| Hotline: 0983.970.780

Mía đường ĐBSCL tìm cách vượt khó

Thứ Ba 28/08/2018 , 15:05 (GMT+7)

Sắp bước vào vụ mía đường 2018 - 2019, các nhà máy đường ĐBSCL thừa nhận chưa bao giờ rơi vào tình cảnh nan giải như hiện nay.

Trên sân nhà đường cát nội phải lo “đấu” với đường lậu. Trong khi vùng trồng mía đang thu hẹp dần. Hiện đã có 4/10 nhà máy ngừng hoạt động.
 

Trong thế khó

Hơn 20 năm qua, kể từ khi 10 nhà máy đường trong vùng cùng hòa nhịp vào chuỗi 42 nhà máy ngành mía đường cả nước nhắm tới mục tiêu sản lượng trên 1 triệu tấn đường/năm vào năm 2015. Cùng với hoạt động chuyển đổi cổ phần hóa doanh nghiệp sau đó góp phần chặn đứng lỗ lã, kích thích nhiều nhà máy đường hoạt động hiệu quả trở lại. Tuy nhiên sau vài năm trụ được, từ giữa năm 2017 thị trường đường có dấu hiệu dư thừa. Đường cát giảm giá dần. Trong khi đường Thái Lan nhập lậu qua biên giới Tây Nam tràn qua khiến cho đường sản xuất trong nước tiêu thụ chậm, tồn kho kéo dài, dẫn tới mía rớt giá. Nông dân chán nản tìm đường bỏ mía.

15-21-58_vo_vu_mi_duong_moi_o_dbscl_-_nh_hd
Vào vụ mía đường mới ở ĐBSCL

Lũ đầu nguồn sông Cửu Long về sớm và đang lên, một số vùng trồng mía ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chưa hoàn chỉnh đê bao nông dân đang lo âu. Nhớ lại mấy năm trước, thời giá đường lên cao các nhà máy tranh nhau về vùng này giành phần thu mua mía đầu vụ. Mía còn non chưa đủ chữ đường ghe mía thả về khắp sông rạch tranh mua. Còn nay dân trồng mía than vãn chưa thấy động tĩnh gì ngoại trừ nhân viên của Cty CP mía đường Cần Thơ (Casuco) còn tới lui cam kết. Đến đầu tháng 10/2018 các nhà máy mới khởi động mua mía vào vụ.

Theo bộ phận nông vụ các nhà máy đường Casuco, tỉnh Hậu Giang có diện tích trồng mía tập trung lớn nhất vùng, thời cực thịnh có trên 14.000ha. Song, mấy năm qua giảm dần và mùa mía năm nay ước giảm khoảng 15% diện tích. Hậu Giang hiện có 3 nhà máy đường công suất lớn, trong đó có 2 nhà máy đường Vị Thanh, Phụng Hiệp chuẩn bị vào vụ. Hai nhà máy đường Kiên Giang, Cà Mau đã ngưng hoạt động. Một số nhà máy đường ở Sóc Trăng và các tỉnh trong vùng tuy còn hoạt động nhưng vùng mía nguyên liệu đang giảm khá nhiều.

Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Casuco, băn khoăn: Các nhà máy đường ĐBSCL đang loay hoay với bài toán khó về giá thành sản xuất và giá bán đường cát. Giá đường cát bán ra giảm còn 11.000-11.500 đ/kg có thể xem như gần chạm đáy và dưới mức giá thành. Một số nhà máy đang tìm cách tiêu thụ, giải quyết hàng tồn kho để vào vụ mới. Tuy nhiên nếu chấp nhận cạnh tranh để mía đường ĐBSCL tồn tại trước ngưỡng cửa thị trường hội nhập, điều tiên quyết là cần phải hạ giá thành sản xuất, đồng thời có giải pháp phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía cho nhà máy.
 

Giải pháp cứu cánh

Có nhiều ý kiến từ giới doanh nhân trong ngành mía đường bày tỏ lo ngại. Nghịch lý đang tồn tại là ngành mía đường nước ta trong đó vùng ĐBSCL tuy có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn lực nhưng giá thành sản xuất vẫn quá cao, năng suất công nghiệp thấp, chất lượng hạn chế, mía nguyên liệu lúc thiếu lúc thừa. Mặt khác, dù đang trong thời hạn bảo hộ thương mại cho ngành mía đường trong nước (thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại ASEAN, trong đó mặt hàng đường có mức thuế nhập khẩu 5% trong giai đoạn 2018 - 2022) vậy nhưng khả năng cạnh tranh đường nội vẫn èo uột.

15-21-58_sn_xut_mi_duong_o_dbscl_-_nh_hd
Sản xuất mía đường Ở ĐBSCL

Một giám đốc DN mía đường ở ĐBSCL phân tích: Nếu ước lượng với 500.000 tấn đường nhập lậu, tránh được thuế nhập khẩu 5% và 5% thuế VAT tương đương 10%, nhà nước thất thu 500 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí khác. Vậy sao đường nhập lậu vẫn thừa sức cạnh tranh đường nội? Như vậy muốn cạnh tranh với đường nhập lậu thì không còn con đường nào khác đường nội phải bán rẻ hơn 1.000 đ/kg. Điều này đồng nghĩa với việc giảm giá thu mua mía 100 đ/kg (tính theo sản lượng mía/năm) tương đương nông dân mất 1.500 tỷ đồng do giá mía giảm.

Liệu rằng khi mất thế cạnh tranh thì làm sao giữ vùng mía đường ĐBSCL, thậm chí có ý nghĩ tiêu cực rằng cạnh tranh không lại thì ĐBSCL nên bỏ hẳn công nghiệp mía đường. Thế nhưng nông dân trồng mía sẽ ra sao?

Đã qua một thời gian dài mía trong vùng dao động mức giá 1.000-1.200 đ/kg. Các nhà máy đường đang tính toán giải pháp trước mắt hạ giá mía với mức bảo hiểm 900 đ/kg (mía 10 chữ đường mua tại nhà máy). Đồng thời nhà máy đường phải xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ nông dân trồng mía hàng loạt các biện pháp như: Chọn thay giống mía phù hợp, có đặc tính lưu gốc và cho năng suất và chữ đường cao; yểm trợ các giải pháp kỹ thuật canh tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch… tất cả nhằm tăng năng suất, chất lượng mía đường, bù đắp lợi nhuận cho nông dân.

Theo nhận xét của các nhà nông học, trường Đại học Cần Thơ, ĐBSCL có điều kiện đất đai, thời tiết và nguồn nước tương đối thuận lợi cho sản xuất mía. Nông dân có kinh nghiệm trồng mía lâu đời. Năng suất mía vùng này cao hơn bình quân cả nước khoảng 20 tấn/ha (bình quân của cả nước 65 tấn/ha). Cây mía là loại cây dễ trồng, phù hợp đất phèn, mặn và có thể phát triển được trong điều kiện khắc nghiệt như biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn)… Trong nhiều năm qua trên 90% diện tích mía được các nhà máy đường bao tiêu. Cây mía trong vùng vẫn có lợi thế cạnh tranh so với một số cây trồng khác, nên sự thay đổi toàn diện cho ngành mía đường ĐBSCL lúc này vô cùng cấp thiết.

Ông Phạm Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT Casuco, Trưởng tiểu vùng mía đường khu vực ĐBSCL:

“Các nhà máy đường ở Hậu Giang cũng như ĐBSCL phát triển ổn định, đủ sức cạnh tranh được với ngành mía đường trong khu vực và trên thế giới đòi hỏi trước tiên cần có chương trình đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu lâu dài, nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân và các nhà máy đường. Hiện nay trong sản xuất đường chi phí mía nguyên liệu chiếm tỷ trọng 70-80% giá thành sản xuất.

Để có thể hội nhập được với ngành mía đường trong khu vực ASEAN thì việc giảm chi phí trong sản xuất mía là con đường tất yếu. Trong khi tiềm năng năng suất và chất lượng mía ở tỉnh Hậu Giang còn có thể gia tăng cao hơn nữa”.

 

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Long An có thêm 2 điểm giao dịch ngân hàng tự động Autobank

Agribank Long An vừa đưa vào hoạt động 2 máy gửi rút tiền tự động Autobank (CDM) tại chi nhánh huyện Tân Hưng và Châu Thành, mang đến trải nghiệm ngân hàng số hiện đại.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.