| Hotline: 0983.970.780

Mang rừng về với đồng bằng, hồi sinh 'đất chết'

Thứ Hai 26/06/2023 , 13:42 (GMT+7)

Ngay sát nách đô thị bức bách ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), người ta bất ngờ bởi một trang trại quanh năm xanh mướt, không khác gì một khu rừng...

Làm sống lại "đất chết"

Những vườn cây xanh mướt, không khí trong lành là ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Rơm Vàng Farm của anh Nguyễn Văn Nhân (30 tuổi, trú xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ít ai biết được rằng cách đây 5 năm, nông trại này chỉ là một vùng đất bạc màu, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả nên hầu hết bà con đều bỏ hoang.

Hệ sinh thái được phục hồi khi canh tác nông nghiệp thuận theo tự nhiên. Ảnh: RV.

Hệ sinh thái được phục hồi khi canh tác nông nghiệp thuận theo tự nhiên. Ảnh: RV.

Bài liên quan

Kể về câu chuyện xây dựng Rơm Vàng Farm, anh Nhân khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn khi biết chàng trai trẻ này trước đây lại là kỹ sư hóa dầu. Vì niềm đam mê với nông nghiệp, Nhân đã quyết định từ bỏ công việc với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng ở chốn phố thị xô bồ để trở về quê, lựa chọn con đường phát triển nông nghiệp sinh thái theo mô hình vườn rừng.

Cảm hứng để Nhân lựa chọn hướng đi này xuất phát từ một lần tình cờ đọc được cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh mô hình nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cùng với đó, chứng

Bài liên quan

kiến đất đai, đồng ruộng của quê mình ngày càng chai cứng do ảnh hưởng quá nhiều của các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật càng khiến cho Nhân quyết tâm xây dựng mô hình canh tác bền vững, từng bước tái tạo lại hệ sinh thái tự nhiên đã mất đi.

Năm 2019, Nhân thuê lại một vùng đất hoang rộng 3,5ha ở xã Điện Hòa để bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng của mình. “Thời điểm đó, đất ở đây cằn cỗi, không còn độ tơi xốp, hàm lượng hóa chất tồn dư rất nhiều. Vậy nên để cây trồng có thể phát triển được, điều quan trọng nhất là phải cải tạo lại đất, bổ sung chất dinh dưỡng. Quá trình này thật sự mất rất nhiều thời gian, làm sao để đất trở lại trạng thái phì nhiêu một cách tự nhiên nhất”, Nhân chia sẻ.

Các loại cây trong mô hình nông nghiệp sinh thái sẽ hỗ trợ cho nhau phát triển và cải tạo đất. Ảnh: Lê Khánh.

Các loại cây trong mô hình nông nghiệp sinh thái sẽ hỗ trợ cho nhau phát triển và cải tạo đất. Ảnh: Lê Khánh.

Bài liên quan

Mất nhiều công sức, thời gian và chi phí trong khi những năm đầu hầu như không có thu nhập có lẽ sẽ khiến cho nhiều người nản chí, bỏ cuộc. Tuy vậy, trong Nhân lại có sự kiên trì và cả nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Suốt 2 năm ròng rã, ông chủ trẻ của Rơm Vàng Farm vừa vùi đầu vào công việc, vừa tìm hiểu thêm các kiến thức về mô hình nông nghiệp sinh thái. Cứ như thế, từng chút một, nông trại của Nhân đã dần nên hình hài, các loại cây lá trong vườn đã bắt đầu vươn mình căng tràn sức sống.

“Phải mất 2 năm thì trong đất mới loại bỏ hết được tồn dư hóa chất, nhưng hàm lượng hữu cơ, độ tơi xốp thì phải qua năm thứ 3 mới tốt lên được. Giải pháp mà tôi thực hiện là trồng các loại cây họ đậu bổ sung đạm cho đất, cắt tỉa cành lá cây xanh để ủ thành phân tạo thành vật liệu hữu cơ, đồng thời bón thêm một ít phân bò của người dân địa phương. 

