| Hotline: 0983.970.780

Miền tây xứ Thanh thay da đổi thịt nhờ cây mía

Thứ Ba 04/06/2024 , 08:00 (GMT+7)

THANH HÓA Cụ Thi bảo, cây mía có công lớn với đất và người nơi đây. Cây mía đã nuôi sống nhiều thế hệ dân làng, thay da đổi thịt vùng đất khó.

Đổi mía lấy gạo 

Con trai cụ Lê Thị Thi hiểu nhầm tưởng tôi là cán bộ đến nhà vận động gia đình trồng lại cây mía nên đắn đo: “Để tôi bàn với gia đình đã. Việc này mình tôi không quyết được. Nếu có trồng mía cũng phải làm hết vụ sắn mới tính được vì sắn đang được giá”.

Đã gần chục năm nay, gia đình cụ Thi và người dân thôn 7 (xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) không còn trồng mía trên vùng đồi cạnh nhà. Vậy nhưng mỗi khi nhắc đến cây trồng này, cụ vẫn tâm tư lắm. Cụ hỏi bâng quơ như thể gợi lại chuyện chợt nhớ đến: “Giá mía năm nay bao nhiêu chú?". Tôi đáp: “Tốt hơn nhiều so với mọi năm, thưa cụ”. Cụ Thi tần ngần có vẻ tiếc nuối điều gì đó. Có lẽ thời cụ, cây mía chưa có giá trị như bây giờ.

Cụ Lê Thị Thi (thôn 7, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nhớ về một thời gắn bó với cây mía. Ảnh: Văn Hùng.

Cụ Lê Thị Thi (thôn 7, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nhớ về một thời gắn bó với cây mía. Ảnh: Văn Hùng.

Cụ Thi kể: Trước đổi mới, vùng đất đồi xã Xuân Phú là "thủ phủ" tre luồng của huyện Thọ Xuân. Bởi vậy, kinh tế người dân chủ yếu phụ thuộc vào khai thác lâm sản và trồng sắn. Cũng may, đất thương người, cảm thông với nỗi vất vả của nông dân nên cây sắn vẫn mọc lên tươi tốt đến lạ thường.

Cụ Thi nhớ lại, cây sắn khi ấy được bà con quen gọi với tên “sắn gạc nai” bởi củ bé, năng suất thấp. Người dân sau khi thu hoạch sắn, sơ chế và thái thành lát mỏng, phơi khô để ăn dần trong năm. Có gia đình không trồng được sắn thì đi gánh củi đổi lấy sắn. Mỗi gánh củi đổi được hơn một bơ sắn. Thời ấy, nhiều người dân nơi đây được cứu đói nhờ sắn. Hết vụ sắn, người dân lên rừng đào củ mài, măng nứa làm thực phẩm chống đói.

5 đứa con cụ Thi ăn sắn thay cơm hết ngày này qua tháng nọ, chán đến mức thở dài ngao ngán. Vòng luẩn quẩn nghèo đói cứ bám riết lấy người dân vùng bán sơn địa mấy chục năm mà họ vẫn chưa tìm ra lối thoát. Tuy vậy, theo thời gian, cây sắn không còn là cây trồng ưu thích của nông dân vì nó khiến đất dễ bị "tổn thương" và mất công sức cải tạo. Chán sắn, dân chuyển sang trồng mía...

Cụ Thi không nhớ chính xác ngày cây mía xuất hiện trên vùng đất này, nhưng kỷ niệm về cây mía vẫn in đậm trong tâm trí bà lão. Cụ bảo: Ngày cán bộ đến vận động dân trồng mía, họ đem cả giống, phân bón của nhà máy đường giao cho dân canh tác, chỉ đưa ra điều kiện khi nào thu hoạch thì nhập mía cho nhà máy đường, sau khi các hộ lấy tiền bán mía phải thanh toán tiền giống, phân bón cho nhà máy. Dân trong xã khi đó ai cũng phấn khởi vì không mất tiền đầu tư lại được cấp giống đến tận chân ruộng nên hăng hái tham gia đăng ký trồng mía.

