Theo đó việc ứng dụng những thành tựu công nghệ mới kể trên sẽ giúp sản xuất nông nghiệp, hoặc chế biến thực phẩm hiệu quả hơn. Cụ thể là các phương pháp (nông nghiệp chính xác) có thể giúp tăng năng suất cây trồng, đồng thời tiết giảm chi phí. Tuy nhiên đằng sau các phương pháp này lại đang tạo cơ hội cho tin tặc, những kẻ cực đoan, khủng bố và các chính phủ đối nghịch tấn công, với mục đích làm gián đoạn sản xuất lương thực.
Trong bối cảnh các nhà sản xuất lương thực trên khắp thế giới đang phải chịu áp lực ngày càng lớn, vấn đề trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và chi phí vật tư đầu vào và phân bón tăng cao. Nông dân đang cố gắng sản xuất ra nhiều lương thực hơn nhưng trong điều kiện ít tài nguyên hơn, có nguy cơ đẩy hệ thống sản xuất lương thực đến bờ vực...
Vì vậy, thật dễ hiểu khi nhiều nông dân đang chuyển sang sử dụng các công nghệ hiện đại để hỗ trợ việc ra quyết định và vận hành quản lý sản xuất nông nghiệp. Những thực hành nông nghiệp chính xác này dẫn đến việc sử dụng đất, nước, nhiên liệu, phân bón và thuốc trừ sâu hiệu quả hơn để nông dân có thể sản xuất nhiều hơn, giảm chi phí và giảm thiểu tác động của chúng đến môi trường.
Các chuyên gia an ninh mạng và an ninh quốc gia tại Trung tâm Giáo dục, Công nghệ và Đổi mới Chống khủng bố Quốc gia Mỹ cho biết, họ đã dự cảm được nhiều điều đáng lo ngại. Sự ra đời của nền nông nghiệp chính xác đúng vào thời điểm có sự biến động đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và nhất là khi số lượng tin tặc có khả năng khai thác công nghệ này tiếp tục tăng lên.
Các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu nông nghiệp chính xác không phải là một mối đe dọa xa vời bởi nó đã từng xảy ra. Ví dụ, vào năm 2021, cuộc tấn công của ransomware (phần mềm độc hại) đã buộc 1 phần 5 dây chuyền nhà máy chế biến thịt bò ở Mỹ phải đóng cửa, với một công ty phải trả tới gần 11 triệu USD cho tội phạm mạng. Sau đó REvil, một nhóm tin tặc có trụ sở tại Nga, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Hay vụ tương tự khác là kho ngũ cốc của một hợp tác xã ở bang Iowa đã bị nhắm mục tiêu bởi một nhóm nói tiếng Nga có tên là BlackMatter, tuyên bố rằng họ đã đánh cắp dữ liệu từ hợp tác xã nhằm mục đích tống tiền các nạn nhân...
Theo các chuyên gia, việc tích hợp các công nghệ vào thiết bị nông trại, từ máy kéo dẫn đường bằng GPS đến trí thông minh nhân tạo... đều có khả năng làm tăng cơ hội cho tin tặc tấn công. Và mặc dù nông dân có thể không phải là mục tiêu lý tưởng cho các cuộc tấn công bằng ransomware, nhưng các trang trại đều có thể là mục tiêu hấp dẫn của tin tặc với các động cơ khác nhau, bao gồm cả khủng bố.
Sự gián đoạn đối với các ngành công nghiệp nhạy cảm và cơ sở hạ tầng, logistic chính là cơ hội cho những kẻ tấn công tranh thủ tìm kiếm tiền bạc. Điều này có nghĩa là căng thẳng ngày càng tăng đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu và có nguy cơ phá vỡ ngành nông nghiệp của bất kỳ quốc gia nào.
Ngành nông nghiệp được cho là luôn “chậm chân” trong việc nhận diện các rủi ro an ninh mạng và thực hiện các bước để giảm thiểu chúng. Có một số lý do cho sự chậm chạp này, trong đó tiêu biểu là nhiều người đã không coi an ninh mạng là một vấn đề đủ quan trọng so với những rủi ro khác mà họ phải đối mặt như lũ lụt, hạn hán, và mưa đá... Một báo cáo năm 2018 của Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã khảo sát những người nông dân làm nông nghiệp chính xác trên khắp đất nước cho thấy rằng, nhiều người không hiểu đầy đủ về các mối đe dọa tấn công mạng do nông nghiệp chính xác gây ra, cũng như họ chưa xem trọng những rủi ro này.
Theo đó, cách giải quyết vấn đề tốt nhất là các nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp và các tổ chức công nghiệp khác phối hợp trợ giúp, bằng cách thiết kế và chế tạo thiết bị có thể tính đến các nguy cơ về an ninh mạng. Điều này sẽ dẫn đến việc sản xuất các thiết bị canh tác không chỉ tối đa hóa năng suất lương thực mà còn giảm thiểu nguy cơ bị tấn công mạng.