| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung - Tây Nguyên tạo việc làm cho lao động từ miền Nam trở về

[Kỳ 3] Mong ước việc làm ngay tại quê hương và cầu nối của chính quyền

Thứ Tư 06/10/2021 , 10:16 (GMT+7)

Đăk Nông và Đăk Lăk có hơn 100.000 công nhân về quê bởi dịch Covid-19 đã được chính quyền địa phương tạo việc làm mới ngay tại quê hương bằng nhiều phương án hỗ trợ.

Mong một cuộc sống ổn định ở quê hương

Trong đợt dịch vừa qua, từng đoàn người nối đuôi nhau từ các tỉnh phía Nam chủ yếu là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai lần lượt về địa phương để tránh dịch. Cụ thể, hơn 90.000 công nhân, người lao động, sinh viên về Đăk Lăk. Còn tại Đăk Nông có số này là hơn 10.000 người.

Những ngày qua, Trung tâm giới thiệu việc làm Đăk Lăk hoạt động liên tục để kết nối cung cầu việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Quang Yên.

Những ngày qua, Trung tâm giới thiệu việc làm Đăk Lăk hoạt động liên tục để kết nối cung cầu việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Quang Yên.

Chị Nguyễn Thị Lệ Quyên (ngụ phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, Đăk Nông) cho biết, trước dịch chị làm công nhân tại tỉnh Bình Dương với thu nhập mỗi tháng hơn 12 triệu đồng. Với số tiền này, chị và con trai hơn 3 tuổi có cuộc sống dư dả.

Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, công ty đóng cửa nên chị phải dẫn con trai về nhà bố mẹ để sống nhờ và phụ giúp gia đình bán quán nước giải khát.

“Trong thời gian sống tại Bình Dương do công ty đóng cửa nên tôi cũng dần tiêu hết số tiền tiết kiệm được từ đầu năm. Hiện Bình Dương cơ bản kiểm soát được dịch nhưng các ca nhiễm vẫn còn cao nên tôi không dám quay lại đây. Khi về quê tôi đã đăng ký lớp học nấu ăn online với mong muốn sau này có thể chuyển qua làm đầu bếp. Về nhà, bố mẹ cũng muốn ở lại quê hương để làm việc cho gần gia đình. Do đó tôi đăng ký lên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để khi nào có doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thì làm cầu nối, giới thiệu cho tôi”, chị Quyên chia sẻ.

Tương tự, chị Đinh Thị Thúy (ngụ huyện Ea Kar, Đăk Lăk) cùng chồng từ TP. HCM về quê tránh dịch hơn 3 tháng nay. Hiện TP. HCM đã bước đầu mở cửa nhưng chị Thúy cho biết sẽ cùng chồng ở lại quê để làm việc, làm giàu trên ngay quê hương mình.

“Trước 2 vợ chồng làm công nhân ở TP. HCM, hàng tháng gửi tiền về quê nuôi con. Giờ 2 vợ chồng đều ở nhà và mong muốn chính quyền kết nối để vào làm cho một doanh nghiệp tại địa phương để có cuộc sống ổn định trên quê hương mình”, chị Thúy nói.

Vào HTX để phát triển nông nghiệp, nông thôn

Để hỗ trợ cho số lao động về quê tránh dịch ổn định cuộc sống, chính quyền Đăk Nông và Đăk Lăk đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch giúp đỡ.

Chính quyền địa phương lên phương án kết nối, hỗ trợ hàng nghìn công nhân về quê tránh dịch. Ảnh: Quang Yên.

Chính quyền địa phương lên phương án kết nối, hỗ trợ hàng nghìn công nhân về quê tránh dịch. Ảnh: Quang Yên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Đăk Nông cho biết, UBND tỉnh đã giao các đơn vị rà soát, lên kế hoạch giúp đỡ các công nhân trở về địa phương tránh dịch trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, UBND tỉnh giao Trung tâm Giới thiệu việc làm lập danh sách các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng, đào tạo lao động. Tỉnh cũng giao các huyện, thành phố rà soát danh sách công nhân, người lao động về địa phương để có phương án hỗ tợ, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.

Tương tự ông Nguyễn Quang Thuân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Đăk Lăk cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng kế hoạch hỗ trợ các công nhân về địa phương trong đợt vừa qua.

Theo ông Thuân hiện Sở đã cơ bản xây dựng xong dự thảo. Tuy nhiên, khi Sở yêu cầu các địa phương khảo sát số lượng công nhân về thì số liệu còn chưa chính xác.

“Qua nắm bắt của Sở thì có gần 90.000 công nhân từ các tỉnh về địa phương để tránh dịch, dự những ngày tới lao động ở phía Nam vẫn tiếp tục về quê tránh dịch. Tuy nhiên, các huyện, thành phố lại báo cáo con số ít hơn. Do đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố khảo sát lại, trên sơ sở này mới hoàn thiện phương án để trình tỉnh thông qua”, ông Thuân nói.

Theo ông Thuân, đối với số lao động trở lại nơi làm việc cũ, Sở đề xuất UBND tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin để họ đủ điều kiện quay lại doanh nghiệp cũ làm việc. Còn đối với lao động ở lại quê nhà, Sở kết nối với các doanh nghiệp trong tỉnh và đào tạo nghề khi họ có nhu cầu.

“Chúng tôi đã chỉ đạo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thống kê số lượng, danh sách và nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó đơn vị này sẽ có hướng dẫn, tư vấn cho số lao động có nhu cầu làm việc tại địa phương”, ông Thuân chia sẻ.

“Sở rất nóng lòng để hoàn thiện phương án nằm hỗ trợ các lao động trở về địa phương. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải chờ báo cáo danh sách và nhu cầu cụ thể từ các huyện. Nguồn lao động về từ các tỉnh dồi dào. Nhưng các doanh nghiệp tại Đăk Lăk chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa nên tỷ lệ sử dụng lao động sẽ thấp. Hiện có một công ty sản xuất giày da và may mặc chuẩn bị xây dựng tại địa phương. Nếu công ty này đi vào hoạt động sẽ thu hút được hơn 2.000 lao động, giúp giải quyết số lượng lớn nhu cầu việc làm”, ông Thuân nói.

Vị Phó Giám đốc cho biết thêm, nếu các doanh nghiệp tại địa phương không giải quyết định được nhu cầu việc của số lao động này thì Sở sẽ vận động họ quay lại doanh nghiệp trước đây để tiếp tục công việc. Trong trường hợp không được nữa thì sẽ bố trí họ vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản và ngành nghề nông thôn.

“Việc này cần có sự vào cuộc của nhiều sở, ngành, địa phương để tham gia xử lý chứ nguồn lực của tỉnh cũng khó. Tỉnh đang vận dụng các chính sách, cái nào sử dụng được căn cơ này thì sẽ áp dụng”, Phó Giám đốc Nguyễn Quang Thuân nói thêm.

"Đối với số lao động ở lại quê làm việc, nếu không tìm được đúng nghề trước đây thì sẽ cho tổ chức học nghề cho họ để chuyển đổi vị trí việc làm. Số lao động khác ở lại quê hương mà chưa có tay nghề thì sẽ có đào tạo nghề nghiệp, nông thôn để tổ chức sản xuất, kinh doanh ngay trên mảnh đất của mình, đồng thời hỗ trợ vay vốn để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh", ông Nguyễn Quang Thuân.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

DT Group nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt

Khánh Hòa Việc DT Group được vinh danh với giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã khẳng định cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, uy tín và chất lượng của thương hiệu rong nho.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.