Những cánh đồng lớn mía nguyên liệu ngày nay của Lasuco đã được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giúp giảm nhiều chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng mía. Ảnh: Lasuco.

Những cánh đồng lớn mía nguyên liệu ngày nay của Lasuco đã được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giúp giảm nhiều chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng mía. Ảnh: Lasuco.

Có được “cần câu cơm”, dân thi nhau trồng mía trên những chân đồi cạnh nhà theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Họ bàn nhau lập tổ đội sản xuất, đổi công để hoàn thành kế hoạch trồng mía được giao. Chả mấy chốc, người dân đã biến một vùng đất đất đồi rộng hàng trăm ha trở thành vùng trồng mía trù phú. Vụ đầu tiên, sản lượng mía của gia đình cụ Thi đạt sản lượng cao nhất xã. Bau đầu cụ tính bán mía lấy tiền, nhưng sau cùng lại quyết định đổi mía lấy gạo ăn. Đời cụ chưa được mấy bữa no, nay có gạo ăn, cụ và mấy con mừng rơi nước mắt.

“Khi bán mía cho nhà máy đường, họ hỏi dân muốn lấy tiền hay đổi mía lấy gạo. Ngày ấy đói lắm. Đói đến xanh xao người nên dân quyết định lấy gạo ăn chứ nghĩ gì đến chuyện tiền bạc. Một tấn mía khi đó đổi được mấy chục kg gạo, đủ cho bọn trẻ ăn dè trong vài tháng. Lúc có gạo, chỉ cần độn thêm ít sắn nữa là đủ bữa cho mấy đứa trẻ. Có nhà máy đường, dân mới có cái bụng ấm và hết cảnh đi rừng gánh củi để bán lấy sắn ăn qua bữa”, cụ Thi kể.

Có gạo, nhưng cụ Thi vẫn quen thói ăn dè. Đứa con út nhà cụ chỉ ăn sắn độn cơm được vài hôm rồi chán lất. Bởi vậy, nó cứ chờ anh chị em ăn xong bữa rồi dành lấy phần cơm cháy ở đáy nồi để lót dạ. Kể từ vụ mía thứ 2 trở đi, người dân quyết định bán mía cho nhà máy lấy tiền để mua sắm, trang trải cuộc sống hằng ngày.

Người dân Thanh Hóa đổi đời nhờ nghề trồng mía. Ảnh: Văn Hùng.

Người dân Thanh Hóa đổi đời nhờ nghề trồng mía. Ảnh: Văn Hùng.

Cụ Thi bảo, nếu không có cây mía, chắc cụ không còn trên cõi đời này nữa. Có lần cụ ốm thập tử nhất sinh, phải ra Hà Nội phẫu thuật gấp. Cũng may vụ mía trước cụ bán được giá và dành dụm được vài chục triệu đồng nên có khoản đỡ đần lúc ốm đau, bệnh tật. Mấy đứa con cụ cũng nhờ vạt mía sau nhà mà được ăn học tử tế. Thời còn trồng mía, trung bình mỗi năm cụ Thi thu về 40 triệu đồng nên mọi sinh hoạt trong nhà khá ổn thỏa.

Sức cụ Thi mấy năm nay yếu hẳn đi. Cụ bỏ nghề trồng mía đã lâu nhưng còn vương vấn lắm. Cụ từng coi cây mía là khúc ruột của mình. Cụ bảo, không nỡ bỏ cây mía nhưng sức già không kham nổi. Cây mía có công lớn với đất và người nơi đây. Cây mía đã nuôi sống nhiều thế hệ dân làng và hồi sinh vùng đất khó. Đến giờ, cụ Thi vẫn đau đáu với cây mía...

"Cuộc cách mạng" năng suất mía

Kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) có từ gần nửa thế kỷ trước. Việc xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa được Lasuco xem là sứ mệnh xuyên suốt từ đầu thời kỳ đổi mới đến nay.

