.

Ông Jiao Shanwei, tổng biên tập của trang mạng chuyên theo dõi thị trường ngũ cốc cngrain.com cho biết, cú niêm yết này sẽ chuyển dòng vốn vào các khu vực ưu tiên của nông nghiệp quốc gia. “Nó sẽ là động lực đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và phát triển (R &D), đặc biệt là trong một số mảng đã bị thắt nút cổ chai lâu nay, cụ thể như hạt giống. Việc niêm yết sẽ nâng cao vị thế của Trung Quốc trên thế giới và ngăn ngành công nghiệp hạt giống thế giới bị độc quyền bởi một số doanh nghiệp từ các nước phương Tây”, ông Jiao cho hay.

Theo giới chuyên gia, mảng hạt giống ở Trung Quốc đang chiếm giữ một vị trí chủ đạo đối với một số loại cây lương thực, tuy nhiên trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chẳng hạn như ngô thì hạt giống đã bị độc quyền bởi các công ty nước ngoài từ lâu.

Vào tháng 6 năm 2017, Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina) đã hoàn tất việc mua lại Syngenta Group của Thụy Sỹ với giá 43 tỷ USD, thương vụ thâu tóm lớn nhất một tập đoàn nước ngoài của một công ty Trung Quốc tính cho đến nay.

Việc thâu tóm Syngenta được coi là một phần của ngành công nghiệp mặt trời mọc trong chiến lược phát triển của Trung Quốc. Ví dụ, thị trường hạt giống rau dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Syngenta hiện đứng đầu trong ngành bảo vệ thực vật của Trung Quốc và đứng thứ hai trong ngành hạt giống tại quốc gia 1,4 tỷ dân.

Các chuyên gia cho biết, với tốc độ phát triển và thương mại hóa của công nghệ nhân giống, ngô và các loại hạt giống cây lương thực dùng làm thức ăn chăn nuôi khác sẽ có giá trị thương mại rất lớn đối với Trung Quốc.

Syngenta là một công ty kinh doanh nông sản top đầu thế giới chuyên tiếp thị hạt giống và thuốc trừ sâu hiện đã tham gia sâu vào mảng công nghệ sinh học và nghiên cứu gen. Ảnh: Getty

Syngenta là một công ty kinh doanh nông sản top đầu thế giới chuyên tiếp thị hạt giống và thuốc trừ sâu hiện đã tham gia sâu vào mảng công nghệ sinh học và nghiên cứu gen. Ảnh: Getty

Thị trường nông nghiệp chính xác toàn cầu dự kiến ​​sẽ vượt mốc 4 tỷ USD vào năm 2025 và hiện Syngenta đã chứng minh được lợi thế trong lĩnh vực này. Theo báo cáo của Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, doanh thu được tạo ra bởi Nền tảng Nông nghiệp Hiện đại, nền tảng dịch vụ nông nghiệp kỹ thuật số của Syngenta tại Trung Quốc đã tăng gấp ba lần lên 700 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến ​​sẽ tăng trưởng nhanh hơn nữa.

Dự kiến, số tiền thu được từ màn IPO sắp tới là 65 tỷ nhân dân tệ (10 tỷ USD) sẽ giúp Trung Quốc giới thiệu các công nghệ hạt giống tiên tiến để cải thiện hoạt động sản xuất trong nước.

Ông Ma Wenfeng cho biết, sản lượng đậu tương và ngô ở Nam Mỹ hiện cao gấp khoảng hai lần so với Trung Quốc, trong khi năng suất lúa mì ở châu Âu cao gấp rưỡi của Trung Quốc.

Những người trong ngành cho rằng, thị trường vốn của Trung Quốc sắp chào đón một “gã khổng lồ công nghệ nông nghiệp thực sự đẳng cấp thế giới” bởi Syngenta đứng số 1 trong ngành bảo vệ thực vật toàn cầu, số 3 trong ngành hạt giống và số 1 trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số nông nghiệp, tính đến năm 2019.

Còn nhớ, phi vụ ChemChina mua lại Syngenta vào năm 2017 đã từng gây tranh cãi lớn vì tỷ lệ nợ cao, trong khi thị trường toàn cầu tăng trưởng chậm chạp và triển vọng hội nhập kinh doanh không chắc chắn. Tuy nhiên, chỉ trong vòng bốn năm, doanh số của Syngenta đã liên tục đứng đầu thế giới trong hai năm liên tiếp.

Theo bản cáo bạch của công ty, Syngenta đã giảm đáng kể rủi ro hoạt động của mình thông qua việc tối ưu hóa nợ, đặc biệt là sau khi hoàn thành tái cơ cấu nợ vào năm 2020. Tỷ lệ tài sản-nợ phải trả của công ty giảm xuống 40,51%, thấp hơn mức trung bình của các công ty niêm yết tương đương, trái ngược hoàn toàn với con số 57,2% vào cuối năm 2019 và 56,3% vào cuối năm 2018.

Chia sẻ trong bản cáo bạch, Syngenta cho biết những cam kết của họ không chỉ là việc chuyển đổi và nâng cấp nền nông nghiệp đẳng cấp thế giới của Trung Quốc, mà còn là sự tích hợp các khái niệm, công nghệ và nguồn lực nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc tế với nhu cầu của hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc, cũng như phục vụ dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

(Global Times)

Xem thêm
Phân bón Lâm Thao - giải pháp nông nghiệp xanh cho cây chè

Chuẩn bị cho diễn đàn chuyên đề về chè sắp diễn ra ở tỉnh Phú Thọ tôi lên Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao để tìm hiểu thực tế.

Bệnh virus hại tiêu và cách phòng trị

Bệnh virus hại tiêu (bệnh tiêu điên) là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu làm giảm năng suất, chất lượng thậm chí khiến tiêu bị chết hàng loạt rất nguy hiểm...

Áp dụng khẩu phần đạm thô thấp mang hiệu quả kép cho chăn nuôi lợn

Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn đem lại tác động đa lợi ích, vùa hướng tới giảm phát thải khí nhà kính vựa hạ giá thành chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?