| Hotline: 0983.970.780

Những 'hậu phương' thầm lặng đấu Covid-19

'Mẹ đẻ' của vacxin Astra Zeneca, người sợ nổi tiếng

Thứ Hai 13/09/2021 , 10:44 (GMT+7)

Nếu giáo sư Sarah Gilbert làm theo bản năng của mình, vacxin Astra Zeneca, một trong những vũ khí hữu hiệu nhất giúp nhân loại chống Covid-19, có thể sẽ không ra đời.

Giáo sư Sarah Gilbert, 'mẹ đẻ' của vaccine Astra Zeneca. Ảnh: University of Oxford.

Giáo sư Sarah Gilbert, "mẹ đẻ" của vaccine Astra Zeneca. Ảnh: University of Oxford.

Nhiều năm trước, khi đang theo học thạc sĩ, Gilbert đã tâm niệm rằng sẽ dồn toàn tâm toàn ý vào nghiên cứu khoa học. Là một sinh viên trẻ ngành khoa học sinh học tại Đại học Đông Anglia, Norwich, Anh, bà cảm thấy được tiếp thêm năng lượng bởi sự đa dạng của những trải nghiệm và ý tưởng mới.

Nhưng khi học lên tiến sĩ tại Đại học Hull, Gilbert nhận ra rằng chỉ tập trung vào một thứ không phải điều bà mong muốn.

“Có những nhà khoa học vẫn thấy vui khi nghiên cứu về một vấn đề nào đó suốt thời gian dài... Nhưng đấy không phải cách làm việc tôi hướng đến. Tôi thích nghiên cứu những ý tưởng khác nhau từ nhiều lĩnh vực khác nhau”, Gilbert trả lời phỏng vấn đài phát thanh BBC Radio 4 hồi đầu năm ngoái.

“Tôi từng nghĩ sẽ từ bỏ khoa học và làm điều gì đó khác biệt”, bà nói. Dù vậy, cuối cùng, Gilbert quyết định “thử thêm một lần nữa với khoa học vì... vẫn cần có thu nhập”.

Đó là quyết định quan trọng giúp dẫn tới kết quả là sự ra đời của vacxin Astra Zeneca ở hiện tại, một trong những vacxin Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp, bên cạnh những loại như Pfizer, Moderna, Sinopharm hay Sinovac.

Sarah Gilbert sinh ra ở Kettering, Northamptonshire, vào tháng 4/1962. Cha bà làm việc trong ngành sản xuất giày dép còn mẹ bà là một giáo viên tiếng Anh, thành viên hội biểu diễn nghiệp dư địa phương.

Một bạn học cũ mô tả Gilbert là người kiên định, sắt đá và khá trầm lặng, một đặc điểm tính cách có lẽ giúp giải thích cho quyết định nhiều năm sau đó của bà khi vẫn gắn bó với nghiệp nghiên cứu dù có những phút phân vân, hoài nghi.

Sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ, Gilbert nhận được công việc tại một trung tâm nghiên cứu sản xuất bia, giám sát khâu điều chế me, trước khi chuyển sang làm việc trong lĩnh vực sức khỏe con người.

Bà chưa bao giờ có ý định trở thành một chuyên gia về vacxin. Tuy nhiên, Gilbert đã có một bước ngoặt trong sự nghiệp vào giữa những năm 1990, khi bà tham gia nghiên cứu về bệnh sốt rét tại Đại học Oxford. Công việc này sau đó dẫn bà tới con đường nghiên cứu các loại vaccine sốt rét.

Cuộc sống trở nên bận rộn và có chút rối loạn hơn khi Gilbert trải qua ca sinh ba. Việc nuôi ba đứa trẻ cùng lúc là trải nghiệm mà theo như lời một người bạn của Gilbert mô tả, nó khiến “mọi cách tiếp cận đều trở nên vô nghĩa”.

Con trai Gilbert cho biết mẹ anh luôn ủng hộ và đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu. Cả ba người đều độc lập trong việc chọn hướng đi của mình nhưng cuối cùng đều chọn học ngành hóa sinh.

Trong khi đó, tại Đại học Oxford, Gilbert nhanh chóng thăng tiến trong công việc, trở thành giáo sư tại Viện Jenner danh tiếng của trường. Bà tự thành lập nhóm nghiên cứu của riêng mình với nỗ lực tạo ra một loại vacxin cúm có khả năng chống lại tất cả các chủng virus cúm khác nhau.

Năm 2014, bà là người dẫn dắt cuộc thử nghiệm lâm sàng vacxin Ebola đầu tiên. Và khi virus Mers gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông xuất hiện, bà đã đích thân đến Arab Saudi để phát triển một loại vacxin riêng cho chủng virus corona này.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng thứ hai của loại vaccine trên mới chỉ bắt đầu vào đầu năm 2020, thời điểm Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Giáo sư Gilbert nhanh chóng nhận ra bà có thể vận dụng cách tiếp cận tương tự.

“Chúng tôi phản ứng vô cùng mau lẹ”, giáo sư Teresa Lambe, đồng nghiệp của Gilbert tại Đại học Oxford, cho hay. Khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố cấu trúc gen của loại virus mới, “ngay trong cuối tuần đó, vacxin đã được thiết kế ra. Chúng tôi đi rất nhanh”.

Sự nguy hiểm và chết chóc mà Covid-19 gieo rắc trên toàn cầu tạo ra một tình thế cấp bách chưa từng có và nó phần nào giải thích cho cách làm việc đôi lúc không chính thống của Gilbert, khác với bà thường ngày. Theo giáo sư Lambe, giáo sư Gilbert có thể gửi email vào 4h sáng, cho thấy bà tận tụy với công việc như thế nào.

Mất vài tuần để tạo ra một vacxin có tác dụng chống Covid-19 trong phòng thí nghiệm. Sau đó, lô đầu tiên được đưa vào sản xuất vào đầu tháng 4/2020 khi quy trình kiểm tra nghiêm ngặt được mở rộng. Giáo sư Gilbert chỉ gọi quá trình này là một chuỗi các bước đi nhỏ bé, không phải một bước đột phá lớn.

“Ngay từ đầu, chúng tôi đã nhìn nhận đây là cuộc đua với virus, không phải cuộc đua với những nhà sản xuất vacxin khác”, Gilbert chia sẻ hồi năm ngoái. “Chúng tôi là một trường đại học và chúng tôi không tham gia việc này để kiếm tiền”.

Bạn bè, đồng nghiệp miêu tả Gilbert là một người tận tâm, trầm lặng, kiên định và “thực sự gan góc”.

“Đôi lúc tôi thấy giáo sư khá nhút nhát và dè dặt với mọi người xung quanh”, một trong các nghiên cứu sinh tiến sĩ của Gilber nhận xét. “Vài đồng nghiệp của tôi tại Viện Jenner luôn cảm thấy sợ giáo sư. Nhưng khi hiểu giáo sư và dành thời gian trò chuyện, giao lưu với bà, bạn sẽ hiểu mọi thứ không như bề ngoài”.

Thành công của vacxin đã khiến tên tuổi của giáo sư Gilbert vang xa. Giờ đây, hầu hết người dân Anh đều biết đến bà và bày tỏ ngưỡng mộ bà.

“Nhưng bà ấy sẽ không thích điều đó, chắc chắn là như vậy”, nhà sinh hóa học, tiến sĩ Anne Moore, bạn của giáo sư Gilbert, cho hay. “Gilbert là người không bao giờ muốn ánh đèn sân khấu chiếu vào mình”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.