| Hotline: 0983.970.780

Mệt mỏi vì giấy đi đường

Thứ Ba 07/09/2021 , 14:21 (GMT+7)

Hà Nội 4 lần thay đổi phương thức cấp giấy đi đường trong vòng 45 ngày khiến người dân, doanh nghiệp cũng như các Sở, ban, ngành liên quan khó thích ứng.

Nhân viên của một công ty chế biến và kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội tranh thủ vận chuyển hàng hóa vào đêm. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhân viên của một công ty chế biến và kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội tranh thủ vận chuyển hàng hóa vào đêm. Ảnh: Bảo Thắng.

Chuyển hàng trong đêm

22h đêm, nhiều gương mặt vẫn đẫm mồ hôi tại trụ sở chính của Công ty TNHH Trung Thành ở Cụm Công nghiệp Lại Yên, huyện Hoài Đức.

Tất cả cùng chung nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng vì chưa kịp đáp ứng quy định mới về giấy đi đường mà TP. Hà Nội thông báo hôm 3/9.

Ông Phí Anh Tùng, Giám đốc kinh doanh Trung Thành Foods cho biết, ngay trong sáng 4/9 - một ngày sau khi thành phố thông báo về giấy đi đường mới - công ty đã liên hệ với các lực lượng chức năng liên quan.

Dù là cuối tuần, nhân viên công ty vẫn gọi điện gửi email, thậm chí tới trực tiếp xếp hàng ở những đầu mối liên hệ tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức và quận Hoàng Mai.

Đây là hai địa điểm công ty đóng trụ sở và văn phòng. Tuy nhiên, cho tới ngày 7/9, công ty vẫn không chắc kịp lấy giấy đi đường mới để đảm bảo lưu thông vào 8/9, thời điểm thành phố sẽ tiến hành kiểm tra, xử phạt những phương tiện chưa có biểu mẫu mới.

Quyết định thay đổi giấy đi đường vào đầu tháng 9/2021 của Hà Nội là lần thứ tư trong vòng 45 ngày, kể từ lúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, công ty chuyên chế biến và kinh doanh gia vị thực phẩm này phải xoay xở để đáp ứng yêu cầu của thành phố. Lần nào, nhân viên cũng “bạc tóc” để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng trên địa bàn.

Với lần thay đổi mới đây, trăn trở lớn nhất của công ty là việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa khi đi qua giáp ranh giữa vùng 1 (vùng nguy cơ rất cao) và vùng 3 (vùng nguy cơ thấp hơn) trong thành phố.

Theo ông Tùng, nếu xin cấp giấy đi đường tại quận Hoàng Mai - nơi công ty có văn phòng, giấy chỉ có hiệu lực di chuyển trong vùng 1, nghĩa là chủ yếu di chuyển nội thành. Còn xin giấy tại xã Lại Yên thì chưa có hướng dẫn cụ thể.

Khi đem câu hỏi này tới Công an xã Lại Yên, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam được đề nghị lên làm việc với Công an huyện Hoài Đức.

Khi tới trụ sở Công an huyện Hoài Đức, đại diện cơ quan thông tin, rằng trong đợt phân tách các vùng nguy cơ lần này, một số xã của huyện được xếp vùng 1, một số lại vùng 3. Do tình hình đặc biệt hiện tại, huyện ưu tiên cho vùng 1 (vùng nguy cơ rất cao).

Trong khi đó, Cụm Công nghiệp Lại Yên nằm ở vùng 3. Dù chỉ còn một ngày nữa là sẽ xử phạt phương tiện không có giấy đi đường mới, Trung Thành và những công ty trên địa bàn xã vẫn trăn trở về giấy “thông hành”. Chưa có giấy, nên họ không dám mơ đến việc hướng dẫn di chuyển giữa các vùng giáp ranh.

Giải pháp tạm thời của công ty là phải di chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu đến các đại lý, nhà phân phối ngay trong đêm 6/9 và cả ngày 7/9, nhằm đảm bảo nhu cầu trong vài ngày tới, chờ tới lúc có giấy đi đường mới. Toàn bộ hơn 30 nhân viên đang “3 tại chỗ” của công ty ở Lại Yên được huy động, vận chuyển hàng chục chuyến xe đi xuyên đêm.

Cảnh sát kiểm tra giấy đi đường của người dân tại chốt kiểm soát trên đường Mai Dịch. Ảnh: Bảo Thắng.

Cảnh sát kiểm tra giấy đi đường của người dân tại chốt kiểm soát trên đường Mai Dịch. Ảnh: Bảo Thắng.

Trăn trở khi “3 tại chỗ”

Ngày 6/9 cũng là thời điểm nhiều trẻ em tại Hà Nội bắt đầu năm học mới 2021-2022. Trong số đó có con gái của chị Trần Thị Khánh Chi, Phụ trách Phòng bán hàng Trung Thành Foods. Là một trong số nhân viên ở lại trụ sở chính tại Cụm Công nghiệp Lại Yên để đảm bảo “3 tại chỗ”, chị mang theo cả con gái nhỏ mới vào lớp 2 đến công ty.

Tối 6/9, giữa lúc đồng nghiệp trăn trở xin giấy đi đường mới, chị Chi còn một nỗi lo toan khác, đó là kèm con gái học trực tuyến. Một tay cầm điện thoại, túc trực tin nhắn cơ quan, một tay chị cầm chuột máy tinh, hướng dẫn con thực hiện theo yêu cầu của giáo viên.

Trong căn phòng rộng chừng hơn 20m2, chị Chi gắng sức hoàn thành “mục tiêu kép” mà bản thân đặt ra, đó là vừa đảm bảo công việc, vừa giúp con gái theo kịp chương trình trên lớp. Sau khoảng nửa tiếng, khi thấy con “vào guồng” học cùng các bạn, chị lặng lẽ về chỗ làm việc, xoay vần cùng đống giấy tờ ngổn ngang để kịp xin giấy đi đường.

“Được công ty tạo điều kiện, tôi mang bạn bé đến công ty, cùng "3 tại chỗ". Bạn lớn ở nhà để anh xã chăm sóc. Cũng may chồng tôi làm việc online nên cả nhà vẫn đủ khả năng vượt qua thời gian khó khăn này”, chị Chi tâm sự.

Không có niềm vui gần con như chị Chi, anh Trần Đức Thành, Trợ lý kinh doanh của Tổng Giám đốc, chỉ được gặp gia đình qua những cuộc gọi trực tuyến. Đều đặn hàng tối, từ hơn tháng qua, anh gọi điện về nhà ở Nam Định, lúc hỏi han tình hình học hành của hai con trai, khi thì động viên vợ yên tâm, vững chí.

Thói quen ấy không còn từ vài ngày nay, khi giấy đi đường mới chuẩn bị được sử dụng trong lưu thông. Nhân viên của anh báo về, rằng họ được lực lượng chức năng nhắc nhở về thời hạn 8/9 - ngày mọi người sẽ bị xử phạt nếu không có giấy theo biểu mẫu mới.

“Tôi rất lo lắng, vì ngoài việc tiếp thị online, nhân viên vẫn phải đến các cơ sở, đại lý phân phối để giới thiệu sản phẩm. Nếu không có đủ giấy, kế hoạch kinh doanh Quý này, thậm chí cả năm 2021 dễ bị ảnh hưởng”, anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số.

Dấu hỏi công nghệ

Từ đợt nghỉ lễ Quốc Khánh, giấy đi đường đã là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Theo nhiều đơn vị hoạt động trong nhóm ngành hàng thiết yếu phản ánh, họ đang phải chia số nhân viên ra làm hai danh sách.

Một, là những người chỉ trực tại công ty, thường là khối hành chính, văn phòng, sẽ do cảnh sát khu vực cấp.

Hai, là khối vận chuyển hàng hoá. Do là đối tượng thường xuyên di chuyển, khả năng tiếp xúc lớn, nên nhóm đối tượng này cần lập danh sách, gửi hồ sở bằng email tới Sở Công thương Hà Nội.

Sau khi được xác nhận là đủ thủ tục, Sở Công thương mới chuyển cho Sở Giao thông Vận tải kiểm duyệt. Hồ sơ, sau khi được chấp thuận, sẽ được chuyển sang Phòng Cảnh sát giao thông để làm thủ tục cấp duyệt.

Quy trình, hình thức là “một cửa” như vậy, nhưng trong quá trình vận hành gặp nhiều đứt gãy. Chẳng hạn, với thủ tục ở cảnh sát khu vực, ngoài hợp đồng lao động, chứng minh nhân dân (căn cước công dân) bản photo, bảo hiểm xã hội, công ty còn phải cung cấp cả bảng lương, phương án chống dịch, phân công lịch làm việc, giấy phép đăng ký kinh doanh...

Với thủ tục cho nhóm vận chuyển, biểu mẫu được Sở Công thương Hà Nội đăng tải ở trang web https://congthuong.hanoi.gov.vn/. Tuy nhiên, do lượng truy cập của doanh nghiệp trên địa bàn quá đông, trang nhiều lúc không vào được, nhất là trong giờ hành chính.

Một điểm nữa, là quy trình và các biểu mẫu được Sở Công thương Hà Nội cung cấp vào ngày 6/9, nghĩa là chưa đầy hai ngày để doanh nghiệp hoàn thiện hàng loạt giấy tờ. Ở những lần cấp giấy trước, doanh nghiệp thường phải chờ khoảng 12 giờ, từ lúc nộp hồ sơ, tới khi nhận phản hồi. Trong thời gian ấy, họ còn gặp nguy cơ phải sửa đổi, gây chậm trễ cho việc ra giấy tờ.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) cho rằng những bất cập trong việc cấp giấy đi đường có thể được giải quyết bằng cách tăng hàm lượng công nghệ.

“Một số địa phương đã triển khai cấp giấy bằng công nghệ số, rất nhanh gọn. Tuy nhiên, thủ tục của Hà Nội tương đối rườm rà. Doanh nghiệp phải khai nhiều biểu mẫu, cung cấp nhiều thông tin”, ông nhận xét.

Để giải quyết, ông Tùng hiến 2 giải pháp để sớm thông thoáng thủ tục giấy tờ. Một, về phía doanh nghiệp, ông đề nghị chủ động trong quá trình sản xuất hàng hóa, phối hợp và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị chuyên logistics. Hai, với cơ quan chức năng, ông kiến nghị các Sở liên quan như Sở NN-PTNT, Sở Công thương kết hợp Công an Thành phố cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp liên quan.

“Dù chủ động đến mấy, chúng ta vẫn cần giải pháp căn cơ, thay vì việc đổi chính sách liên tục, không đồng nhất. Nhiều Sở, ban, ngành, sau khi triển khai chỉ thị cũ, lại phải tiếp thu cái mới, làm lại từ đầu. Bản thân họ cũng lúng túng, chứ chưa nói đến chính quyền địa phương cấp xã, phương, thị trấn”, ông Tùng kết luận.  

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Kim Hưng, đơn vị xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn Hưng Yên cho biết, các xe chở nông sản từ địa phương lên Hà Nội vẫn hoạt động bình thường. Do thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu, được tỉnh Hưng Yên cấp QR Code, và chỉ lưu thông ở vùng 3 (vùng nguy cơ thấp hơn) của Hà Nội, công ty đảm bảo được chuỗi cung ứng. Với nhóm nhân viên đang làm việc tại Hà Nội, công ty ra công an khu vực, làm thủ tục cấp giấy đi đường mới, trong đó nêu rõ điểm đến theo yêu cầu. Tuy nhiên, số lượng giấy cấp hạn chế. Theo bà Hiền, nó chỉ phù hợp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ như công ty bà.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.