| Hotline: 0983.970.780

'Tìm tự do' cho cây trồng trên dãy Chư Yang Sin

Thứ Bảy 24/06/2023 , 06:00 (GMT+7)

Mỗi cây trồng cần có tự do và môi sinh của mình. Với triết lý đó, vợ chồng anh Thái đã triển khai dự án vườn rừng, giúp cây trồng thoát khỏi cảnh 'giam cầm'.

Căn nhà của vợ chồng anh Thái và chị Trinh được làm hoàn toàn băng tre nằm giữa dãy Chư Yang Sin. Ảnh: Quang Yên.

Căn nhà của vợ chồng anh Thái và chị Trinh được làm hoàn toàn băng tre nằm giữa dãy Chư Yang Sin. Ảnh: Quang Yên.

Ám ảnh đồi trọc, hồ "chết"

Bài liên quan

Lâu nay, thường những người lớn tuổi mới chọn đến những nơi hẻo lánh, ít người để sinh sống. Nhưng tại Đắk Lắk, đôi vợ chồng trẻ 9X đã chọn dãy núi Chư Yang Sin để dựng trại để sống tại đây và thực hiện dự án mô hình vườn rừng. Căn nhà bằng tre, nằm lọt thỏm giữa dãy núi Chư Yang Sin là nơi đôi vợ chồng trẻ "đóng đô" để lấy lại màu xanh cho núi rừng, mang ấm no cho bà con.

Giữa trưa tháng 5 nóng rát, chúng tôi đến thác Bìm Bịp, xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) sau khi vượt hơn 3km từ đường liên thôn để đến được nơi ở của anh Phạm Quang Thái (34 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) cùng vợ là chị Hồ Thị Hoài Trinh (27 tuổi). Hai vợ chồng cho biết quen nhau trong các dự án trồng rừng. Từ khi yêu đến lúc cưới nhau là 3 năm, cũng chừng ấy thời gian hai vợ chồng sống ở rừng nhiều hơn ở phố.

Những cây ăn quả trồng theo phương pháp vườn rừng như được 'trả tự do', vươn lên rất khỏe dù không phải chăm bẵm bằng phân bón, thuốc BVTV. Ảnh: QT.

Những cây ăn quả trồng theo phương pháp vườn rừng như được "trả tự do", vươn lên rất khỏe dù không phải chăm bẵm bằng phân bón, thuốc BVTV. Ảnh: QT.

Bài liên quan

Theo chị Trinh, trước đây chị làm cho một công ty lâm nghiệp nên được giao hỗ trợ anh Thái về đo đạc diện tích rừng. Sau thời gian đi làm chung, thấy anh Thái tận tình hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên chị Trinh yêu từ đó. Sau đó, Trinh nghỉ công ty rồi về phụ giúp chồng thực hiện dự án.

“Bản thân tôi cũng thích vùng núi hơn đô thị. Sống trên núi thời gian đầu buồn, sợ, nhưng dần rồi cũng quen. Về đây thấy bình yên, buổi sáng có thể nghe tiếng chim hót, nước suối chảy. Đặc biệt hơn là có thể giúp người đồng bào địa phương phát triển kinh tế”, chị Trinh nói.

Chia sẻ về mô hình vườn rừng, anh Phạm Quang Thái cho biết, bản thân đam mê với thiên nhiên, làm nhiều chương trình trồng rừng tại các vùng miền nhưng nhận ra nó không bền vững. Đặc biệt, khi chương trình tặng cây cho người dân trồng, nhưng họ không chăm sóc, dẫn đến kinh tế không có, dự án thất bại.

Các loại cây dược liệu được anh Hoàn canh tác hoàn toàn tự nhiên, trồng xen với nhiều loại cây trồng khác hoặc kết hợp dưới tán rừng. Ảnh: Minh Quý.

Các loại cây dược liệu được anh Hoàn canh tác hoàn toàn tự nhiên, trồng xen với nhiều loại cây trồng khác hoặc kết hợp dưới tán rừng. Ảnh: Minh Quý.

Bài liên quan

“Ngoài ra, đa phần người dân sản xuất độc canh nên thường gặp rất nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, giá cả trồi sụt, không bền vững. Từ đó mình quyết tâm tìm khu vực nào đủ điều kiện tốt nhất của tự nhiên và con người có khả năng, tâm huyết để thực hiện mô hình vườn rừng có chiều sâu, bài bản hơn”, anh Thái chia sẻ.

Xuất phát từ đó, năm 2017, Thái tìm đến xã Yang Tao và nhận thấy khu vực này có dòng thác khoáng đầu nguồn. Thác nước đẹp, sạch nhưng ra đến hồ Lắk ở cuối nguồn nước lại “chết”.

Theo anh Thái, nguyên nhân chính là vì người dân hai bên bờ suối sản xuất độc canh, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học cộng với để đất trống đồi trọc. Khi mùa mưa đến đã dồn tất cả đất, đá nhỏ cuốn xuống hồ Lắk.