Việc trồng nhiều loại cây ngoài việc cho đa dạng về thu nhập còn chia nhỏ được rủi ro khi gặp thiên tai. Ảnh: Lê Khánh.

Việc trồng nhiều loại cây ngoài việc cho đa dạng về thu nhập còn chia nhỏ được rủi ro khi gặp thiên tai. Ảnh: Lê Khánh.

Bài liên quan

Nông trại không dùng bất cứ một loại chế phẩm, phân bón vô cơ hay thuốc BVTV nào nhằm hạn chế chi phí đầu và để xây dựng lại hệ sinh thái phát triển theo tự nhiên, tự vận hành”, Nhân nói.

Nông trại Rơm Vàng Farm được Nhân thiết kế rất khoa học theo từng phân khu với những chức năng khác nhau và cùng bổ trợ cho nhau. Nơi cao nhất là địa điểm sinh sống của của gia đình. Thấp hơn một chút chính là khu vườn rừng. Tiếp đến là khu chăn nuôi và đồng ruộng. Đồng ruộng là nơi tận dụng năng lượng, nguồn dinh dưỡng từ các khu phía trên để phát triển. Cuối cùng là khu vực ao với chức năng trữ nước ngầm để phục hồi hệ sinh thái.

“Bao bọc quanh farm, tôi xây dựng, thiết kế một vùng đệm sinh học bao gồm mương nước rộng tầm 3m để duy trì mực nước ngầm trong nông trại, đồng thời ngăn chặn sự thẩm thấu từ bên ngoài. Cạnh mương là bờ đất rộng 8m để trồng cỏ voi. Sau 2 năm, cây cỏ voi lên cao hơn 3m có chức năng bảo vệ nông trại khỏi các loại hóa chất từ bên ngoài xâm nhập vào. Đồng thời, vùng đệm này còn tạo thành môi trường sống cho các loại chim, cò, ếch, nhái giúp cân bằng hệ sinh thái”, Nhân cho hay.

Mang rừng về với đồng bằng

Điểm nhấn trong nông trại của Nhân chính là khu vườn rừng rộng 2ha với nhiều loại cây ăn quả như mít, ổn, xoài, chuối và các loại hoa màu ngắn ngày, phân thành nhiều tầng tán. Với cách bố trí này, sẽ tận dụng được tối đa không gian, diện tích. Bên cạnh đó, các loại cây trồng cũng sẽ hỗ trợ cho nhau, giúp hạn chế được sâu bệnh.

Khu vườn rừng được trồng nhiều loại cây khác nhau tạo nên nhiều tầng tán. Ảnh: RV.

Khu vườn rừng được trồng nhiều loại cây khác nhau tạo nên nhiều tầng tán. Ảnh: RV.

Bài liên quan

Những năm đầu, các loại cây trồng ngắn ngày như bắp, mè, các loại đậu sẽ là nguồn thu nhập để phát triển các cây ăn quả dài ngày. Phế phẩm những cây này sau khi thu hoạch sẽ đem ủ để bổ sung phân bón cho vườn rừng, tạo thành một quy trình khép kín. Khi những cây ăn quả lớn, cho thu hoạch, các cây trồng ngắn ngày sẽ được thay thế bằng các loại cây sinh khối, họ đậu để tiếp tục bổ sung dinh dưỡng và hữu cơ cho đất.

“So với phương pháp canh tác sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu thì chi phí đầu tư ban đầu của mô hình vườn rừng cao và mất nhiều công sức hơn. Nhưng bù lại, qua từng năm, các khoản đầu tư sẽ ngày càng giảm xuống do chất dinh dưỡng trong đất dần được bổ sung theo thời gian và cũng không mất tiền cho các loại thuốc bảo vệ thực vật. Các loại cây cối thuận theo tự nhiên, sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất”, Nhân nói.

Theo Nhân, vườn rừng mà Rơm Vàng Farm đang thực hiện là tạo ra các sản phẩm gắn với vùng đồng bằng nhưng vẫn thể hiện được tầng tán, mang rừng về vùng đồng bằng. “Đây là câu chuyện về mặt sinh thái, sinh kế, đặc biệt ở vùng đồng bằng đang bị cuốn theo tốc độ đô thị hóa rất lớn. Không ai nghĩ rằng, ở vùng gần sát khu đô thị mà mình có một khu vườn rừng giúp bảo tồn hệ sinh thái đã mất đi”.

Hệ sinh thái được phục hồi kéo theo sự đa dạng về sinh học và hệ thiên địch, hình thành chuỗi thức ăn tự nhiên, triệt tiêu các loại sâu bệnh hại. Nhân cho rằng, ngoài việc tạo ra hệ sinh thái thuận theo tự nhiên thì người quản lý cũng cần hiểu được tập tính, nguyên lý phát triển của các loại cây trồng. Chắc chắn rằng, các loại cây trồng trong mô hình sẽ có xuất hiện sâu bệnh. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh cần thiết để kiểm soát mà còn giúp loại trừ một số cây yếu để những cây khỏe đạt năng suất cao hơn.

Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo mô hình sinh thái thuận tự nhiên có chi phí rất thấp, chủ yếu là công lao động, nhưng giá trị, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Ảnh: Lê Khánh.

Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo mô hình sinh thái thuận tự nhiên có chi phí rất thấp, chủ yếu là công lao động, nhưng giá trị, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Ảnh: Lê Khánh.

“Cùng với đó, việc canh tác đa tầng tán, đa dạng các loại cây trồng trong mô hình vườn rừng còn giúp chia nhỏ rủi ro mỗi khi có thiên tai, đặc biệt ở vùng đất Quảng Nam thường xuyên hứng chịu nhiều cơn bão, lũ. Nhiều loại cây với chiều cao khác nhau đảm bảo chức năng che chắn, hỗ trợ cắt, cản gió. “Mỗi khi có thiên tai, nếu như phương pháp canh tác theo kiểu độc canh thiệt hại 100% thì trang trại của tôi cùng lắm chỉ thiệt hại khoảng 60%”, Nhân khẳng định.

Ông chủ trẻ của Rơm Vàng Farm chia sẻ, để xây dựng mô hình nông nghiệp vườn rừng thành công, cần chú trọng đến 2 vấn đề. Đầu tiên là đòi hỏi sự am hiểu về kỹ thuật. Kỹ thuật ở đây không phải chỉ là phương pháp thực hiện mà còn phải biết nhìn nhận, phân tích được hiện trạng của vùng đất muốn triển khai thực hiện mô hình. Từ đó phát huy hết được những điểm thuận lợi và giải quyết những khó khăn, bổ sung những yếu tố còn thiếu nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Điều thứ 2 là phải tạo được thị trường đầu ra ổn định cho quá trình vận hành lâu dài. “Thị trường ở đây là sẽ liên kết sản xuất với các đối tác thu mua hoặc xây dựng truyền thông thị trường cho mình. Mình làm tốt, biết cách truyền thông sản phẩm thì rất nhiều người sẵn sàng hỗ trợ để thu mua với giá cao.

Xen canh, đa canh là hình thức mà Rơm Vàng Farm luôn áp dụng trong trang trại của mình. Ảnh: Lê Khánh.

Xen canh, đa canh là hình thức mà Rơm Vàng Farm luôn áp dụng trong trang trại của mình. Ảnh: Lê Khánh.

Người quản lý phải nắm vững để xây dựng một cách bền vững. Phải có sản phẩm ngắn ngày để nuôi cái dài ngày. Nhưng ngược lại, nếu có thị trường tốt nhưng làm không đúng kỹ thuật theo phương pháp tự nhiên, không đảm bảo chất lượng thì khi bị phát hiện ra sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, mất niềm tin đối với khách hàng. Hệ quả sau cùng là sẽ không thể phát triển được nữa”, Nhân nói.

Hiện nay, các sản phẩm của Rơm Vàng Farm đều được liên kết, bao tiêu với mức giá cao gấp 2 – 3 lần so với các sản phẩm canh tác truyền thống. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, Nhân thu về khoảng 400 triệu đồng. Nông trại Rơm Vàng Farm cũng đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là người dân đồng bào vùng cao của tỉnh Quảng Nam với mức thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.