Năm 2012 xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (TP Hà Nội) bắt tay vào xây dựng NTM với hiện trạng chỉ đạt được 3/19 tiêu chí gồm bưu điện, điện và quy hoạch. Khó khăn bộn bề bủa vây người dân nơi đây, mà khổ nhất là cơ sở hạ tầng rất lạc hậu.
Một đoạn đường NTM |
Trước khi xây dựng NTM xã có 8 thôn nhưng lại chỉ có 2 nhà văn hóa nên sinh hoạt thôn đành phải nhờ nhà trẻ, đình, chùa. Đất công hiếm hoi đã đành lại không nằm trong cụm dân cư mà ở rìa làng nhưng nhà văn hóa cần phải ở giữa làng để cho cả thôn tiện sinh hoạt.
Để giải quyết nan đề đó, cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn cùng vào cuộc. Ở các thôn tiến hành cuộc vận động đổi đất công với đất của dân để xây nhà văn hóa. Mỗi khuôn viên nhà văn hóa rộng 500- 600m2 cần phải đổi 3-5 miếng đất rồi dân tự giải phóng mặt bằng, thôn gộp lại làm một.
4 nhà văn hóa đã được hình thành ở trung tâm các làng nhờ vào chuyện đổi đất như vậy. Các nhà văn hóa khác tuy không phải đổi đất nhưng đều có sự đóng góp của dân.
Trên chỉ cho kinh phí xây dựng cái khung nhà còn toàn bộ nội thất là dân tự nguyện đóng góp bằng cách chia đều theo đầu người. Thiếu đâu các nhà hảo tâm sẽ tự nguyện góp thêm, người cái ti vi, người bộ loa đài, người mấy chục ấm chén…
Khi 8 nhà văn hóa mọc lên khang trang giữa các khu dân cư, các phong trào thể dục thể thao hay lập tủ sách cũng được thành hình. Các di tích lịch sử như giá ngự, như giếng đền, giếng văn, cổng làng đều được người dân tự nguyện đóng góp dựng xây. Nếp sống văn hóa mới dần thành hình.
Tự Nhiên tự hào không chỉ có môi trường trong sạch nhất nhì huyện nhờ mỗi cụm dân cư đều bố trí đội thu gom rác thải hàng ngày mà còn có những nét văn hóa rất đẹp. Mỗi khi có ai đó trong làng mất, mặt trận tổ quốc, hội người cao tuổi thôn sẽ đến vận động tổ chức lễ tang văn minh.
Bởi thế đám tang trước rình rang 50 mâm giờ chỉ còn gói gọn trong gia đình nội tộc chừng 5-7 mâm. Mỗi khi có cặp đôi nào chuẩn bị tổ chức cưới cũng được vận động cưới tiết kiệm. Bởi thế đám cưới trước đây hoành tráng trên 100 mâm giờ gói gọn chỉ còn chừng 50-60 mâm.
Nếu chuyện đổi đất để xây dựng nhà văn hóa diễn ra khá suôn sẻ thì chuyện giải phóng mặt bằng để mở đường lại khó ngang dời non, lấp bể. Năm 2007, xã Tự Nhiên được cấp chút ít ngân sách nên đã đầu tư được 3-4 km trục đường chính bằng bê tông, còn lại mấy chục km đường quanh làng, ngoài xóm đều bằng đất hay rải đá răm, trời nắng bụi lầm, trời mưa lầy lội đến nỗi phải vác cả xe đạp.
Một nhà văn hóa thôn |
Các dự án mở đường giao thông nông thôn khi giải phóng mặt bằng thường rất khó vì không có kinh phí hỗ trợ, đền bù. Xã tổ chức họp dân từng cụm để tuyên truyền việc mở đường theo nguyên tắc làm đường vào nhà ai nhà đấy ủng hộ, tự giải phóng mặt bằng, không tính diện tích theo sổ đỏ của gia đình bị hụt đi bao nhiêu m2 để mà đòi đền bù, hỗ trợ.
Anh Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã bảo với tôi rằng, giải phóng mặt bằng là công việc vô cùng mệt mỏi nên một số xã khác thấy nản liền bỏ nhưng Tự Nhiên thì không. Đường xá chật chội, lầy lội càng làm cho lãnh đạo xã thêm quyết tâm.
Họ vạch kế hoạch giải phóng mặt bằng như mở một trận đánh. Phải tính toán tất tật, đoạn đường đó có bao nhiêu hộ dân, thành phần dân thế nào, trình độ hiểu biết ra sao, hoàn cảnh từng gia đình một, ai là chủ, ai là người có ý kiến quyết định trong gia đình. Xong đâu đó sẽ phân loại ra ai ủng hộ mở đường, ai không ủng hộ.
Có lắm người còn gay gắt: “Các ông là cán bộ chứ có phải là giặc đâu mà phá cổng, phá rào, phá nhà của người dân?”. Thậm chí có kẻ còn đe dọa, quyết “sống mái” với cán bộ mở đường. |