| Hotline: 0983.970.780

Miền quê làm mới mình từ xây dựng nông thôn

Thứ Bảy 15/02/2020 , 07:10 (GMT+7)

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tiến và bà Lý Thị Vê, thôn Bãi Sậy giới thiệu về cây cà gai leo.

Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tiến và bà Lý Thị Vê, thôn Bãi Sậy giới thiệu về cây cà gai leo.

Phấn đấu có nhiều hộ giàu

Tôi trở lại xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) vào một ngày cuối năm 2019. Gần 10 năm rồi miền quê này giờ có nhiều thay đổi.

Ngày tôi về Hà Tiến cùng ông Nguyễn Xuân Sang, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Thanh Hóa trong một hội nghị của ngành về việc đưa giống ngô mới có năng suất chất lượng cao cho đồng bào Hà Tiến sản xuất. Vụ ngô đó, Hà Tiến được mùa người dân phấn khởi lắm.

Vùng Thung Thị của xã Hà Tiến được đánh giá là khó khăn nhất trong sản xuất nông nghiệp của xã. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tống Văn Đoàn thì vùng này trước kia chỉ sản xuất được 1 vụ lúa do không tự chủ được nguồn nước, trong khi người dân vùng này chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng bốn bề là núi đá, rừng cây.

Vì trông chờ vào nguồn nước suối thất thường nên việc sinh trưởng, phát triển của cây lúa không mang lại hiệu quả cho người dân. Chính vì thế, cả vùng đất Thung Thị này, Hà Tiến đã chuyển sang trồng ngô và một số cây màu khác.

Cách đây 3 năm, thực hiện chủ trương xây dựng NTM, Hà Tiến đã giao cho Hội Phụ nữ xã chủ trì việc đi tham quan, học hỏi, kiếm tìm một mô hình kinh tế sản xuất của bất kỳ một địa phương nào trong tỉnh, thấy phù hợp với đồng đất, khí hậu của Thung Thị thì mang giống cây đó về cho người dân làm.

Cây cà gai leo - một dạng cây dược liệu đã phát triển ở một số địa phương, trong đó có huyện Yên Định, cách Hà Trung không xa. Hội Phụ nữ xã đăng ký chủ trì và thực hiện việc đưa giống cây này về cho người dân trồng.

Ông Đoàn dẫn chúng tôi ra ruộng của người dân vùng Thung Thị trực tiếp chứng kiến cây cà gai leo phát triển. Theo mô tả của bà Lý Thị Vê, thôn Bãi Sậy thì việc trồng cây này khỏe hơn sản xuất lúa. Nó không mất nhiều công sức, chi phí đầu tư mà hiệu quả gấp 2-3 so với trồng lúa. Đặc biệt, trong điều kiện khan hiếm nguồn nước như hiện nay đối với sản xuất lúa và ngô thì việc đưa cây cà gai leo vào vùng này là thích hợp.

Một trong những hộ tiên phong đưa cây cà gai leo vào trồng đại trà trên 6 sào ruộng của gia đình là vợ chồng ông Phạm Đinh và bà Mai Thị Bui ở thôn Bãi Sậy đã khẳng định tính hiệu quả của loại cây dược liệu này.

Bà Bui cho biết, mỗi năm cà gai leo cho thu hoạch 3 vụ, mỗi lần cắt ngọn được khoảng 80 kg - 1 tạ/sào, bán theo giá hiện nay là 55 - 60.000đ/kg. Rõ ràng hơn trồng lúa nhiều.

Sản phẩm làm ra từ cây cà gai leo của người dân Hà Tiến.

Sản phẩm làm ra từ cây cà gai leo của người dân Hà Tiến.

Không chỉ có bán thô sản phẩm, ông bà Đinh - Bui còn học được cách nấu cao cà gai leo để bán, nhờ đó mà thu nhập của gia đình ông bà ngày càng khấm khá, nhà cửa khang trang.

Không chỉ có mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, gia đình ông Đinh còn có những cách làm sáng tạo để nâng cao giá trị sản phẩm, bán được cho người tiêu dùng. Ssự chịu khó trong lao động của các thành viên trong gia đình đã khiến khu vườn ông Đinh có nhiều loại hoa quý và nhiều đàn ong cho mật ngọt mang lại thu nhập hàng năm cho gia đình ông khấm khá.

Điều tôi ấn tượng trong gia đình ông chính là sự ấm áp, hạnh phúc vẹn toàn của một  “Tứ đại đồng đường”. Nhìn cuộc sống viên mãn của gia đình ông bà mà tôi thấy miền quê này thật đáng sống.

Toàn huyện Hà Trung có trên 1.000 mô hình kinh tế trang trại, gia trại (tăng 318 trang trại so năm 2010). Có 30 HTX dịch vụ nông nghiệp. Toàn huyện có 248 doanh nghiệp giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động với thu nhập ổn định.

Đến nay, huyện có 14/24 xã đạt xã NTM, 102/137 thôn đạt thôn NTM, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã. Huyện phấn đấu thêm 2 xã Hà Tiến và Hà Thái về đích NTM trong năm 2019. Tính đến hết năm 2018, huyện hoàn thành 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, còn lại 4 tiêu chí đang phấn đấu hoàn thành.

Tái cơ cấu nông nghiệp là cốt lõi

Cùng với Hà Tiến, 24 xã, thị trấn trong toàn huyện Hà Trung tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành để phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Là huyện bán sơn địa, đồi núi xen kẽ với đồng bằng chiêm trũng, bị chia cắt bởi các con sông và dãy núi, Hà Trung xây dựng NTM trong điều kiện có nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Duy Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy thì Hà Trung đã tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế so sánh để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, coi tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM.

Huyện đã tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển SX nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KHKT vào sản xuất nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo trong nông thôn.

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung rà soát, lập quy hoạch phân khu; quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng quy hoạch vùng chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Không gian sống trong lành nơi miền quê NTM Hà Trung của gia đình ông bà Phạm Đinh - Mai Thị Bui ở thôn Bãi Sậy, xã Hà Tiến.

Không gian sống trong lành nơi miền quê NTM Hà Trung của gia đình ông bà Phạm Đinh - Mai Thị Bui ở thôn Bãi Sậy, xã Hà Tiến.

Hỏi ông Bình kết quả tổng thể đó nó được hình thành trên các yếu tố nền tảng nào, ông cho biết, đấy là sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng bộ và quyết tâm của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương đã được triển khai có hiệu quả trong phát triển sản xuất.

Ông Bình kể, đó là chính sách hỗ trợ đường giao thông, kênh mương nội đồng 100 triệu đồng/km; sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhà màng 25.000/m2; hỗ trợ tiền vacxin tiêm phòng gia súc, gia cầm cho hộ nghèo, cận nghèo.

Thực hiện chính sách thưởng cho mỗi xã đạt chuẩn NTM 500 triệu đồng và mỗi thôn đạt chuẩn NTM là 10 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng mới nhà văn hóa thôn 100 triệu đồng/công trình; hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ nghèo, cận nghèo xây nhà tiêu hợp vệ sinh; hỗ trợ cấp quyền sử dụng đất để xây dựng công sở xã.

Ngoài ra còn có các cơ chế hỗ trợ cải tạo vùng cấy lúa kém hiệu quả, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, trợ giá giống, hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp với mức 10% giá trị trên hóa đơn; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng trường chuẩn quốc gia…

Hà Trung đã xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng hiệu quả cao ở 10 xã. Mô hình cơ giới hóa trong SXNN đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động mùa vụ. Mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như trồng lúa nếp hạt cau xã Hà Lĩnh quy mô 120ha; nếp cái hoa vàng xã Hà Long quy mô 100ha, năng suất 4 tấn/ha, giá trị gấp 2 lần so với sản xuất lúa tẻ thông thường…

Địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa 1 vụ sang nuôi trông thủy sản, giá trị trên 100 triệu đồng/ha; phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng (Đông - Phong - Ngọc) với diện tích 93 ha đồng thời thực hiện mô hình sản xuất công nghệ cao, nuôi công nghiệp, bán công nghiệp đang cho thấy hướng đi đúng đắn.

Nhìn lại 10 năm trong phong trào xây dựng NTM, chính quyền và nhân dân huyện Hà Trung thực sự tự hào. Đó không chỉ là thành quả của sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện mà còn là sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành Trung ương, của tỉnh và cộng đồng các doanh nghiệp.

Cà gai leo là cây thảo dược được nghiên cứu với các công trình khoa học cấp nhà nước. Nó có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh về gan. Dùng thân và rễ cây cà gai leo khô 50 - 60g/người/ngày. Trước khi sử dụng đem rửa sạch, sau đó đun sôi với 1 lít nước duy trì thời gian sôi trong 20 phút, chắt nước ra uống hàng ngày hoặc dùng cà gai leo đã rửa sạch, tráng qua nước sôi sau đó cho 0,7 lít nước sôi hãm trong 30 phút với bình giữ nhiệt để uống dần trong ngày.

(Kiến thức gia đình số 7)

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.