Cây cà phê được anh Thái trồng xen với rừng phục hồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi hoàn toàn tự nhiên, đạt chuẩn hữu cơ và chi phí sản xuất rất thấp do không phải sử dụng bất kỳ vật tư, phân bón nào. Ảnh: Quang Yên.

Cây cà phê được anh Thái trồng xen với rừng phục hồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi hoàn toàn tự nhiên, đạt chuẩn hữu cơ và chi phí sản xuất rất thấp do không phải sử dụng bất kỳ vật tư, phân bón nào. Ảnh: Quang Yên.

“Sau những trận mưa, hồ Lắk bị bùn bao phủ, nguồn nước bị ô nhiễm. Khi đi tìm nguyên nhân phát hiện như thế nên tôi quyết tâm xây dựng mô hình vườn rừng từ đầu nguồn. Mô hình với mục tiêu chính là ngăn chặn người dân trong khu vực tiếp tục phá rừng.

Một số người dân địa phương, nhất là người đồng bào thường sẽ phá từ từ để rừng chết dần rồi lấn chiếm lấy đất sản xuất. Khi thực hiện dự án, sẽ làm giảm áp lực cho những khu rừng già. Thứ hai là nâng cao hệ đa tầng tán bằng mô hình vườn rừng, từ đó bảo vệ nguồn nước. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra được hàng nông sản chất lượng cao”, anh Thái thông tin.

Hiểu được những giá trị mà mô hình vườn rừng của vợ chồng anh Thái mang lại, rất nhiều tình nguyện viên đã tới địa phương nơi anh Thái triển khai dự án tiến hành các hoạt động hỗ trợ, làm đa dạng sinh học cho vườn rừng ở dãy núi Chư Yang Sin. Ảnh: QT.

Hiểu được những giá trị mà mô hình vườn rừng của vợ chồng anh Thái mang lại, rất nhiều tình nguyện viên đã tới địa phương nơi anh Thái triển khai dự án tiến hành các hoạt động hỗ trợ, làm đa dạng sinh học cho vườn rừng ở dãy núi Chư Yang Sin. Ảnh: QT.

Khi quyết định lên chốn "khỉ ho cò gáy" để lập nghiệp, nhiều người ái ngại bảo anh Thái "khùng" mới rót tiền lên đó để đầu tư. Anh Thái cười và thừa nhận rằng việc này có thể đúng. Theo anh Thái, nếu làm kinh tế đơn thuần không ai đầu tư như mình.

“Với tiềm lực và khả năng của mình, nếu thực hiện các dự án đầu tư khác sẽ có thu nhập rất nhanh. Trong khi đó thời gian, tiền bạc và tâm huyết để lên núi đồng hành, thậm chí sống trên núi để thực hiện mô hình vườn rừng với bà con thì buộc phải phân chia thời gian rất khoa học và bỏ kinh phí nhiều”, anh Thái chia sẻ.

Đưa những khu vườn về lại tự nhiên

Miệt mài gắn bó, cải tạo "đất chết" trước đây theo hình thức vườn rừng, anh Thái cho biết sau 3 năm triển khai, đến nay, mô hình đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, những hộ tham gia mô hình có kinh tế cao hơn hẳn so với những vườn canh tác truyền thống. Diện tích ban đầu khi thực hiện mô hình là khoảng 15ha. Đến nay, mô hình đã mở rộng ra hơn 30ha và tiếp tục hướng đến 500ha theo dự án.

Không phân, thuốc hóa học, nhưng cà phê trồng xen tại mô hình vườn rừng vẫn cho năng suất, chất lượng rất tốt. Ảnh: Minh Quý.

Không phân, thuốc hóa học, nhưng cà phê trồng xen tại mô hình vườn rừng vẫn cho năng suất, chất lượng rất tốt. Ảnh: Minh Quý.

“Hiện nay có hơn 15 hộ tham gia vào mô hình. Trong đó có 7 hộ đang có thu hoạch trực tiếp, mang lại lợi nhuận. Khi tham gia mô hình, người dân được cung cấp giống sâm, trồng xen canh với cỏ dại trên hệ sinh thái có sẵn. Do mới trồng xen ở giai đoạn đầu nên trên diện tích 1ha, hiện mới chỉ thu được khoảng 1 tạ sâm, thu nhập trên 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, hoa sâm, cây sâm sẽ tái sinh và cho bà con nguồn thu để tăng thu nhập.

Ưu điểm của mô hình vườn rừng là có tính bền vững, năm sau năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ càng tăng cao hơn năm trước. Ví dụ thu nhập từ cây sâm trồng xen năm nay chỉ mới khoảng 10 triệu đồng, nhưng năm sau sẽ cao gấp đôi mà không phải mất thêm khoản đầu tư nào.

Các sản phẩm vườn rừng được anh tác hoàn toàn hữu cơ, nên giá bán cũng luôn cao hơn so với người dân sản xuất theo truyền thống. Ví dụ cà phê trong dự án được thu mua cao hơn giá thị trường từ 10.000 - 20.000 đồng/kg”, anh Thái chia sẻ.

