| Hotline: 0983.970.780

Mất khoảng 600ha đất mỗi năm do sạt lở

Thứ Sáu 15/12/2023 , 11:26 (GMT+7)

ĐBSCL Theo chuyên gia, mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 600ha đất do sạt lở, cần cảnh báo sớm và tập trung di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Sạt lở gây tổn thất lớn

ĐBSCL được biết là vùng đất phù sa màu mỡ và khí hậu ôn hòa, ít khi phải đối mặt với cuồng phong và bão lớn. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, sự ưu ái của thiên nhiên dường như đã giảm bớt bởi xảy ra nhiều vụ sụt lún và sạt lở.

Theo ngành chức năng, chỉ tính riêng từ năm 2016 cho đến nay, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km, trong đó bờ sông có 666 điểm với tổng chiều dài 744 km, bờ biển có 113 điểm sạt lở với tổng chiều dài 390 km.

Thực tế, từ năm 2020 đến nay, số vụ sạt lở ở Cần Thơ và Tiền Giang ngày một tăng, gây tác động lớn đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Hồ Thảo.

Thực tế, từ năm 2020 đến nay, số vụ sạt lở ở Cần Thơ và Tiền Giang ngày một tăng, gây tác động lớn đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Hồ Thảo.

Phó GS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ), cho biết diện tích mất đất do bị sạt lở ở ĐBSCL khoảng 600ha mỗi năm và không có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân chủ yếu là sự suy giảm lượng phù sa và nguồn cát từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đồng bằng, cộng thêm việc khai thác cát quá mức, làm cho các dòng sông không có đủ cát và phù sa để tự bù đắp và duy trì hình dạng ban đầu, khiến quá trình xâm thực vào đất liền diễn ra ngày một nhanh hơn.

Thực tế, từ năm 2020 đến nay, số vụ sạt lở ở Cần Thơ và Tiền Giang ngày một tăng, gây tác động lớn đến cuộc sống của người dân. Như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng tại ấp Khu Phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Sau nhiều năm tích góp từ nghề bán vé số, gia đình ông vừa xây dựng được căn nhà mới, nhưng không bao lâu sau đó, các vết nứt xuất hiện và ngày càng lớn do khu vực này bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Chính quyền địa phương đã phải bố trí gia đình đến nơi ở tạm, tuy không thiệt hại về người, nhưng ảnh hưởng lớn đến tinh thần gia đình ông.

"Chúng tôi không có chỗ ở đã đành, chỉ lo lắng cho con gái mặc cảm với bạn bè vì phải ở nhờ trong trường học. Tôi hy vọng nhà nước sớm bố trí tái định cư để gia đình sớm khôi phục cuộc sống", ông Hoàng chia sẻ lo lắng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bình ở TP Cần Thơ kể về căn nhà của bà một nửa nằm treo lơ lửng ngoài mé sông, nửa căn đã sụp xuống sông Bình Thủy, quận Bình Thủy. Tổng tài sản và đất bị sạt lở ước tính mất gần 500 triệu đồng, khiến nhiều đêm bà mất ngủ vì lo lắng.

"Tài sản coi như mất trắng, tôi lo bởi không có khả năng mua lại đất để xây nhà mới. Giờ chỉ còn trông chờ vào sự hỗ trợ từ nhà nước để ổn định cuộc sống", bà Bình nói buồn rầu.

Theo ghi nhận tại các điểm sạt lở khu ĐBSCL, chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp hỗ trợ di dời và sắp xếp nơi nơi ở an toàn cho người dân những khu vực bị sạt lở. Đồng thời, tại những điểm có nguy cơ cao, chính quyền đang tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các địa phương thuộc vùng ĐBSCL. Số vốn này sẽ được phân bổ cho các dự án ưu tiên nhằm phòng, chống sạt lở ở bờ sông và bờ biển, qua đó đảm bảo an sinh xã hội cho người dân sống tại các khu vực ven sông và ven biển.

Cần có giải pháp dài hạn

Ngoài giải pháp đầu tư công trình để phòng chống thiên tai và sụt lún cần có giải pháp tổng thể và dài hạn. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập hệ sinh thái ĐBSCL đề xuất hai giải pháp. Trước hết, việc di dời người dân khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cần được ưu tiên thực hiện trước khi xảy ra sự cố, giúp giảm thiểu thiệt hại và tăng cường hiệu quả trong công tác khắc phục. Đồng thời, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm cho các khu vực có rủi ro sạt lở, đặt ưu tiên vào những khu vực dễ tổn thương, xác định chính xác điểm và thời điểm có khả năng xảy ra sạt lở.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, các địa phương cần tập trung cảnh báo sớm và di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Hồ Thảo.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, các địa phương cần tập trung cảnh báo sớm và di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Thiện đề xuất mỗi tỉnh nên có một đội đặc nhiệm sử dụng xuồng và thiết bị quét lòng sông hàng tuần vào những tháng cuối mùa khô để phát hiện những vùng có nguy cơ sạt lở. Cập nhật hình thái của lòng sông sẽ giúp nhận biết kịp thời các dấu hiệu sạt lở, trong khi thông báo và cảnh báo sớm cho cộng đồng.

Chuyên gia nghiên cứu độc lập hệ sinh thái ĐBSCL cho rằng cần ưu tiên công tác ổn định sinh kế cho người dân thông qua việc cảnh báo và di dời, thay vì đầu tư vào các công trình trăm nghìn tỷ, vì lâu dài, các công trình không phải là giải pháp hiệu quả.

Là địa phương thực hiện nhiều công trình phòng chống, sạt lở trong những năm qua khá hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết: "UBND đã chỉ đạo Sở PTNT nhanh chóng hoàn thiện thủ tục và gửi đề xuất về Sở KH-ĐT để tham mưu cho UBND thành phố. Mục tiêu là sớm bố trí vốn, đầu tư khẩn cấp vào các dự án nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, đặc biệt là những người sinh sống ven sông khu vực sạt lở. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, thực hiện các giải pháp tạm thời để hạn chế rủi ro thấp nhất do thiên tai gây ra”.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cứu hộ vượn đen má hung cực kỳ quý hiếm

Vườn quốc gia Cúc Phương vừa cứu hộ an toàn 1 cá thể vượn cực kỳ quý hiếm từ người dân tại Hải Phòng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lào Cai đề xuất bỏ tuyến đường sắt đi xuyên nhiều khu đô thị

Tuyến đường sắt của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam vận hành từ hàng chục năm nay, hiện đi qua nhiều khu đô thị của thành phố Lào Cai.