| Hotline: 0983.970.780

Mạng xã hội bị tuyên chiến vì nội dung xấu

Thứ Ba 09/04/2019 , 11:15 (GMT+7)

Ngày 8/4, Chính phủ Anh cho công bố trên mạng để lấy ý kiến dân chúng về dự luật cho phép cơ quan chức năng quy buộc trách nhiệm cá nhân của người điều hành các trang mạng xã hội cho đăng tải các nội dung xấu, độc.

Như vậy, Anh là quốc gia thứ ba trên thế giới đang trù tính các biện pháp ràng buộc trách nhiệm của những cá nhân, doanh nghiệp vận hành nền tảng mạng xã hội với vấn đề an ninh trên không gian mạng. Kế hoạch của Anh là thành lập một cơ quan kiểm soát độc lập, rà soát toàn bộ các nội dung được xác định xấu, độc hại như khuyến khích bạo lực, tự tử, lan truyền tin giả.

Ảnh minh họa

Giống như Australia và Singapore đi trước mới đây nhằm vào đối tượng tung tin giả và độc hại, các điều luật đều buộc doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội thực hiện vai trò của họ chấm dứt các kênh để tin tức có hại cho xã hội được tự do lan truyền trên mạng. Mục đích của các nước này được cho là trở nên cấp bách sau vụ xả súng gây ra vụ thảm sát nhằm vào nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch (New Zealand) hôm 15/3 làm 50 người thiệt mạng.

Thủ tướng Anh Theresa May cũng trực tiếp nêu ý kiến của mình khi trình dự luật. Bà May cảnh báo các công ty công nghệ đã “không làm đủ (nghĩa vụ)” để bảo vệ người sử dụng, nhất là đối với giới trẻ.

“Việc này kéo dài quá lâu, đã đến lúc phải có giải pháp khác, công ty kinh doanh trên mạng phải có nghĩa vụ với sản phẩm của họ nhằm duy trì trật tự và niềm tin từ xã hội”, bà May nói.

Dự luật của Anh đang được lấy ý kiến nên mới chỉ phác thảo ra các nội dung “dẫn hướng”, chẳng hạn xác định đối tượng là tất cả các công ty công nghệ để tin xấu độc được phát tán cũng như người sử dụng mạng xã hội đăng tải hay chia sẻ nội dung đó. Các sản phẩm cụ thể có thể là mạng xã hội, máy chủ lưu dữ liệu, diễn đàn, công cụ tìm kiếm hay dịch vụ tin nhắn. Biện pháp xử lý được tính đến gồm phạt tiền, chặn đường truy cập và tố tụng hình sự. Cơ quan kiểm soát sẽ lập báo cáo định kỳ mang tính công khai để đảm bảo tiêu chí minh bạch.

“Thời tự định ra luật lệ của các công ty mạng đã hết”, Bộ trưởng Kỹ thuật số trong nội các Anh Jeremy Wright cho biết.

Trong khi Anh đang hoàn thiện luật thì ngày 1/4 Singapore đã trình dự Luật Những điều sai trái và thao túng trên mạng ra Quốc hội. Luật yêu cầu các công ty mạng xã hội như Facebook, Twitter phải có chính sách sửa chữa thông tin sai trái được tung lên sản phẩm của họ đi kèm thông tin gốc hoặc xóa bỏ nếu cần thiết. Mạng xã hội để tin đăng trót lọt mà nếu nội dung gây hại cho xã hội sẽ đối mặt với án phạt cao nhất là 10 năm tù và khoản tiền phạt 1 triệu USD. Cá nhân đăng tin không thực hiện yêu cầu cải chính thông tin cũng bị án cao nhất là 12 tháng tù và 20.000 USD tiền phạt. Những người chia sẻ thông tin dạng này không bị buộc chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị buộc cải chính hoặc xóa bỏ nội dung xuất bản của mình.

Dự luật của Singapore trao quyền cho các Bộ trưởng được gửi yêu cầu xóa bỏ, cải chính thông tin sai sự thật. Điều này dẫn đến việc Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) chỉ trích Chính phủ Singapore có thể để xảy ra tình trạng làm quyền vì các tiêu chí xác định tin xấu, độc còn mơ hồ. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Singapore phản bác quan điểm của HRW là hoàn toàn sai lệch và thiên kiến.

Sau Singapore 3 ngày, Australia đã thông qua luật mới nhằm vào các công ty công nghệ, đưa ra khung hình phạt nếu các sản phẩm của họ cung cấp nền tảng cho nội dung bạo lực được định rõ là tấn công khủng bố, giết người, hãm hiếp, tra tấn và bắt cóc người và không gỡ bỏ kịp thời theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Mức phạt tiền cao nhất lên tới 10,5 triệu đôla Úc (7,5 triệu USD), hoặc 10% doanh thu năm trước liền kề, và có thể kèm theo án tù 3 năm đối với người đứng đầu doanh nghiệp. Công tố trưởng Christian Porter tự hào Australia là quốc gia đầu tiên có luật điều chỉnh hành vi của các công ty mạng xã hội như Facebook, YouTube và Twitter đối với thông tin xấu, độc, nguy hiểm được đăng tải trên các sản phẩm của họ.

Ủy viên phụ trách an ninh mạng New Zealand, ông John Edwards nhận định mạng xã hội Facebook đã không hợp tác xử lý vấn đề truyền tín hiệu trực tiếp sau vụ thảm sát Christchurch và ông chủ Mark Zuckerberg “không thành thật” về cơ chế hoạt động của nền tảng các ứng dụng trên Facebook.

“Họ không có bất kỳ chức năng nào để nhận diện các nội dung nguy hiểm như ở Christchurch. Họ không thể xác định được đã có bao nhiêu vụ tự tử, giết người hay hãm hiếp được chuyển trực tiếp lên Facebook”, ông Edwards nói.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất