Ảnh minh họa. |
Thống kê này được dựa trên 28.200 cuộc gọi điện thoại và 22.00 cuộc gặp gỡ trực tiếp để khảo sát tại 16 sở ngành, 24 quận huyện, 105 UBND phường, xã, thị trấn trên địa bàn.
Tất nhiên, không ai phủ nhận ý thức đi đầu cả nước về ý thức chuyên nghiệp của cán bộ, công chức TP.HCM trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Thế nhưng, nếu chỉ còn 5% chưa hài lòng thì e rằng quá lý tưởng và hơi lạc quan.
Lâu nay, chuyện làm đẹp báo cáo thành tích năm cũ để tạo không khí phấn khởi cho năm mới, là điều thường xuyên xảy ra. Song, khi đã xác định lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả quản lý Nhà nước, thì cần có những điều tra xã hội học thật qui mô, thật toàn diện và thật khoa học.
Ngay trong báo cáo đầy tinh thần vui tươi từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN của TP.HCM, cũng thừa nhận đa số người dân phải đi lại tối thiểu 2 lần để hoàn thành một loại giấy tờ đơn giản, đồng thời cũng có nhiều trường hợp người dân phải chi tiền ngoài ý muốn để tránh bị phiền nhiễu dây dưa.
Vì vậy, 5% chưa hài lòng là một góc khuất, phải được soi rọi thấu đáo và nghiêm túc.
Chính ông Trần Lưu Quang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cũng không dám tin 95% người dân hài lòng với các dịch vụ hành chính công.
"Nếu người dân hài lòng như các báo cáo mà chúng tôi được đọc, chắc cả ngày lãnh đạo không còn việc gì làm, chỉ có đi ăn giỗ. Có ai dám tin con số này không? Bởi nhiều nơi, khi cán bộ xuống lấy ý kiến đã có danh sách người dân được chọn sẵn.
Liệu những người có bức xúc, khiếu kiện, có nằm trong danh sách được chọn để khảo sát không? Thực tế, vẫn còn nhiều việc người dân chưa hài lòng như thủ tục quá rắc rối, thái độ cán bộ chưa tốt, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Các doanh nghiệp thì sao, họ thường có tâm lý “thôi thì cứ đánh giá tốt, góp ý liệu có tác dụng gì” nên mức độ hài lòng mới cao như vậy!”.
Nếu miễn cưỡng chấp nhận 95% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công tại TP.HCM, thì ở những địa phương khác sẽ cho kết quả khảo sát ra sao? Chắc chắn, không có tỉnh nào dám đưa ra con số hoàn hảo 100% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công, vì thái độ quan liêu hách dịch vẫn phổ biến trong một bộ phận công chức, và tệ nạn “tham nhũng vặt” vẫn chưa có giải pháp khống chế như mong muốn của cộng đồng.
Dịch vụ hành chính công là quan hệ gần gũi nhất và đơn giản nhất giữa người dân và chính quyền, nhưng cũng là nơi phơi bày rõ nét nhất những bất cập trì trệ để nhận diện và khắc phục cho công cuộc xây dựng Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.