| Hotline: 0983.970.780

Miễn chê thịt lợn sinh học

Thứ Sáu 19/12/2014 , 10:15 (GMT+7)

Miếng thịt lợn luộc săn chắc nóng hổi, khói bốc lên thơm ngậy, nước dùng trong vắt, không có gợn bọt nâu. Đưa vào miệng nhai có vị ngọt đậm...

Đó là sản phẩm thịt sinh học, được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội giới thiệu tại Hội nghị “Đánh giá kết quả chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn sinh học năm 2014; phương hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn sinh học năm 2015 và những năm tiếp theo”, diễn ra tại TX Sơn Tây, ngày 17/12.

Nở rộ phong trào nuôi lợn sinh học

Theo ông Hà Đức Nghi, PGĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, một trong những dấu ấn nổi bật của chăn nuôi thủ đô trong những năm qua là xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học với 2 hình thức chủ đạo: Chăn nuôi lợn hữu cơ và chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học.

Đối với chăn nuôi hữu cơ, trang trại Bảo Châu Farm là đơn vị có sản phẩm từ chăn nuôi hữu cơ đầu tiên tại Hà Nội (được chứng nhận Organic của tổ chức EMRO Nhật Bản từ năm 2011). Trang trại sử dụng thức ăn tự phối trộn và lên men sinh học, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Trong quá trình chăn nuôi hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, các chất tăng trọng và được kiểm soát chặt chẽ theo quy trình từ nguồn nguyên liệu đầu vào của thức ăn. Hiện nay, quy mô tổng đàn lợn thịt của trang trại này là 800 con.

Từ năm 2013, 4 trại chăn nuôi quy mô lớn tại huyện Phúc Thọ và Đan Phượng đã phối hợp với Cty TNHH Thương mại dịch vụ quốc tế Victory Asian để nuôi lợn bằng thức ăn sinh học. Quy mô chăn nuôi 2.000 con/lứa và được giết mổ, sơ chế, đóng gói tại Cty CP Thực phẩm Foodex. Năng lực SX của chuỗi là 182.000 tấn thịt lợn/năm (ngoài ra còn có 160 tấn thịt gà, 55 tấn thịt bò/năm).

HTX Chăn nuôi Hoàng Long cũng triển khai chăn nuôi theo hình thức sinh học từ năm 2013, với quy mô 500 con/lứa. Năng lực SX đạt 100 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu là cung cấp cho thị trường tại chỗ, đặc biệt là cung cấp cho các cơ sở chế biến giò, chả Ước Lễ (Hà Nội).

Với tham vọng tự tạo một chuỗi SX, kinh doanh khép kín, HTX này đã đầu tư thêm hệ thống giết mổ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để nâng giá trị hàng hóa và được người tiêu dùng tin tưởng.

Liên kết SX, giết mổ, chế biến, tiêu thụ

Là một trong những hộ chăn nuôi đi đầu trong việc ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi lợn sinh học trên địa bàn Hà Nội từ quý 4/2013 với quy mô 20 con, ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín) chia sẻ: "Lợn nuôi bằng thức ăn sinh học phải 5 tháng mới được bán, lâu hơn lợn nuôi bằng cám công nghiệp nhưng lại giảm được 80 - 90% mùi hôi thối trong chuồng nhờ thức ăn được phối trộn thêm một tỷ lệ men tiêu hóa vi sinh SHL-100, giúp con vật hấp thu tối đa dưỡng chất, phân thải ra ít chất hữu cơ.

Bên cạnh đó, chất lượng thịt tốt, khi luộc lên nước rất trong (chứng tỏ không có tạp chất), ăn có vị ngọt thơm đặc trưng. Từ những lứa sau, tôi mở rộng quy mô chăn nuôi lên 120 con. Với 4 lứa lợn đã xuất chuồng, các kết quả phân tích đều đảm bảo an toàn VSTP, bán đắt hơn 3 - 4 giá so với lợn thông thường. Hiện tại, gia đình tôi có một cửa hiệu bán thịt tại khu chợ thôn Nội Thôn, thịt ngon nên người mua rất đông".

Theo ước tính của ông Hưng, mỗi con lợn nuôi theo hình thức này cho lãi khoảng 1 triệu đồng. Ngoài việc tự giết mổ và tiêu thụ, ông Hưng đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với Cty TNHH Thực phẩm sinh học Yummyvn để đưa sản phẩm ra thị trường.

Trên cơ sở thành công của các hộ chăn nuôi lợn bằng hình thức sinh học, năm 2014, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tiến hành xây dựng mô hình cho 35 hộ chăn nuôi lợn tại các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn và TX Sơn Tây với quy mô 30 con/hộ. Bước đầu mô hình đạt kết quả tốt. Sản phẩm đầu ra đều được Cty Yummyvn ký kết tiêu thụ. Sau khi kết thúc mô hình hiện nay đã có nhiều hộ tiếp tục vào nuôi lứa tiếp theo, ước tính cung cấp cho thị trường 100 tấn thịt/năm.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Thực phẩm sinh học Yummy, bà Quất Thị Lan Hương cho biết: “Với những hộ chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học, chúng tôi cam kết thu mua cao hơn giá thị trường ít nhất 3 - 4 giá. Những hộ chăm sóc tốt có thể lãi từ 1,2 - 1,4 triệu đồng, hộ nào nuôi không tốt cũng đạt mức lãi 800.000 đồng.

Trường hợp giá cả biến động đột ngột, chúng tôi sẽ tính toán sao cho người nông dân thu lãi ít nhất 500.000 đ/con. Tuy nhiên, những hộ này phải tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật chăm sóc do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đưa ra. Nếu kiểm tra sản phẩm kém chất lượng, dù chúng tôi đã mua rồi vẫn sẽ trả lại bằng mọi giá”.

Theo các chủ hộ chăn nuôi, với giá đầu vào ổn định như hiện nay, 1 kg lợn hơi từ 42.000 - 44.000 đ/kg (gồm chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y, công lao động, khấu hao chuồng trại, tiền lãi ngân hàng và các chi phí khác); bán thịt hơi với giá 52.000 đ/kg (giá bình ổn trong thời gian 1 năm), mỗi con lợn sau khi trừ các chi phí còn lãi từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.

PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội làm cầu nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân để xúc tiến xây dựng chuỗi liên kết SX, tiêu thụ sản phẩm khép kín, tránh những hành vi gian lận thương mại như làm giả thương hiệu để trục lợi. Đồng thời phải kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, chỉ có như vậy ngành chăn nuôi lợn của thủ đô mới phát triển bền vững và hiệu quả được.

Trung tâm tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho UBND TP những chính sách hỗ trợ người dân để họ có điều kiện chuyển đổi sang hình thức chăn nuôi mới; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, vận chuyển hàng hóa đến địa điểm tiêu thụ, ví dụ như hỗ trợ mua xe chuyên dụng. Đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm thịt lợn sinh học để người tiêu dùng biết tới...

Một số định mức kinh tế kỹ thuật trong chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học:

Thời gian nuôi lợn thịt: 6 tháng (4 tháng nuôi bằng cám sinh học).

Chỉ số tiêu tốn thức ăn (FCL): 2,9 - 3,1 kg thức ăn/kg tăng trọng.

Khả năng tăng trọng: 630 - 720 g/con/ngày.

Khối lượng xuất bán: 100 - 110 kg.

Tỷ lệ thịt xẻ: 83/85%.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm