| Hotline: 0983.970.780

Đồng quê thanh bình, nên thơ từ mô hình 'ruộng lúa, bờ hoa'

Thứ Sáu 23/06/2023 , 07:41 (GMT+7)

ĐBSCL Nhờ những hiệu quả thiết thực, canh tác lúa theo công nghệ sinh thái với mô hình 'ruộng lúa, bờ hoa' đã thật sự hấp dẫn nông dân và được nhân rộng ở vùng ĐBSCL.

"Ruộng lúa, bờ hoa" xóa vòng luẩn quẩn trong canh tác lúa

Ở ĐBSCL, khi diện tích, năng suất lúa càng ngày tăng, việc sử dụng các loại vật tư nông nghiệp cũng tăng theo, đặc biệt là các loại thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nông sản kém an toàn và tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Ít có mô hình nào được nông dân ĐBSCL đón nhận và lan tỏa áp dụng như 'ruộng lúa, bờ hoa'. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ít có mô hình nào được nông dân ĐBSCL đón nhận và lan tỏa áp dụng như “ruộng lúa, bờ hoa". Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bài liên quan

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong ruộng lúa thường có 3 nhóm đối tượng sinh vật gây hại chính, đó là nhóm bệnh hại, nhóm cỏ dại và nhóm động vật mà phần nhiều là các loại côn trùng chích hút. Thông thường, nhóm côn trùng chích hút như sâu, rầy, bọ trĩ… có thể phát sinh gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa nên nhà nông thường sử dụng các loại thuốc hóa học có độc tố cao, hoặc quá lạm dụng khi phòng trừ.

Nhiều nghiên cứu và thực tế sản xuất đã chứng minh trong ruộng lúa, các loại ký sinh bắt mồi ăn thịt và các nấm bệnh gây hại côn trùng, hay còn gọi là thiên địch có vai trò rất quan trọng. Trong tự nhiên, thiên địch luôn kìm hãm được sự phát triển của quần thể sâu hại, vì vậy nếu nhà nông lạm dụng thuốc hóa học sẽ phá vỡ hệ sinh thái đồng ruộng, tạo ra sự mất cân bằng sinh học khiến sâu bệnh dễ phát sinh, khi dịch hại bộc phát, nhà nông lại tăng liều thuốc hóa học khi sử dụng, tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn.

Canh tác lúa theo công nghệ sinh thái, nhà nông sẽ có những tác động để làm tăng số lượng và hoạt động của các sinh vật có ích hay (thiên địch), giúp tăng tính đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái trên ruộng lúa. Đây là tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng ở các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến trên thế giới và cũng được xem là giải pháp phòng dịch hại hiệu quả, an toàn, giúp người trồng lúa tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Không chỉ thu hút thiên địch, kìm hãm sự phát triển của quần thể sâu hại, mô hình 'ruộng lúa, bờ hoa' còn tạo nên cảnh quan thanh bình, nên thơ cho những làng quê. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Không chỉ thu hút thiên địch, kìm hãm sự phát triển của quần thể sâu hại, mô hình "ruộng lúa, bờ hoa" còn tạo nên cảnh quan thanh bình, nên thơ cho những làng quê. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ở nước ta, chương trình “Cộng đồng quản lý rầy nâu, sâu cuốn lá bằng công nghệ sinh thái ruộng lúa, bờ hoa” đã được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) triển khai từ vụ đông xuân 2009 - 2010. Mô hình này được thực hiện đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang và đến nay đã nhân rộng ra nhiều tỉnh thành ở vùng ĐBSCL.

Thời gian gần đây, được sự hỗ trợ, khuyến khích của ngành nông nghiệp, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai thực hiện nhằm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân. Trong đó quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo công nghệ sinh thái, hay còn gọi là mô hình "ruộng lúa, bờ hoa" đã giúp nông dân bảo vệ, thu hút thiên địch, quản lý tốt sinh vật gây hại, giảm thiểu sử dụng nông dược, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. 

Mô hình "ruộng lúa, bờ hoa" đã thật sự hấp dẫn nông dân, có sức lan tỏa nhanh và từng bước hình thành những cánh đồng không phun thuốc trừ sâu ở miền Tây.

Những làng quê đẹp tựa trong tranh

Ông Ngô Văn Hây ở xã Phú Hữu, huyện An Phú (tỉnh An Giang) đang canh tác hơn 5ha lúa. Trước đây, mỗi vụ ông phải đầu tư hàng chục triệu đồng cho gần 8 - 9 cử phun thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh. Thế nhưng mấy năm qua, từ khi ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa theo công nghệ sinh thái, mọi thứ đã thay đổi. 

Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã có gần 40 ngàn ha lúa canh tác theo mô hình 'ruộng lúa, bờ hoa' và phần lớn diện tích luôn được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã có gần 40 ngàn ha lúa canh tác theo mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” và phần lớn diện tích luôn được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Không riêng gì ông Hây, hầu hết bà con tham gia canh tác lúa theo công nghệ sinh thái ở ĐBSCL đều nhận xét khi áp dụng mô hình này, suốt vụ lúa, nhà nông chỉ sử dụng nông dược để diệt trừ nấm bệnh khi cần thiết, còn thuốc trừ sâu, rầy đã được hạn chế tối thiểu, hoặc không sử dụng.

Ở phường Long Thạnh 2, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), từ mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” bà con đã phát triển thành một làng trồng hoa với gần 30 hộ tham gia.

