| Hotline: 0983.970.780

Mía đường sẽ cạnh tranh khốc liệt

Thứ Sáu 17/08/2012 , 08:55 (GMT+7)

Ở ĐBSCL, mía là cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, nhưng hiện nay, sản phẩm đường cát đang phải cạnh tranh dữ dội với đường nhập lậu.

* Dự báo khó khăn còn tiếp diễn

Ở ĐBSCL, mía là cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế, với diện tích rộng lớn và tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành mía đường phát triển. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm đường cát phải cạnh tranh dữ dội với đường nhập lậu.

Sự đổi thay

Giống như một số cây trồng và nông sản hàng hóa khác, "thân phận" cây mía từng trải qua bao nỗi thăng trầm. Thời hưng thịnh của cây mía vào trước năm 1998, thị trường đường cát trong nước sốt hàng, hàng năm nhập khẩu tiêu dùng thêm 300.000-500.000 tấn. Dạo đó, cây mía lên đời, đi khắp vùng sông nước ĐBSCL, hầu như ở huyện nào có đất trồng mía là có lò đường thủ công, lò kết tinh đường cát. Theo ước tính lúc đó, diện tích mía toàn vùng lên tới 80.000 ha. Trong đó riêng tỉnh Hậu Giang (cũ) có diện tích trồng mía tập trung 25.000 ha, lớn nhất vùng. Kế đến là các tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang.

Thế nhưng số phận các lò đường thủ công chỉ trụ tạm được một thời gian. Sự đổi thay từ năm 1995 với “Chương trình Quốc gia 1 triệu tấn đường”, hơn 40 nhà máy đường công nghệ mới, công suất lớn được phân bố theo các vùng miền trên cả nước. Theo đó, ĐBSCL lần lượt ra đời 10 nhà máy đường công suất lớn, bình quân ép 1.200-1.500 tấn mía cây/ngày. Từ năm 1999 các nhà máy lần lượt đi vào hoạt động. Từ đó, vùng trồng mía ĐBSCL hình thành, toàn vùng có 52.000-54.000 ha, sản lượng mía 3,9-4 triệu tấn/năm, chiếm 26,2% sản lượng đường cả nước.

Thành công của ngành mía đường hơn 1 thập niên qua tạo sản lượng mía đường cả nước vượt xa ngưỡng SX 1 triệu tấn đường. Góp phần trong đó, các nhà máy đường ở ĐBSCL SX kinh doanh hiệu quả và tích cực đầu tư, chuyển giao cho nông dân nhiều giống mía mới như Quế đường, ROC... để tăng năng suất, chữ đường. Đến nay năng suất mía bình quân đạt 90 tấn/ha, cao hơn giống mía cũ (50-70 tấn/ha).


Nông dân trồng mía ở ĐBSCL chưa thực hiện được cơ giới hóa

Nổi bật hơn cả là CLB nông dân trồng mía giỏi ở Hậu Giang đạt năng suất trên 200 tấn/ha, trong đó người dẫn đầu kỷ lục đạt 280 tấn/ha. Phần lớn nông dân biết ứng dụng kỹ thuật chăm sóc nên đạt lợi nhuận khá và ít gặp rủi ro. Nếu so với một số cây trồng khác, mía là cây được các nhà máy có chính sách bao tiêu khá tốt, đảm bảo cho nông dân có lợi.

Mối lo xa

Dù đạt được bước tiến dài và tạo được nền tảng phát triển, các nhà máy đường ở ĐBSCL thừa nhận đang đứng trước áp lực cạnh tranh. Trước mắt là nạn đường nhập lậu. Đến năm 2015 sẽ hết thời hạn áp thuế theo hạn ngạch theo cam kết AFTA (khu mậu dịch tự do các nước ASEAN) từ 5% hiện nay xuống 0%, lúc đó ngành mía đường sẽ đương đầu cạnh tranh thật sự với đường ngoại nhập.

Đỉnh điểm có thể thấy kết thúc niên vụ mía đường 2011-2012, sản lượng đường các nhà máy trong cả nước đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn. Đến nay do tình hình tiêu thụ phải cạnh tranh quyết liệt, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết lượng đường tồn kho còn trên 200.000 tấn. Trong khi đến 20/8 và đầu tháng 9/2012 các nhà máy đường ĐBSCL lần lượt vào vụ mía mới 2012-2013. Dự liệu khó khăn còn tiếp diễn.

Tỉnh Hậu Giang đang thực hiện thí điểm "cánh đồng mẫu mía" (CĐMM) đầu tiên tại 2 điểm: Ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp và ấp Mỹ Hiệp 3, xã Tân Tiến, TP. Vị Thanh. Mỗi mô hình 20-50 ha. CĐMM nhằm nâng cao thu nhập nông dân, gia tăng lợi thế cạnh tranh cây mía; hướng tới phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững.

Tổng kinh phí 2 mô hình CĐMM gần 1 tỷ đồng, do Casuco hỗ trợ phân bón, trong đó phần đầu tư không hoàn lại 77,4 triệu đồng bao gồm: 3 ha giống cho 1 CĐMM để nông dân tự nhân giống, 2 máy bơm nước D15 và các chi phí tập huấn, tham quan. Dự kiến niên vụ 2013-2014 Casuco sẽ phối hợp với địa phương xây dựng thêm 5 mô hình CĐMM, mỗi mô hình trên 50 ha.

Một cán bộ có nhiều năm thực hiện chương trình khuyến nông cây mía ở tỉnh Hậu Giang, phân tích: Mặt thuận lợi lớn cho cây mía ĐBSCL là nhờ có đất phù sa màu mỡ, nước ngọt quanh năm. Đất nào cũng trồng mía được. Đến nay nhiều vùng mía nguyên liệu đã thay giống mới được 95-98%, cải thiện năng suất, chữ đường tăng lên. Tuy nhiên, mặt bất lợi là một số diện tích mía bị ảnh hưởng lũ, chữ đường thấp, hiệu suất thu hồi đường kém. Hơn nữa, giá mía tại ĐBSCL cao hơn những vùng miền khác trong nước. Đó là chưa kể vùng này chưa thực hiện được cơ giới hóa khâu làm đất, trồng và thu hoạch nên giá nhân công cao.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó TGĐ Cty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) so sánh: Với Thái Lan, đa số nhà máy SX đường có công suất lớn, bình quân 8.000 tấn/ngày, nông dân có đất mía 80-100 ha/hộ, cơ giới hóa từ trồng đến thu hoạch. Do vậy nếu tính chỉ thu lãi 5-10 triệu đồng/ha, nông dân sẽ lợi nhuận từ 400 triệu-1 tỷ đồng/vụ. Trong khi trồng mía ở ĐBSCL qui mô nhỏ, 5-7 công/hộ, lợi nhuận 20-30 triệu đồng/năm quá ít. Đó là chưa nói tới Thái Lan có chính sách bảo hộ đường cát tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hiện nay, sau thời gian hoạt động đa số các nhà máy đường ở ĐBSCL đầu tư nâng công suất lên bình quân 2.000-3.000 tấn mía/ngày. Toàn vùng có trên 52.000 ha mía, công suất của 10 nhà máy đường cũng chỉ đáp ứng được 80%. Như vậy, muốn tăng năng lực cạnh tranh, trước mắt cần tiếp tục nâng cao chất lượng giống, năng suất mía từ 100-200 tấn/ha để gia tăng lợi tức cho nông dân; đồng thời mở rộng vùng trồng mía thêm 5-10%.

Về phía nhà máy, cạnh tranh là yếu tố sống còn, đòi hỏi tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị điều hành, giảm chi phí để tự tin bước vào giai đoạn cạnh tranh tới.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm