| Hotline: 0983.970.780

Miền quê yên ả...

Thứ Sáu 04/02/2022 , 15:15 (GMT+7)

Trong tâm tưởng của nhiều người, quê nhà là bến đỗ bình yên. Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết: 'Anh cùng em qua bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả...'.

 

Là nỗi nhớ của người lính Trường Sơn hướng về quê hương anh xa lắm. Nơi ấy cũng đang vất vả với trọng trách hậu phương lớn “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hồi ấy quê nhà cũng không thật sự bình yên. Cùng cả nước vì tiền tuyến lớn miền Nam, làng quê ấy cũng phải trải qua nhiều tháng năm bom đạn Mỹ đánh phá...

Cùng bươn chải với cả nước trong thời kỳ đổi mới, làng quê đã đổi thay và hơn xưa nhiều lắm. Cảnh quan của “Nông thôn mới” tô điểm cho những cánh đồng luôn đúng hẹn với mùa vàng. Đường sá phong quang, nhà cửa, tiện nghi khá hiện đại đang dần thay cho “lũy tre, mái rạ”, những thứ có thể nên tranh nên nhạc, nhưng cũng thật nghèo khổ, xa xăm...

Miền quê nông thôn đã đủ đầy hơn rồi nhiều rồi nhưng cũng còn nhiều chuyện bận lòng. Về làng hôm nay, đôi chỗ thấy không khác thị thành là mấy. Đầu làng cũng thấy có quán karaoke, cũng có quán gội đầu làm móng, cũng có bàn bi a, quán nhậu bình dân và cầm đồ, cho vay lãi... Cuộc sống làng quê hôm nay có vẻ như khá xô bồ, phức tạp.

Trai gái làng cũng có những mái đầu thời thượng, vàng hoe hoặc lập lòe ngũ sắc như đuôi cá cờ. Mặt mũi mấy cô cậu ấy vẫn hiền khô, vẫn nhanh nhảu chào hỏi người làng, chỉ mỗi tội quần áo sao lại xơ tướp, sờn rách như cố tình cào ra vậy...

Tụi nó giải thích: Mốt đấy! Mấy ông bà lão băn khoăn, rằng con cháu ăn mặc vậy mà đội mâm lễ hầu đình, có khi “các ngài” không thông cảm, lại quở cho thì khốn. Khốn từ đâu thì chưa biết, nhưng khốn vì đời thì cũng đã có. Trong xóm cũng có mấy đứa đã sa vào vòng cờ bạc, lô đề, cá độ đã mất khối tiền của cha mẹ, rồi phải lang thang những đâu không ai biết... Rõ khổ!  

Về làng những năm gần đây thấy người vắng hoe, bụi tre khóm chuối cũng phờ phạc như thiếu hơi người. Đã có lúc người trong làng đi cả, bởi những lo toan sinh kế của đời thường. Nhà nào cũng chỉ còn ông già, bà cả với lũ trẻ tuổi đến trường. Thanh niên trai tráng đi làm xa cả rồi. Phải khỏe, phải nhanh mới làm công nhân được. Họ rời quê nhà để đến với những cái làng mới - làng công nhân quanh các khu công nghiệp.

Ruộng đồng lại một lần nữa chắt chiu gửi vốn quý nhân lực của mình cho công nghiệp hóa. Họ đấy, bộ đồng phục doanh nghiệp, đôi giày và đôi găng “bảo hộ” chỉ che đi chứ chưa làm nhạt được những móng chân còn nâu dấu phèn chua đồng làng, hay những bàn tay thô tháp bởi công việc thổ mộc.

Quen với gió đồng, nhiều người cứ gặp khí điều hòa của xưởng là ho, là “say”. Nhịp sống và làm việc của công nghiệp gấp gáp hối hả, lúc nào cũng như “vào vụ”. Và, không phải ai cũng quen được. Có người đành phải buông, cả hợp đồng, cả lương thưởng và bảo hiểm... Họ lại quay về miền quê yên ả. 

Hàng năm chỉ đến gần tết làng mới vui lên một chút. Người đi “làm ăn” ở tứ phương lục tục về với gia đình, quê hương. Cũng vì thế, cảm giác ngóng đợi thường xuyên trong những ngày cuối năm. Người trong làng thường hỏi thăm nhau, rằng đứa nọ đứa kia nhà bà đã về chưa... Rằng năm ngoái chúng nó về còn kịp gói bánh cho cả mấy nhà trong xóm. Đi làm trong Nam lâu vậy mà chưa thấy vợ con gì, nhỉ... Còn người ở xa thì bỗng thấy thèm mong một cái gì đó, gồm cả hình ảnh, hương vị, âm thanh của con người và sự kiện.

Vâng, đó là ký ức của người đi làm xa về quê hương những ngày áp tết.

 

Năm nay làng quê đón những đứa con đi làm xa về sớm hơn. Bệnh dịch hoành hành, công việc đình đốn trong những ngày “phong tỏa”, “giãn cách”. Nhà nước và chính quyền các địa phương đã nỗ lực trợ giúp; các tổ chức và các nhà hảo tâm đã làm khá nhiều để cuộc sống của họ bớt đi bức bách. Nhưng không việc làm, không thu nhập, chút tiền tích lũy cạn dần, nhiều công nhân xa xứ đã chọn đường về quê. Một lối thoát lánh bất đắc dĩ, nhưng có lẽ cũng chẳng còn lựa chọn nào hơn trong khi chờ đợi dập dịch.

Có người từ trong Nam, có người gần hơn từ những tỉnh lân cận trở về. Người được địa phương bố trí xe hồi hương, người rủ nhau đi bằng xe máy và đủ mọi thứ phương tiện khác. Họ về quê cùng với tờ xét nghiệm “âm tính” như một giấy thông hành thời dịch Covid 19 và bao câu chuyện cảm động từ tình người dọc đường thiên lý...

Trong thời buổi kinh tế thị trường nhưng không phải mọi giá trị đều bị quy thành tiền, mọi thứ đều là hàng hóa. Người sống bên quốc lộ, giờ đây thấy một đoàn xe máy chạy theo hướng Nam - Bắc là biết anh em công nhân đang về quê tránh dịch. Họ bảo nhau cùng hỗ trợ. Cùng là bà con mình cả. Những suất cơm từ thiện, chai xăng không đồng, sửa xe miễn phí, một chốn nghỉ chân... giúp cuộc lữ hành.  Nhiều lắm những nghĩa cử ân cần, đậm tình cộng đồng cùng nhau chia sẻ và làm vợi bớt những khó khăn do đại dịch.

Có cả những linh hoạt về quy tắc. Hầm Hải Vân vốn chỉ dành cho ô tô qua lại nhưng các cơ quan quản lý và kiểm soát đã thống nhất mở từng đợt để các đoàn xe máy đi qua, tránh cho bà con một cung vượt đèo vất vả và nguy hiểm. An sinh xã hội giờ đây không còn là công việc của cơ quan chức năng mà là mối quan tâm của toàn xã hội. Tất cả đồng lòng, dưới trên gắng sức cùng vượt qua đại dịch.      

Dịch bệnh dần được khống chế, lao động từ các miền quê đang trở lại doanh nghiệp cùng cả nước ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

Nhưng có một tâm thế mới đang lan tỏa và làm yên lòng người. Một điều gì đấy giống như tình cảm của “người làng” đang trải rộng khắp đất nước. “Tình làng nghĩa xóm”, “tắt lửa tối đèn có nhau”. Ứng xử thuần hậu và đẹp đẽ ấy ấy vốn xuất phát từ những miền quê yên ả.

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid vô địch Laliga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.