Tại Vĩnh Long, việc sử dụng máy gặt đập liên hợp đã trở nên phổ biến trong khâu thu hoạch lúa (trên 90% diện tích). Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích mang lại thì máy gặt đập liên hợp lại hạn chế trong việc xử lý lượng rơm của vụ trước để chuẩn bị nền đất cho vụ sau.
Nông dân vẫn đốt rơm nhằm giải phóng mặt ruộng nhanh, gây phát thải khí nhà kính. Lượng rơm rạ rơi vãi ngoài đồng khó thu gom, trong khi đây lại là nguồn nguyên liệu sử dụng trong chăn nuôi, ủ gốc cây trồng, làm phân bón. Đặc biệt, nghề trồng nấm rơm có xu hướng sụt giảm do tốn nhiều chi phí vào khâu thu gom nguyên liệu rơm để trồng nấm.
Nhằm góp phần giải quyết các hạn chế nêu trên và tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa cơ giới hóa vào khâu sau thu hoạch, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp đặc biệt là rơm rạ, năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã triển khai dự án “Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị thu gom rơm và xây dựng mô hình chuỗi sản xuất nấm rơm theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm giai đoạn 2015-2017”.
Theo đó, trung tâm đã chuyển giao cho nông dân 4 máy cuốn rơm gồm 3 máy Star 850 (dạng máy phải kết hợp đầu kéo máy cày do Trung Quốc sản xuất) và 1 máy cuốn rơm tự hành PT-CR57 (do Việt Nam sản xuất) với định mức hỗ trợ 30% cho chi phí mua máy (không quá 60 triệu đồng/máy).
Trong quá trình thực hiện, Ban quản lý dự án đã so sánh và ghi nhận được những tính năng ưu việt của chiếc máy cuốn rơm PT-CR 57 phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân và đem lại hiệu quả cao.
PT-CR57 là loại máy cuốn rơm tự hành do Cty TNHH MTV cơ khí Phan Tấn cho sản xuất năm 2014, có chiều dài 4,2m, rộng 2,2m, chạy bằng động cơ diesel có thiết kế bộ phận thu gom rơm phía trước được nâng hạ bằng hệ thống ống thủy lực nên dễ dàng thao tác, di chuyển trên các địa hình phức tạp. Máy lấy rơm ở phía trước nên rơm không bị cán và sạch hơn.
Thiết kế hệ thống di động của máy bằng bánh xích cao su nên có tính năng vượt trội là hoạt động khá tốt trên các chân đất ướt và yếu, các địa hình lầy thụt nên có thể hoạt động quanh năm...
Rơm cuộn được nhả trên thùng chứa lớn nên sạch hơn và cho phép chở tối đa 30 cuộn rơm hoặc 1 tấn nông sản đưa vào nơi thu gom, bảo quản. Năng suất hoạt động thực tế của máy từ 80 - 120 cuộn/giờ, 3ha/ngày cho lợi nhuận bình quân khoảng 4 triệu đồng/ha, theo ước tính chủ máy có thể thu hồi được vốn chỉ chưa đầy 3 vụ lúa.
Ngoài ra, việc đầu tư loại máy này còn có thể tạo thêm được việc làm cho 3 lao động với thu nhập ≥ 4 triệu đồng/tháng. Đây là loại máy mới đang được nhiều nông dân tin dùng và mạnh dạn đầu tư vì hiệu quả mang lại khá cao.
Ngoài ra, trong khi các máy thu gom rơm khác được đầu tư đa số chỉ hoạt động tốt trong vụ ĐX khi trời khô ráo thì trong mùa mưa loại máy PT-CR57 vẫn chạy tốt, giúp cho dự án thực hiện thành công các mô hình nấm rơm trong nhà (12 nhà) và nấm rơm truyền thống có cải tiến (80ha) trong vụ HT, TĐ; giúp bà con chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất nấm; góp phần vực dậy và phát triển nghề trồng nấm rơm.
Qua thực tế cho thấy việc ứng dụng máy cuốn rơm nói chung và loại máy PT-CR57 nói riêng không chỉ mang lại lợi ích qua việc giảm chi phí thu gom rơm, giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo điều kiện cho việc tăng thu nhập từ sử dụng rơm cho những mục đích khác nhau.
Bên cạnh đó việc nông dân (chủ ruộng) có khoản thu nhập thêm từ việc bán rơm với mức giá từ 400.000 - 500.000 đ/ha tùy theo mùa vụ (khi có dịch vụ cuốn rơm và thu mua rơm), hiệu quả xã hội vô cùng ý nghĩa.