| Hotline: 0983.970.780

Máy gieo sạ chính xác APV

Thứ Hai 06/03/2023 , 07:55 (GMT+7)

Máy gieo sạ chính xác APV do IRRI phối hợp với Trường Đại học Tiền Giang, Công ty Máy nông nghiệp Đồng Nhân và Công ty TNHH MTV Tư Sang, nghiên cứu cải tiến từ máy nhập khẩu.

Empty

Mô hình gieo sạ chính xác bằng máy APV giúp giảm lượng giống còn 60kg/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Gieo sạ chính xác bằng máy APV

Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) vừa tổ chức trình diễn gieo sạ chính xác bằng máy APV với mật độ gieo sạ còn 60kg/ha với khoảng cách hàng 20cm trong vụ hè thu 2023 tại 5ha của hộ ông Võ Hoàng Thân, ở ấp Đông Giang A, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Máy được trình diễn thực hiện gieo sạ tại ruộng lúa là máy gieo sạ chính xác APV do IRRI phối hợp với các đối tác (Trường Đại học Tiền Giang, Công ty Máy nông nghiệp Đồng Nhân và Công ty TNHH MTV Tư Sang) nghiên cứu cải tiến từ máy nhập khẩu và phát triển công nghệ để phù hợp với đồng ruộng ĐBSCL. Máy APV có thể điều chỉnh mật độ gieo sạ hàng và khoảng cách giữa các hàng, từ đó linh hoạt trong điều chỉnh lượng sử dụng giống theo yêu cầu sản xuất. Ruộng lúa của nông dân được chọn trình diễn có tổng diện tích 5ha, thực hiện theo 3 nghiệm thức gieo sạ khác nhau đối với giống lúa OM 18 trong vụ lúa hè thu 2023 để cuối vụ có sự so sánh về hiệu quả trong áp dụng cơ giới hóa nhằm giảm lượng giống và tăng các lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường.

Cụ thể, có 2ha được gieo sạ chính xác bằng máy APV với mật độ sạ 60kg/ha và khoảng cách hàng là 20cm, 2ha được gieo sạ với khoảng cách hàng 25cm, còn lại 1ha được gieo sạ với mật độ 120kg/ha bằng máy phun hạt. Nông dân tham gia mô hình trình diễn này được hỗ trợ chi phí thực hiện gieo sạ lúa bằng máy và được hỗ trợ một số loại vật tư đầu vào, trong đó Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tài trợ phân bón.

Đây là chương trình do IRRI hỗ trợ cho các tỉnh ĐBSCL, nhằm khuyến khích đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc giảm lượng giống gieo sạ; đồng thời so sánh phương pháp gieo sạ trực tiếp bằng máy APV và theo tập quán nông dân.

Sau vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 vừa thu hoạch xong, hộ ông Võ Hoàng Thân cho đất nghỉ ngơi một tuần rồi tiến hành thuê cơ giới hóa vào vệ sinh đồng ruộng rộng 5ha để chuẩn bị xuống giống vụ hè thu tiếp theo.

Ông Võ Hoàng Thân cho biết, làm lúa những năm gần đây gặp nhiều áp lực như giá vật tư đầu vào tăng cao, thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều sâu bệnh, nông dân phải bỏ ra chi phí cao... Chính vì vậy, để thay đổi tư duy sản xuất trong canh tác lúa, nhiều vụ lúa qua gia đình ông Thân luôn mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa 100% trong các khâu từ làm đất, gieo sạ, đến bón phân, phun thuốc bằng máy bay không người lái và thu hoạch lúa bằng máy gặt… đều cho kết quả tốt.

Empty

Việc gieo sạ mật độ 50 - 60% lúa giống/ha, từ đó giảm phân bón, thuốc BVTV rất lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Riêng trong vụ lúa hè thu năm nay, tôi ứng dụng máy APV của IRRI đưa xuống để làm giảm mật độ gieo sạ tối đa còn 60kg/ha và khoảng cách hàng chỉ 20cm nhằm giúp giảm giống, phân thuốc BVTV, giảm sâu bệnh và giảm rủi ro trong thu hoạch. Trước đây tôi gieo sạ theo truyền thống phải sử dụng từ 150 - 200kg/ha và thậm chí nhiều hơn nữa, nay ứng dụng máy gieo sạ APV đã giảm lượng giống hơn phân nửa từ đó giúp canh tác lúa tiết giảm chi phí khoảng 40% so với cách làm bình thường”, ông Thân vui mừng.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Tư Sang, máy sạ hàng chính xác có sử dụng thiết bị điều khiển được gắn trên máy kéo bánh hơi hay máy cày. Với điều kiện canh tác lúa ở ĐBSCL, máy được cải tiến để vận hành trên nền đất ướt, vì vậy thiết bị được gắn trên đầu kéo của máy cấy. Đồng thời, máy đã tiến hành cải tiến một số bộ phận trục gieo, bộ phận trượt phía sau… tạo rãnh ép thoát nước, cải tiến vị trí lắp đặt cảm biến để phù hợp với đồng ruộng Việt Nam. Bộ cảm biến thông minh khi cài đặt sẽ thiết lập vận tốc vận hành của máy. Căn cứ vào tốc độ di chuyển trên bề mặt ruộng, thiết bị sẽ tự báo về bộ điều khiển để điều phối cho trục quay của hạt điều chỉnh lượng giống cần gieo sạ tương ứng. Có những trường hợp vận tốc di chuyển của máy thay đổi do điều kiện mặt ruộng, thiết bị sẽ ghi nhận, phản hồi về hệ thống điều khiển và tự điều chỉnh lượng hạt gieo sạ ngay nhờ bộ cảm biến thông minh.

Thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa 

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, chia sẻ: Những năm qua, ngành Nông nghiệp thành phố thường xuyên tuyên truyền vận động nông dân áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Nhờ đó, mật độ gieo sạ giống đã giảm từ 200 - 250 kg/ha xuống mức trung bình 120 - 130 kg/ha. Ở những hợp tác xã, những cánh đồng lớn, nông dân có thể gieo sạ khoảng 100 kg/ha. Những vùng khó khăn, diện tích đất canh tác manh mún có thể lên đến 130 - 140kg giống. Với máy sạ hàng chính xác được triển khai như hiện nay có thể giảm đáng kể lượng giống gieo sạ xuống còn 60kg/ha, từ đó giúp nông dân hưởng nhiều cái lợi từ việc giảm chi phí và công lao động.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Gieo sạ với mật độ thấp là một trong những hướng để ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa. Việc gieo sạ mật độ 50 - 60% lúa giống/ha, từ đó kéo theo giảm phân bón, thuốc BVTV rất lớn, cần xem đó là giải pháp giúp bà con nông dân giảm chi phí, từ đó đẩy mạnh ứng dụng giống lúa chất lượng cao lên. Đồng thời trong quá trình ít sử dụng phân, thuốc nên lúa đạt tiêu chuẩn về mặt chất hơn hẳn so với cách làm truyền thống. Bên cạnh các giải pháp gieo sạ ở mật độ thấp thì việc thu gom rơm rạ trên đồng ruộng được xử lý thuận lợi giúp môi trường càng ngày được cải thiện nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Empty

Sạ 60kg/ha lúa giống giúp giảm chi phí 40% trong vụ hè thu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Nghiêm, trong thời gian tới ngành nông nghiệp địa phương đồng hành với Bộ NN-PTNT triển khai các chính sách đồng bộ để thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa nói riêng và cả ngành nông nghiệp nói chung. Bên cạnh đó còn phối hợp với các trung tâm, viện, trường và doanh nghiệp để cho ra sản phẩm máy móc hiện đại và phù hợp hơn cho đồng ruộng tại TP Cần Thơ. 

Với góc độ “nhà hỗ trợ” máy gieo sạ APV để giúp nông dân ứng dụng giảm lượng giống gieo sạ ở mức thấp nhất, bà Đinh Thị Kim Dung, Chánh Văn phòng IRRI tại Việt Nam cho rằng, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL gặp khó khăn với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là thời điểm xuống giống và thu hoạch. Hơn nữa, phương thức canh tác thiếu chính xác, sử dụng dư thừa giống lúa gieo sạ, mật độ cây con cao và không đồng đều, yêu cầu bón phân nhiều, rủi ro dịch bệnh cao và dễ đổ ngã lúc lúa chín sắp thu hoạch, nên gây tổn thất thu hoạch và sau thu hoạch cao.

Empty

Nông dân đến tham quan mô hình gieo sạ 60kg/ha lúa bằng máy APV của IRRI triển khai. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Do vậy, cơ giới hóa gieo sạ chính xác là rất cần thiết để giảm giống, phân, thuốc BVTV, giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng chất lượng lúa gạo. Nhiều nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI và đối tác gần đây đã minh chứng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ chính xác có thể tăng thu nhập từ lúa lên hơn 20% và giảm phát thải các bon ít nhất 10% từ việc giảm sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào và tổn thất sau thu hoạch.

Ngoài ra, cơ giới hóa gieo sạ chính xác tạo điều kiện đảm bảo sản xuất lúa bền vững và phát thải thấp, tạo ra giá trị gia tăng từ các sản phẩm gạo chất lượng cao và giao dịch chứng chỉ các bon trong tương lai.

Bà Dung nhấn mạnh, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế tham gia trong sự kiện này là một trong các hoạt động quan trọng, thúc đẩy nhân rộng cơ giới hóa gieo sạ chính xác cho sản xuất lúa gạo bền vững ở ĐBSCL. Tuy bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng IRRI tin rằng công nghệ này sẽ là bước đột phá trong tương lai gần.

Xem thêm
Tiên phong làm chủ công nghệ, nâng tầm đàn bò Việt

Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ công nghệ sản xuất tinh bò 3B thuần dạng cọng rạ và tạo ra đàn bò, bê 3B thuần chủng bằng công nghệ cấy truyền phôi.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.