| Hotline: 0983.970.780

Mật ong pha trộn phải ghi rõ từng quốc gia xuất xứ trên nhãn

Thứ Năm 06/02/2025 , 15:20 (GMT+7)

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nêu yêu cầu mới từ thị trường Bắc Âu và khuyến nghị các cơ sở thiết lập hệ thống ghi chép chi tiết toàn bộ quy trình.

Thị trường Bắc Âu đưa ra những yêu cầu mới cho mật ong nhập khẩu.

Thị trường Bắc Âu đưa ra những yêu cầu mới cho mật ong nhập khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, thị trường Bắc Âu, gồm các quốc gia Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, đang áp dụng các quy định truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt theo Chỉ thị Mật ong EU (Directive 2024/1438).

Những thay đổi này nhằm nâng cao tính minh bạch, ngăn chặn tình trạng pha trộn mật ong và đảm bảo chất lượng sản phẩm. 

Theo đó, Bắc Âu hiện đưa ra một số yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc như: Ghi nhãn xuất xứ rõ ràng, các loại mật ong pha trộn phải ghi rõ từng quốc gia xuất xứ trên nhãn chính. Các mẫu mật ong được nhập khẩu sẽ được kiểm tra bằng công nghệ tiên tiến để đảm bảo tính xác thực.

Toàn bộ chuỗi cung ứng, từ tổ ong đến sản phẩm cuối cùng, phải được ghi chép rõ ràng, đảm bảo hệ thống truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Đến năm 2028, EU sẽ áp dụng phương pháp phân tích tiêu chuẩn hóa trên toàn khu vực.

Trước những yêu cầu này, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận xét, truy xuất nguồn gốc là yêu cầu cốt lõi để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định tại Bắc Âu. 

Trên cơ sở đó, Thương vụ khuyến nghị các cơ sở mật ong thiết lập hệ thống ghi chép chi tiết toàn bộ quy trình từ nuôi ong, thu hoạch, chế biến đến đóng gói. Đồng thời, sử dụng công nghệ như nhãn mác điện tử hoặc phần mềm quản lý chuỗi cung ứng để theo dõi sản phẩm.

"Chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định trên thị trường Bắc Âu. Việc đạt được các chứng nhận quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp tăng độ tin cậy", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhấn mạnh.

Bên cạnh việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ sở xuất khẩu mật ong đến Bắc Âu nên đầu tư vào kiểm tra chất lượng tại nguồn, đảm bảo mật ong không bị pha trộn. Trong thời gian tới, sớm đạt các chứng nhận như Organic Certification, Fairtrade, hoặc Rainforest Alliance để gia tăng giá trị.

Việc tuân thủ các quy định mới đòi hỏi chi phí lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đòi hỏi quá trình chuẩn bị chi phí tuân thủ và hỗ trợ nhà sản xuất

Do đó, các mắt xích trong chuỗi mật ong cần sớm ước tính chi phí lập bản đồ vị trí địa lý, kiểm tra chất lượng và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, tiến hành lập kế hoạch hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật cho các nông dân địa phương để đáp ứng tiêu chuẩn cần thiết.

Coi quy định mới vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho mật ong Việt Nam, Thương vụ đề nghị doanh nghiệp, người sản xuất chủ động tuân thủ quy định, tạo lợi thế cạnh tranh và khẳng định vị thế tại thị trường Bắc Âu.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển sẽ phối hợp các đơn vị của Bộ Công thương cũng như tổ chức, cá nhân liên quan kết nối các nhà nhập khẩu để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào những hội chợ thương mại tại Bắc Âu, mở rộng tập khách hàng.

"Người tiêu dùng Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững", Thương vụ cho biết và nhấn mạnh, cơ sở sản xuất mật ong nên từng bước thực hiện các chiến lược sản xuất xanh, giảm thiểu tác động môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngoài ra, có thể chứng minh sản phẩm góp phần vào bảo vệ hệ sinh thái và giảm phá rừng.

Việt Nam thuộc tốp 10 quốc gia sản xuất mật ong trên thế giới, với sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm, trong đó 90% dùng để xuất khẩu. Hoa Kỳ là thị trường số một của mật ong Việt Nam, nhưng EU thời gian gần đây cũng nổi lên đầy tiềm năng. 

Bộ Công thương tính toán, châu Âu mới tự túc khoảng 60% sản lượng mật ong. Đây là thị trường lớn, có thể đạt 4 tỷ USD trong vài năm tới.

Xem thêm
Dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết

Nhu cầu rửa xe để đón Tết tăng đột biến, nhiều người phải xếp hàng đợi hàng giờ mới đến lượt, dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết.

Doanh nghiệp may tuyển 500 công nhân ngày đầu năm

Bình Phước Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước) có nhu cầu tuyển 500 lao động.

Đầu tư 19.000 tỷ xây cầu Tứ Liên kết nối trục Hồ Tây - Cổ Loa

Cầu Tứ Liên được đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào cuối tháng 5/2025, góp phần kết nối đô thị và thúc đẩy phát triển trục Hồ Tây - Cổ Loa.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bình luận mới nhất