Ngày 26/11, tại TP.HCM, Công ty Intertek Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phát triển bền vững, nâng tầm doanh nghiệp với giá trị bền vững vượt trội”.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã thảo luận sâu về các vấn đề nóng như: Khám phá giải pháp cho thách Thức PFAS và tái chế bao bì; Khử carbon cho tương lai; Thúc đẩy giảm phát thải carbon trong các ngành công nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững tại Việt Nam và hành trình tiến tới Net Zero - Nghiên cứu điển hình. Đặc biệt, buổi tọa đàm tập trung vào giải pháp giảm phát thải carbon và thị trường tín chỉ carbon, nhằm kết nối các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải, thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững và hỗ trợ phát triển nền kinh tế xanh.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, diễn giả Nguyễn Huy, Giám đốc ngành đảm bảo chất lượng dịch vụ thực phẩm Intertek Việt Nam & Campuchia, nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu đang gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt đang gia tăng mạnh mẽ, báo động về những thay đổi tiêu cực do phát thải carbon. Ông cho rằng, giảm phát thải carbon không chỉ là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế mà còn là một phần thiết yếu trong chiến lược bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Nông nghiệp xanh là phương pháp quan trọng giúp giảm thiểu khí thải và bảo vệ tài nguyên đất, nước. Tuy nhiên, nông nghiệp cũng là một trong những ngành phát thải carbon lớn nhất. Chuyển đổi nông nghiệp sang mô hình bền vững, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường và giảm phát thải sẽ giúp giảm thiểu tác động của khí thải và góp phần vào quá trình giảm phát thải chung của toàn xã hội.
Diễn giả Nguyễn Huy nhấn mạnh, việc áp dụng công nghệ xanh và các phương pháp canh tác bền vững sẽ tạo ra cơ hội phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí năng lượng, tài nguyên mà còn tiếp cận thị trường quốc tế với các tiêu chuẩn khắt khe về phát thải carbon.
Giảm phát thải carbon là yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển bền vững. Đầu tư vào các giải pháp xanh, cùng với các giải pháp tái chế và phát triển nông nghiệp bền vững, sẽ giúp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và phát triển nền kinh tế xanh cho tương lai.