Ông Nguyễn  Văn Tiến ở phường Long Thạnh 2, quận Thốt Nốt canh tác 2,5ha lúa cho biết: Thời gian qua, được sự khuyến khích, hướng dẫn của ngành nông nghiệp, bên cạnh các loại hoa như sao nhái, trâm ổi, cúc hướng dương được trồng trên bờ ruộng, bà con còn tận dụng đất trống để trồng thêm các loại hoa màu mà thị trường ưa chuộng. Ngoài hiệu quả tiêu diệt côn trùng, giảm thuốc BVTV, "ruộng lúa, bờ hoa" còn giúp cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp và tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Ông Tiến tính toán, nhờ canh tác lúa theo mô hình “ruộng lúa, bờ hoa”, bà con có thể giảm hơn 50% lượng thuốc trừ sâu nên tiết kiệm khoảng 300.000 đồng/công lúa mỗi vụ, tăng thêm hơn 10% lợi nhuận cho người trồng lúa. Đây là con số rất ý nghĩa khi canh tác lúa trong điều kiện thời tiết ngày càng bất lợi và giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay.

Nhờ canh tác lúa theo mô hình 'ruộng lúa, bờ hoa', bà con có thể giảm hơn 50% lượng thuốc trừ sâu, tiết kiệm khoảng 300.000 đồng/công lúa mỗi vụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhờ canh tác lúa theo mô hình “ruộng lúa, bờ hoa”, bà con có thể giảm hơn 50% lượng thuốc trừ sâu, tiết kiệm khoảng 300.000 đồng/công lúa mỗi vụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục Trưởng, Chi Cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết, An Giang là một trong những tỉnh đi đầu ở ĐBSCL và luôn duy trì, phát triển mạnh mô hình “ruộng lúa, bờ hoa”.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của mô hình, ngoài việc trồng hoa có nhiều màu sắc, có mật và phấn hoa, các nhà chuyên môn còn khuyến khích người dân trồng thêm một số loại cây như cây mè, đậu phộng, đậu bắp… Bởi ngoài tác dụng làm nơi cư trú và thu hút thiên địch, các loại cây này còn có thể tạo thêm thu nhập đáng kể cho nông dân.

Cân bằng sinh thái từ đấu tranh sinh tồn

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, để canh tác lúa theo mô hình công nghệ sinh thái đạt hiệu quả, điều quan trọng đầu tiên là nhà nông phải thực hiện biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quy trình “1 phải 5 giảm”, tức phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm thuốc BVTV, giảm lượng nước và số lần bơm tưới, giảm thất thoát trong thu hoạch và sau thu hoạch.

Trồng lúa theo mô hình 'ruộng lúa, bờ hoa' vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe nông dân Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trồng lúa theo mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe nông dân Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc tận dụng bờ bao xung quanh ruộng lúa để trồng hoa nhằm duy trì sự ổn định giữa các đối tượng gây hại và các sinh vật có ích trên đồng ruộng. Chính sự đấu tranh sinh tồn giữa thiên địch và các loài dịch hại sẽ tạo nên sự cân bằng sinh thái trên ruộng lúa, khiến mật độ côn trùng gây hại luôn giữ ở mức độ thấp, không ảnh hưởng đến ngưỡng kinh tế, nhờ đó nhà nông hạn chế hoặc không phải sử dụng hóa chất để tiêu diệt sâu rầy.

“Mô hình trồng lúa theo công nghệ sinh thái đã thật sự hấp dẫn nông dân và được nhân rộng ở các tỉnh thành vùng ĐBSCL. Đến nay, toàn vùng đã có gần 40 ngàn ha lúa canh tác theo mô hình này và phần lớn diện tích luôn được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường nội địa và xuất khẩu” ông Lê Văn Thiệt cho biết.

Tham gia canh tác lúa theo công nghệ sinh thái bằng mô hình ‘‘ruộng lúa, bờ hoa”, nhận thức của nhà nông đã thay đổi theo hướng tích cực. Hầu hết bà con đã hiểu rằng, phun thuốc trừ sâu sớm, phun định kỳ, phun thuốc trừ sâu để làm tăng năng suất... là quan điểm sai lầm cần phải thay đổi. Mặt khác, công nghệ sinh thái không chỉ giúp nhà nông nâng cao hiệu quả trong việc quản lý dịch hại, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống canh tác bền vững, thân thiện với môi trường.

Sản xuất lúa theo công nghệ sinh thái giúp ruộng lúa rất ít sâu hại, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp và còn tạo thêm thu nhập cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản xuất lúa theo công nghệ sinh thái giúp ruộng lúa rất ít sâu hại, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp và còn tạo thêm thu nhập cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía  Nam (Cục BVTV), hiện nay, mô hình canh tác lúa theo công nghệ sinh thái đang được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Gần 40 ngàn ha canh tác theo mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” là con số rất nhỏ so với diện tích trồng lúa ở ĐBSCL. Thế nhưng, mô hình canh tác lúa hiệu quả và thân thiện với môi trường này đã mở ra nhiều triển vọng cho sản xuất lúa ở vùng trọng điểm lúa gạo của cả nước.

Năm 2023, các địa phương cũng đã và đang phát triển khai ứng dụng kỹ thuật tiên tiến này trong các cánh đồng lớn, cánh đồng thông minh và những cánh đồng trong chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL… nhằm tiếp tục xây dựng những cánh đồng không phun thuốc trừ sâu. Đây cũng là xu thế phát triển của một nền nông nghiệp thân thiện, an toàn và bền vững.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.