| Hotline: 0983.970.780

Mất 600 tỷ đồng/năm vì bệnh dại

Thứ Năm 28/09/2017 , 13:35 (GMT+7)

Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ.

Tại Hội nghị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại do Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN-PTNN tổ chức ngày 27/9, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm lây từ động vật sang người.

tlinh161914968
Tiêm phòng cho chó là cách phòng bệnh dại hiệu quả nhất

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm có hơn 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vacxin phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vacxin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vacxin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại.

Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vacxin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vacxin điều trị dự phòng bệnh dại.

Còn tại nước ta, theo ông Tấn, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990 - 2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vacxin dại, mỗi ca điều trị dự phòng động vật cắn (chủ yếu là chó) tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước khoảng 600 tỷ đồng năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân.

Đáng ngại là, sau thời gian số cả tử vong do dại trên cả nước giảm, thì trong giai đoạn đoạn 2015 - 2016, tình hình bệnh dại tại Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt năm 2016 có 91 ca tử vong do dại (tăng 17% so với năm 2015 và 38% so với năm 2014). Riêng 9 tháng của năm 2017 đã có 57 ca tử vong, phần lớn xảy ra tại miền Bắc (32 ca), trong đó tỉnh Bắc Giang là 7 ca tử vong, trường hợp tử vong gần đây nhất cũng tại tỉnh Bắc Giang xảy ra vào ngày 23/9.

“Hầu hết các trường hợp tử vong tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ với nguyên nhân chủ yếu do công tác phòng chống dịch bệnh chưa hiệu quả, tỷ lệ tiêm vacxin phòng dại trên người và động vật còn thấp", ông Tấn nhấn mạnh.

Lý giải tình trạng gia tăng bệnh nhân mắc bệnh dại, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng nhóm thư ký Văn phòng Dự án khống chế và loại trừ bệnh dại (Bộ Y tế) cho rằng người dân không đi tiêm phòng dẫn đến tử vong đa số là chủ quan, cho rằng bị chó nhà cắn là bình thường. Đáng tiếc là những trường hợp tử vong này hoàn toàn có thể tránh được bằng cách tiêm phòng bệnh dại cho chó; nếu bị chó mèo nghi dại cắn, cào thì cần tiêm phòng vacxin đúng và đầy đủ. Tuy nhiên, thay vì đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng, nhiều người chữa ở thầy lang, đắp thuốc nam…

“100% người bị chó, mèo cắn đều có nguy cơ phơi nhiễm với bệnh dại. Do đó, người dân không nên chủ quan mà không đi tiêm phòng”, bà Hương nhấn mạnh.

Các chuyên gia cảnh báo, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây từ động vật sang người qua vết cắn, vết liếm trên da niêm mạc bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh thường 1 - 3 tháng sau khi bị cắn, hiếm khi dưới 10 ngày hoặc dài tới vài năm.

Do đó, khi bị chó cắn, việc quan trọng đầu tiên là xử lý vết thương tại nhà nhằm loại bỏ virus dại dính trong nước dãi tại vết thương. Theo đó, người dân cần rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước trong 15 phút, sau đó dùng các chất sát khuẩn như cồn iốt, rượu, các loại xà phòng, dầu gội, dầu tắm... Không làm dập vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được nhân viên y tế tư vấn và tiêm phòng.

Theo báo cáo của Cục Thú y (trên cơ sở tổng hợp số liệu thống kê báo cáo của các địa phương), hiện nay, cả nước có hơn 7,7 triệu con chó nuôi và trên 3,8 triệu hộ nuôi chó; tuy nhiên số chó được tiêm phòng vacxin dại chỉ đạt hơn 2,6 triệu con, chiếm tỷ lệ 41% tổng đàn.

 

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.