| Hotline: 0983.970.780

Men vi sinh không phải là thần dược

Thứ Sáu 09/11/2012 , 14:42 (GMT+7)

PGS TS Trương Quốc Phú, Trưởng Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ đã trả lời phỏng vấn về vấn đề loạn men vi sinh...

PGS.TS Trương Quốc Phú

Vừa qua phản ánh từ nông dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL và NNVN liên tiếp cảnh báo tình trạng loạn men vi sinh, PGS TS Trương Quốc Phú, Trưởng Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

Xin ông cho biết về mặt khoa học, men vi sinh có tác dụng gì?

Men vi sinh hay còn được gọi là chế phẩm vi sinh là những sản phẩm có chứa vi sinh vật có lợi. Dựa vào cách sử dụng có thể chia làm 2 loại: Loại sử dụng qua đường tiêu hóa bằng cách trộn vào thức ăn, loại này có vai trò hỗ trợ tiêu hóa, giúp tôm tiêu hóa và hấp thu tốt thức ăn, nhờ đó giúp tăng cường sức khỏe của tôm. Vì vậy, loại này được gọi là chế phẩm cải thiện sức khỏe tôm cá.

 Loại thứ hai được sử dụng bằng cách hòa tan vào trong nước hoặc đáy ao (lúc cải tạo ao), các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm vi sinh này có vai trò làm chuyển hóa các chất độc trong ao (NH3, NO2-, H2S) thành những chất không độc (NO3-, SO42-…). Ngoài ra, các vi sinh vật có lợi này cũng giúp phân hủy chất hữu cơ tích lũy ở nền đáy ao, nên người nuôi tôm cá cũng dùng chế phẩm vi sinh để xử lý đáy ao. Loại chế phẩm này được gọi là chế phẩm cải thiện môi trường.

Cần khẳng định rằng chế phẩm vi sinh chỉ góp phần nhỏ để cải thiện sức khỏe của tôm cá và cải thiện môi trường, chứ chế phẩm vi sinh không quyết định đến sự thành công trong nuôi tôm cá, hay nói cách khác chế phẩm vi sinh không phải là “thần dược” để phòng trị bệnh tôm cá. Chế phẩm vi sinh được người nuôi sử dụng ngày càng nhiều nhưng dịch bệnh trên tôm cá vẫn xảy ra thường xuyên hiện nay, điều này chứng tỏ chế phẩm vi sinh không phải là “thần dược”.  

Việc kiểm chứng sản phẩm men vi sinh ở đâu và ông có khuyến cáo gì với người nuôi tôm?

Việc kiểm chứng và cấp phép cho việc lưu hành chế phẩm vi sinh được thực hiện theo quy trình do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện đó là Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT. Để biết được sản phẩm đó được kiểm chứng và cấp phép hay chưa, chúng ta có thể tham khảo Danh mục thuốc thú y thủy sản và chế phẩm vi sinh được phép lưu hành do Bộ NN-PTNT ban hành kèm theo thông tư số 25/2012/TT-BNNPTNT ngày 22/6/2012.

Dựa vào hình thức bên ngoài của các chế phẩm vi sinh thì không thể đánh giá được chất lượng của chúng. Do đó, điều cần khuyến cáo với nông dân là nên chọn các loại chế phẩm vi sinh nằm trong Danh mục chế phẩm vi sinh được phép lưu hành do Bộ NN-PTNT ban hành vì các sản phẩm này đã được kiểm chứng và cấp phép. Không nên sử dụng các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông có đề xuất gì trong tình hình “loạn men vi sinh” như hiện nay?

Việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuốc thú y, chế phẩm sinh học được quy định ở Nghị định 40/2009/NĐ-CP, ban hành ngày 24/4/2009 và Thông tư 68/2009/TT-BNNPTNT ban hành ngày 23/10/2009. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.

Để hạn chế những thiệt hại cho nông dân khi sử dụng hàng kém chất lượng, về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tăng cường các biện pháp kiểm soát hàng kém chất lượng, hàng giả…và xử lý theo đúng pháp luật. Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thú y ở các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho nông dân biết danh mục các loại thuốc, chế phẩm vi sinh được phép lưu hành.

Về phía nông dân, không nên sử dụng các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nên nhờ sự tư vấn của các cán bộ chuyên môn hoặc của cơ quan quản lý nhà nước về thú y ở địa phương. 

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.