Theo đó, ngoài các vùng mía nguyên liệu truyền thống (Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Thường Xuân), Lasuco tiếp tục ghi dấu ấn bằng việc phát triển vùng nguyên liệu về phía tây bắc Thanh Hóa với điểm đến là huyện Bá Thước. Đây cũng là bước đi tiếp theo của doanh nghiệp với tham vọng sẽ dời nhà máy số 1 lên Bá Thước nhằm xây dựng khu công nghiệp mía đường với quy mô 6.000 tấn/năm, đảm bảo diện tích trồng mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy trong 30 - 35 năm. 

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc Lasuco (bên trái) giới thiệu hoạt động của nhà máy. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc Lasuco (bên trái) giới thiệu hoạt động của nhà máy. Ảnh: Quốc Toản.

Chiến dịch thần tốc mở vùng nguyên liệu với sự giúp sức của chính quyền địa phương nhằm động viên bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng mía được thực hiện trong 2 năm. Năm 2012, tức chỉ sau 1 năm đặt cơ sở tiền trạm của Lasuco trên huyện vùng cao Thanh Hóa, vùng nguyên liệu đã được phát triển lên diện tích hơn 1.600ha với hàng nghìn hộ dân tham gia. Mỗi năm huyện Bá Thước cung ứng cho Nhà máy đường Lam Sơn hơn 1.000 tấn mía nguyên liệu.

Người dân Bá Thước từ chỗ chỉ biết tới cây luồng và cây măng rừng nay đã có thêm sinh kế mới. Đời sống của người dân huyện miền núi nghèo khi ấy chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo từ 48% năm 2010 đến 2013 giảm còn 18% nhờ trồng mía. 

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc Lasuco cho biết, việc mở rộng vùng nguyên liệu mía tại nhiều địa phương trong tỉnh gặp khá nhiều khó khăn do người dân đã quen với cây trồng truyền thống (lúa, ngô, khoai, sắn). Bởi vậy, nếu không có sự kiên nhẫn trong quá trình vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì mọi việc sẽ trở nên bế tắc.

Khoảng năm 2008, để mở rộng vùng mía 80ha tại xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn), lãnh đạo nhà máy đường phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức tới 56 cuộc họp thuyết phục dân chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Vậy nhưng nhiều người dân lo mất đất nên không đồng ý hợp tác.

Hiện nay, năng suất của nhiều vùng mía nguyên liệu của Lasuco đã được nâng lên từ 100 - 120 tấn/ha. Ảnh: Lasuco.

Hiện nay, năng suất của nhiều vùng mía nguyên liệu của Lasuco đã được nâng lên từ 100 - 120 tấn/ha. Ảnh: Lasuco.

Chính từ băn khoăn này, Lasuco đã áp dụng chính sách trả tiền thuê đất cho dân với mức 24 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra người trồng mía được hỗ trợ vật tư, cây giống và được hưởng lợi từ sản lượng mía thu hoạch. Con em của nông hộ cho nhà máy thuê đất trồng mía sẽ được tuyển vào làm việc tại nhà máy sau khi được đào tạo nghề. Sau khi nhận thấy lợi ích, người dân đã đồng ý chuyển đổi cây trồng và cam kết đồng hành lâu dài với Lasuco.

Gần nửa thế kỷ gắn bó với cây mía, bộ mặt nông thôn vùn bán sơn địa phía tây Thanh Hóa đã chuyển biến rõ rệt. Lasuco cùng với bà con nông dân đã tạo dựng một vùng nguyên liệu mía hơn 15.000ha ở 4 nông trường quốc doanh, 212 xã của 11 huyện trung du, miền núi Thanh Hóa.

Từ chỗ cây mía như "cây củi khô", năng suất chỉ vài chục tấn/ha, hiện nay nhiều vùng mía nguyên liệu của Lasuco năng suất đã nâng lên 100 - 120 tấn/ha với hàm lượng đường cao, góp phần tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo sự gắn kết giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông dân và công nhân nông nghiệp. Sự hình thành vùng chuyên canh mía đường làm sống dậy một vùng đất trống đồi núi trọc trung du miền núi, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ sản xuất tự cấp, tự túc chuyển sang sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.