| Hotline: 0983.970.780

Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thứ Hai 25/11/2024 , 08:49 (GMT+7)

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Ông Vũ Đức Hảo (bên phải), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về chiến lược phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

Ông Vũ Đức Hảo (bên phải), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về chiến lược phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

 Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên về vấn đề này.

Chăn nuôi quy mô trang trại và an toàn dịch bệnh chiếm ưu thế

Thưa ông, Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi, có đóng góp to lớn trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của địa phương, vậy những năm qua tỉnh cũng như ngành NN-PTNT tỉnh đã có nhưng chính sách, chiến lược như thế nào để ngành chăn nuôi khẳng định vị thế của mình?

Sản xuất, chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua phát triển theo hướng tích cực. Chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhanh, đang thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Toàn tỉnh có trên 1.255 trang trại chăn nuôi, trong đó có 150 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAHP; 42 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh; khoảng 1.200 trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tỉnh có khoảng 600.000 con lợn, 16,5 triệu con gia cầm, trên 95.000 con trâu, bò. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm 2024 ước đạt 236,4 nghìn tấn, trong đó thịt lợn ước đạt 102,3 nghìn tấn, thịt gia cầm 118,1 nghìn tấn, còn lại là các loại khác; sản lượng trứng gà đạt 460 triệu quả.

Thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 (trong đó xác định thịt lợn, thịt gà và trứng gà là sản phẩm chủ lực, có lợi thế để đầu tư phát triển); quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; quy định khu vực thuộc nội thành, nội thị không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045,...

Trong xu thế chăn nuôi hiện nay, cùng với việc phát triển về số lượng, ngành chăn nuôi cũng chú trọng phát triển theo hướng an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, gắn phát triển chăn nuôi với chế biến, vậy tỉnh Thái Nguyên thực hiện vấn đề này như thế nào thưa ông?

Trong thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên tập trung triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển đàn vật nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Sản xuất chăn nuôi đã chuyển biến mạnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, nhiều tiến bộ kỹ thuật và công nghệ về giống, thức ăn, quản lý, môi trường... đã được chuyển giao vào sản xuất. Chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngày càng phổ biến, đã và đang dần hình thành các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Theo ông Vũ Đức Hảo, với những nỗ lực không ngừng, Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Theo ông Vũ Đức Hảo, với những nỗ lực không ngừng, Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 1.255 trang trại chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo hướng VietGAHP đảm bảo an toàn thực phẩm. Hầu hết các trang trại chăn nuôi đã có sự liên kết trong cung cấp thức ăn, giống, thuốc thú y và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất như: Sử dụng 100% giống ngoại năng suất, chất lượng cao như Yorshire, Landrace, Duroc, Pietran, PiDu và tổ hợp lai 2 máu, 3 máu; hệ thống chuồng kín, đèn sưởi, silo, máng ăn tự động, máy tiêm, máy bấm răng nanh, gắn chíp điện tử thẻ tai; áp dụng hệ thống dọn phân tự động, công nghệ vacxin 4 bệnh; máy tiêm và máy phun hiện đại…

Nhiều đơn vị chăn nuôi đã áp dụng các biện pháp xử lý môi trường chăn nuôi như công nghệ phủ bạt, đệm lót sinh học, máy ép tách phân, máy lọc sục khí, công nghệ vi sinh hữu hiệu - EM để xử lý chất thải,...

Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai thực hiện đúng quy định, có hiệu quả. Công tác tiêm phòng đạt tỷ lệ 80% so với tổng đàn trong diện tiêm. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y góp phần kịp thời ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, tai xanh lợn, lở mồm long móng,… xảy ra trên diện rộng, giảm mức thiệt hại thấp nhất do dịch bệnh gây ra, đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển ổn định.

Thực hiện chăn nuôi nuôi an toàn sinh học, người chăn nuôi phải triển khai mạnh mẽ đồng bộ các biện pháp từ con giống, xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường cũng như xử lý sau chăn nuôi. Từ đó giúp người chăn nuôi có thói quen thực hiện tốt những điều kiện về vệ sinh chăn nuôi, yêu cầu vệ sinh nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi, góp phần làm giảm nguy cơ kháng kháng sinh trong chăn nuôi và giúp tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Thực trạng chung đáng lo ngại cho ngành chăn nuôi ở hầu hết các địa phương đó là vấn đề đảm bảo môi trường, vậy đây có phải là khó khăn, thách thức với ngành chăn nuôi Thái Nguyên và giải pháp được địa phương đưa ra là gì thưa ông?

Chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh được tỉnh Thái Nguyên ưu tiên phát triển. Ảnh: Quang Linh.

Chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh được tỉnh Thái Nguyên ưu tiên phát triển. Ảnh: Quang Linh.

Hiện, vẫn còn một số cơ sở chăn nuôi trang trại, hộ chăn nuôi ở khu dân cư chưa áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Việc xử lý nước thải chăn nuôi, nhất là đối với trang trại quy mô lớn rất khó khăn do phải đầu tư kinh phí lớn. Các công nghệ ứng dụng để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn chưa hiệu quả, chưa phù hợp với thực tế sản xuất. Đây là những khó khăn, thách thức với ngành chăn nuôi Thái Nguyên.

Để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sơ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Quyết định số 15/2022/QĐ-UBND ngày 14/7/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

Ngành NN-PTNT và các địa phương tiếp tục tuyên truyền, giám sát cơ sở chăn nuôi duy trì hoạt động chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; định kỳ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi; thu gom phân, rác thải chăn nuôi để xử lý ủ làm phân bón cho cây trồng; sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi; đầu tư xây dựng hệ thống bể Biogas, hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các quy định về mật độ chăn nuôi; khu vực không được phép chăn nuôi; xác định các vùng phát triển chăn nuôi tại những khu vực xa khu dân cư, với các địa phương có quỹ đất rộng như huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, phía Bắc có huyện Đại Từ.

Hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 1.255 trang trại chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo hướng VietGAHP đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Quang Linh.

Hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 1.255 trang trại chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo hướng VietGAHP đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Quang Linh.

Địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi theo định hướng quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh; tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi ở khu vực có mật độ chăn nuôi cao, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn di dời tới các địa bàn có mật độ chăn nuôi thấp, xa khu dân cư theo quy hoạch phát triển chăn nuôi của các địa phương.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm điều kiện chăn nuôi. Đình chỉ hoạt động chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi không đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện chăn nuôi, môi trường trong chăn nuôi và xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi vi phạm theo quy định.

Đồng hành cùng ngành chăn nuôi

Vậy, thưa ông, việc xây dựng các chuỗi liên kết cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đã được địa phương triển khai như thế nào và thành tựu tạo đến nay ra sao?

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các Quyết định, Chương trình, Kế hoạch để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh thực hiện hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết; 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị và xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; hỗ trợ 100% chi phí mua giống, vật tư thiết yếu đối với các địa bàn khó khăn, tối đa 70% chi phí đối với các địa bàn trung du miền núi, tối đa 50% đối với địa bàn đồng bằng; hỗ trợ 100% chi phí mua bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ lần đầu…

Nhiều sản phẩm chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên có thương hiệu và mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Quang Linh.

Nhiều sản phẩm chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên có thương hiệu và mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Quang Linh.

Trong thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên không bố trí nguồn kinh phí riêng để triển khai thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP mà thực hiện lồng ghép từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở nguồn vốn được Trung ương giao đã phê duyệt, triển khai thực hiện 25 dự án liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, kinh phí hỗ trợ là 14.919 triệu đồng.

Đã có 4 dự án liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm thịt lợn; 12 dự án liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm thịt gà, vịt, chim bồ câu; 5 dự án liên kết chăn nuôi bò; 2 dự án liên kết chăn nuôi ong và 2 dự án liên kết chăn nuôi hươu. Các mô hình liên kết được duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả, an toàn dịch bệnh. Bước đầu đã có 6 sản phẩm từ dự án liên kết được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên…

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.255 trang trại chăn nuôi, chiếm khoảng 45% tổng đàn. Hầu hết trang trại chăn nuôi sản xuất theo chuỗi liên kết, áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Trong đó có 400 trang trại đã liên kết với 14 công ty chăn nuôi liên doanh, gia công (Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Emives Feedmill Việt Nam, Công ty Dũng Minh…). Hoạt động liên kết sản xuất chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 tấn thịt lợn và 65.000 tấn thịt gia cầm.

Để tiếp tục khẳng định vị thế và bứt phá, trong giai đoạn tiếp theo tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển chăn nuôi ra sao, để ngành chăn nuôi có đóng góp to lớn hơn nữa trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh Thái Nguyên, thưa ông, địa phương được xác định là cực tăng trưởng quan trọng của toàn vùng?

Song song với phát triển quy mô chăn nuôi, tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường và quy hoạch vùng nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Song song với phát triển quy mô chăn nuôi, tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường và quy hoạch vùng nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Ngành NN-PTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường, như: Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 (trong đó xác định thịt lợn, thịt gà và trứng gà là sản phẩm chủ lực, có lợi thế để đầu tư phát triển); Quy hoạch phát triển chăn nuôi được tích hợp vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch phát triển kinh tế tại các địa phương; Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh,…

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục thu hút các công ty, doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn các huyện còn dư địa để phát triển; chỉ đạo giảm dần chăn nuôi quy mô nông hộ, phát triển chăn nuôi trang trại quy mô công nghiệp, xa khu dân cư gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện nghiêm các quy định về mật độ chăn nuôi, khu vực không được phép chăn nuôi.

Tỉnh cũng tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi ở khu vực có mật độ chăn nuôi cao, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn di dời tới các địa bàn có mật độ chăn nuôi thấp, xa khu dân cư theo quy hoạch phát triển chăn nuôi của các địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các quy định về điều kiện chăn nuôi, môi trường trong chăn nuôi và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Xin cảm ơn ông! 

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.