Làn sóng phá bỏ vườn điều
Làn sóng phá bỏ vườn điều đang diễn ra trên diện rộng tại các xã của huyện biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Trên mọi ngả đường, hình ảnh những vườn điều bị chặt phá đã trở nên quen thuộc. Những năm qua, cây điều liên tục mất mùa, mất giá khiến thu nhập của các hộ dân vùng biên giới này ngày càng đi xuống. Không còn cách nào khác, người dân buộc phải phá bỏ vườn điều để chuyển sang trồng cây khác nâng cao giá trị kinh tế.
Ghi nhận thực tế tại huyện Chư Prông cho thấy, phần lớn các xã Ia Mơr, Ia Lâu, Ia Ga, Ia Piơr… đều xảy ra tình trạng người dân phá bỏ vườn điều, cắt từng khúc củi đem đi bán.
Nhắc đến vườn điều, ông Hà Văn Mừng (thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu) ngao ngán cho biết, trước đây gia đình trồng 3ha, khoảng 3 năm trở lại đây, điều liên tục mất mùa, mất giá nên ông đã phá bỏ hơn 1 nửa. Nếu cứ tiếp tục mất mùa, gia đình sẽ tiếp tục phá hết để chuyển sang trồng cây khác có hiệu quả hơn.
Ông Mừng cho biết, cây điều khi bước vào thời kỳ nở hoa phát triển rất tốt, hoa nở đều và đẹp. Tuy nhiên, cứ đến thời điểm Tết âm lịch, những cơn mưa kéo dài trong khoảng 1 tuần kèm theo không khí lạnh làm cho hoa bị thối đen, không thể đậu quả. Thời tiết thất thường chung một kịch bản như vậy kéo dài trong 3 năm qua đã làm cho cây điều mất mùa thê thảm.
“Những năm trước đây không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, với 3ha, gia đình thu hoạch từ 4 - 6 tấn hạt điều, thu nhập trên dưới 150 triệu đồng/năm. Năm nay, điều vừa mất mùa, giá thì sụt giảm nên gia đình chỉ thu về được khoảng 20 triệu đồng. Chưa kể, nếu thuê nhân công thu hái thì xem như không có thu nhập”, ông Mừng chia sẻ.
Sau khi phá bỏ cây điều, gia đình ông Mừng đã chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ/năm. Theo ông Mừng, so với cây điều thì lúa nước có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Hiện trung bình 1ha lúa cho năng suất khoảng 9 tấn (lúa tươi), giá thời điểm này khoảng 7.000 đồng/kg, gia đình thu về hơn 50 triệu đồng. Với khoảng 2ha hiện có, gia đình trồng 2 vụ lúa/năm, trừ chi phí thu nhập cũng được hơn 100 triệu đồng/năm.
Gắn bó với cây điều trong nhiều năm nhưng gia đình anh Lục Văn Quyết (thôn Pác Bó, xã Ia Lâu) cũng đành phải "chia tay" với cây trồng này khi quyết định phá bỏ vườn do mất mùa, mất giá. Vừa phá bỏ hơn 1ha điều, anh Quyết đang tiến hành cày xới, lên luống để xuống giống khoai mì (sắn).
Anh Quyết cho biết, 3 năm qua, thời tiết bất lợi, cây điều liên tục mất mùa, thu hoạch không được bao nhiêu. Thậm chí có năm cây điều gần như không có quả, nếu cứ giữ lại gia đình không biết lấy gì mà sống. Theo ông Quyết, nguyên nhân do thời tiết thường xuyên mưa trái mùa, trời trở lạnh bất thường khiến hoa điều bị thối, không thể đậu quả.
“Những năm trước, gia đình thu được 1,4 tấn hạt điều/năm, thậm chí có năm thu gần 2 tấn. Giá thời điểm đó trên 40 nghìn đồng/kg, gia đình thu nhập trên dưới 70 triệu đồng. Giờ điều mất mùa, giá lại rất thấp, dao động chỉ 17 - 22 ngàn đồng/kg nên gia đình quyết định phá bỏ để chuyển sang trồng mì”, anh Quyết chia sẻ.
Tiến sâu vào xã Ia Piơr (huyện Chư Prông), tình trạng người dân phá bỏ vườn điều còn lớn hơn rất nhiều với diện tích hàng trăm ha. Dọc khắp các con đường không khó để nhìn thấy những vườn điều mới bị phá bỏ.
Vừa phá bỏ hơn 1ha trong tổng số gần 3ha vườn điều của gia đình, anh Bùi Văn Trung (thôn 6, xã Ia Piơr) đang chở xe củi điều đem đi bán nhằm vớt vát lại mùa điều thất bát.
Anh Trung cho biết, năm ngoái gần 3ha điều của gia đình thu được 1 tấn, nhưng năm nay chỉ được 4 tạ. Giá điều năm ngoái hơn 30 ngàn đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 17 - 20 đồng/kg. Gia đình quyết định phá bỏ vườn điều, đồng thời thay thế bằng cây khoai mì để có nguồn thu nhập tốt hơn.
Thất thế cây điều
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Chư Prông, trên địa bàn huyện có khoảng gần 5.900ha điều. Trước tình trạng người dân ồ ạt phá bỏ vườn điều, UBND huyện đã yêu cầu các xã báo cáo nhưng đến nay chưa có số liệu thống kê đầy đủ những diện tích bị phá bỏ.
Ghi nhận tại xã Ia Piơr, nơi có diện tích trồng điều lớn nhất huyện Chư Prông với gần 1.300ha, chỉ trong thời gian ngắn, người dân đã phá bỏ gần 300ha để chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Ia Piơr cho biết, có 2 lý do khiến người dân quyết định phá bỏ vườn điều sau nhiều năm gắn bó. Thứ nhất, do thời tiết bất lợi nên cây điều xuất hiện nhiều sâu bệnh dẫn đến việc mất mùa. Thậm chí, những diện tích vừa bị phá bỏ, trong 3 năm trở lại đây gần như không có thu. Thứ 2, do giá cả xuống thấp, dao động chỉ khoảng 20 ngàn đồng/kg, một năm người dân chỉ thu được hơn 20 triệu đồng/ha, chưa tính chi phí đầu tư, công chăm sóc.
Từ đó để thấy rằng, cây điều đang thất thế khi có thu nhập thấp nhất so với các cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Chính vì vậy, người dân đã phá bỏ cây điều chuyển sang trồng mì, bắp, đậu đỗ.
“Xã cũng đã khuyến cáo người dân, đối với những diện tich điều còn cho thu nhập thì nên giữ lại tiếp tục chăm sóc. Mặt khác, những diện tích đất tốt, bằng phẳng, người dân nên chuyển đổi sang các cây trồng khác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Prông cho biết những năm qua, thời tiết thất thường nên cây điều cho năng suất thấp, chỉ đạt 5 - 8 tạ/ha. Chính vì vậy, người dân đã tự phá phá bỏ cây điều để chuyển sang cây trồng khác.