Sau lô mật ong đầu tiên xuất khẩu đi Anh vào ngày 12/10 vừa qua, ngành nông nghiệp Hòa Bình, cụ thể là huyện Kim Bôi đang chờ những tín hiệu của thị trường châu Âu này để mở rộng quy mô sản xuất, sản lượng xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty cổ phần RYB, đơn vị đưa 20 thùng mật ong Thượng Tiến của HTX Greenlife (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) sang Anh cho biết, để có lô hàng này, công tác tìm hiểu, nghiên cứu thị trường đã được thực hiện từ năm 2022.
“Chúng tôi đã tìm hiểu ở nhiều địa phương có mật ong nhưng khi tiếp cận với vùng rừng nguyên sinh ở Thượng Tiến thì hương vị và độ tinh khiết vượt trội nên chọn làm nơi cung cấp”, bà Hương chia sẻ.
Cũng như lãnh đạo HTX Greenlife đã chia sẻ, mật ong tinh khiết xuất đi Anh ngoài các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm còn phải đảm bảo độ đậm đặc với độ ẩm 17,2% và nhiệt độ trong quá trình hạ thủy phần không được quá 35 độ C.
Dự báo về phản ứng của thị trường đối với sản phẩm mật ong Thượng Tiến, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, Anh là thị trường khắt khe, tuy nhiên với việc đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cũng như có đầy đủ các giấy tờ, chứng nhận và hương vị tự nhiên độc đáo thì sản phẩm sẽ được đón nhận.
Từ góc độ địa phương, ông Đinh Tất Thắng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kim Bôi cho biết, mật ong Thượng Tiến được đánh giá là sản phẩm có tiềm năng. Do đó, huyện đã lựa chọn các đơn vị liên quan để hỗ trợ kỹ thuật, sử dụng nguồn vốn để mua sắm trang thiết bị, máy móc cũng như mở các lớp tập huấn của thành viên HTX Greenlife.
“Mật ong Thượng tiến đã tiêu thụ rất tốt ở thị trường trong nước nhưng bây giờ đã có thể xuất khẩu đi Anh. Sắp tới, Phòng NN-PTNT sẽ tham mưu cho huyện để có thể nhân rộng mô hình, nếu thị trường đón nhận thì sẽ đủ năng lực cung ứng”, ông Đinh Tất Thắng cho biết.
Trong những năm qua, huyện Kim Bôi đã tập trung hỗ trợ người nông dân lựa chọn các sản phẩm tiềm năng để xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, Phòng NN-PTNT huyện cũng huy động các nguồn vốn, tận dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ các HTX, người nông dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn.
Bám theo thị trường đích
Là người kết nối, đưa nhiều nông sản Hòa Bình ra thị trường quốc tế, TS. Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV tỉnh cho biết, với mỗi thị trường lại có những yêu cầu khác nhau: “Chưa chắc tiêu chuẩn đã cao hơn nhưng có thể sẽ khác hơn so với thị trường trong nước. Do đó, cần bám theo yêu cầu của thị trường đích để hướng dẫn các HTX, bà con nông dân tạo ra sản phẩm theo yêu cầu”.
Ví dụ, với mật ong Thượng Tiến, để đi được sang Anh cần đến chứng nhận sức khỏe đàn ong, trong khi thị trường trong nước không cần. Để có được chứng nhận này, cần có lý lịch, hồ sơ theo dõi, xét nghiệm mẫu sức khỏe của ong.
Với nông sản Hòa Bình nói chung, để đẩy mạnh xuất khẩu, Hòa Bình xác định là một tiến trình lâu dài, cần thời gian. “Sau những chuyến hàng khởi đầu, mang tính chất chào hàng, các sản phẩm của chúng tôi sẽ mang tính chất vừa thăm dò, vừa quảng bá”, ông Nguyễn Hồng Yến chia sẻ.
Theo Chi cục trưởng, khi thị trường chấp nhận sẽ là điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô hàng hóa. Tuy nhiên, quá trình mở rộng cũng cần được thực hiện dần, có thể chậm, chưa nhiều nhưng đi từng bước chắc chắn.
“Các nông sản của Hòa Bình sẽ tùy vào khu vực sản xuất, tùy vào sản phẩm mà gắn vào những thương hiệu đặc sản riêng. Quan điểm của tỉnh là đặc sản thì sốt lượng ít, thời gian cung ứng không dài nhưng lại có thương hiệu tốt, xây dựng thị trường truyền thống”, ông Yến chia sẻ thêm.
Trao đổi về giải pháp để nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản ở Hòa Bình trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Yến nhấn mạnh vào 2 vấn đề, thứ nhất là cải thiện năng lực tổ chức sản xuất cho các HTX và thứ 2 là nâng cao năng lực bảo quản, sơ chế, chế biến sau thu hoạch.
Theo đó, các thành viên HTX bao gồm cả ban lãnh đạo cần được thường xuyên đào tạo, trao đổi với các chuyên gia để nâng cao năng lực sản xuất và quản lý, tổ chức hoạt động.
Song song đó là Nhà nước cần quan tâm hơn về đầu tư dây chuyền, máy móc cho các HTX để cải thiện khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch, từ đó giúp nâng cao giá trị nông sản và giảm áp lực thời vụ cho người nông dân, đặc biệt là với các mặt hàng tươi sống.