Trồng xen canh, đa tầng đa tán, chống xói mòn, tạo sinh khối hữu cơ để cải tạo đất là một trong những nguyên tắc cơ bản trong mô hình vườn rừng mà anh Thái luôn chuyển tải tới bà con. Ảnh: Quang Yên.

Trồng xen canh, đa tầng đa tán, chống xói mòn, tạo sinh khối hữu cơ để cải tạo đất là một trong những nguyên tắc cơ bản trong mô hình vườn rừng mà anh Thái luôn chuyển tải tới bà con. Ảnh: Quang Yên.

Khi mô hình bắt đầu mang lại hiệu quả, nhiều người dân trong khu vực cũng đã tới tìm hiểu và nhận thấy đây là hình thức đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Từ đó, người dân xin tham gia mô hình.

Mô hình vườn rừng anh Thái có 3 nhóm sản phẩm chủ lực là sâm dược liệu đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên; nhóm thứ 2 là cây lấy hạt gồm cà phê, mắc ca, kơ nia và ca cao. Nhóm cuối cùng là nhóm cây đặc sản vùng miền. Tất cả các sản phẩm đều được anh Thái thu mua với giá cao.

Trong quá trình thực hiện mô hình, anh Thái cho biết, khó khăn lớn nhất là người dân phải trực tiếp tham gia, hành động liên tục. “Nếu người dân không kiên trì, không tâm huyết thì sẽ không thực hiện thành công. Thực hiện mô hình vườn rừng, người dân vẫn là chủ thể nâng đỡ của vườn. Dự án nhằm đưa vườn về tự nhiên chứ không phải tự dưng nó có. Đặc biệt khi đụng chạm đến lợi ích, thay đổi tư duy của người dân cần phải kiên trì”, anh Thái nói thêm.

Các tình nguyện viên làm 'bom hạt giống' trong mô hình vườn rừng. Ảnh: Quang Yên.

Các tình nguyện viên làm "bom hạt giống" trong mô hình vườn rừng. Ảnh: Quang Yên.

Là một trong những người tham gia mô hình từ đầu, ông Y Phin Uông (ngụ xã Yang Tao, huyện Lắk) cho biết, gia đình có 2 sào đất (1.000 m2/sào) tham gia mô hình vườn rừng và được dự án của anh Thái hỗ trợ cây sâm giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

“Mô hình đã giúp thay đổi phong tục, tập quán canh tác của người dân. Đặc biệt người dân không còn xâm phạm vào rừng. Trước đây người dân rất khó khăn. Tuy nhiên những hộ tham gia mô hình đã thay đổi, đủ ăn. Giờ đi đâu người dân cũng khoe có vườn có cây này, vườn cây kia. Họ rất vui mừng”, ông Y Phin Uông nói.

Còn ông Y Sin Nhôm (Buôn trưởng buôn Năm Páh, xã Yang Tao) cho biết, buôn có hơn 200 hộ là đồng bào dân tộc M’nông, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Trong đó có 120 hộ nghèo và 45 hộ cận nghèo, trong buôn không có hộ khá.

Những hạt giống được bọc trong 'bom hạt giống' bằng đất nhão, sau khi được ném ngẫu nhiên vào rừng, gặp thời tiết thuận lợi sẽ mọc mầm khỏe mạnh, vươn lên phát triển mà không cần phải làm đất, vun xới. Ảnh: TL.

Những hạt giống được bọc trong "bom hạt giống" bằng đất nhão, sau khi được ném ngẫu nhiên vào rừng, gặp thời tiết thuận lợi sẽ mọc mầm khỏe mạnh, vươn lên phát triển mà không cần phải làm đất, vun xới. Ảnh: TL.

“Sau thời gian triển khai mô hình, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Nhận thấy lợi ích, người dân trong buôn đã nhờ tôi lập danh sách để xin vào mô hình. Bản thân tôi rất phấn khởi, chỉ mong doanh nghiệp tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia. Trước đây người dân canh tác không nắm được kỹ thuật, làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Khi tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra, lại bảo vệ được rừng nên bà con đều rất tin theo”, Buôn trưởng buôn Năm Páh nói.

Theo anh Phạm Quang Thái, các diện tích sản xuất cây nông nghiệp lâu năm độc canh, khi triển khai được chuyển đổi thành vườn rừng đa tầng tán, sản xuất hữu cơ. Những sản phẩm từ mô hình này phù hợp với điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu. Dự án sẽ hỗ trợ trồng cây trồng bản địa để ưu tiên cho những khu du lịch hoặc những thị trường tại chỗ.

Xem thêm
Loại mật ong xứng đáng 9 điểm: [Bài 2] Lời khuyên của chuyên gia Nhật

HẢI PHÒNG Từ hồi có rừng ngập mặn chắn sóng, Đại Hợp không bị vỡ đê, bão lụt như trước, lại có thêm nguồn thủy sản vô tận cho hàng ngàn người dân vào rừng đánh bắt.

Xử lý nghiêm buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam

TÂY NINH Trước tình hình buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Tây Ninh đặt ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.