Bên cạnh đó, anh còn trồng rất nhiều cây cảnh có giá trị. Anh là người tiên phong ở địa phương làm giàu từ mô hình kết hợp này, với mức thu nhập mỗi năm 700 triệu đồng.
Anh Duy giới thiệu mô hình sản xuất đất sạch. |
Đầu năm 2016, được sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc, anh Duy đã nghiên cứu làm đất sạch từ các phụ phẩm nông nghiệp, không tốn nhiều chi phí, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời còn tạo ra nguồn phân bón giá rẻ có thể thay thế từ 30-70% phân hoá học.
Theo anh, cứ 10 tấn vỏ cà phê thì thuê khoảng 8 công lao động từ khi ủ đến khi thành đất sạch, thời gian ủ 50 – 60 ngày. Trong khi đó, vỏ cà phê không được ủ thì phải mất gần 2 năm mới có thể đem bón cho cây.
Từ việc ứng dụng quy trình làm đất sạch, anh đã thu mua vỏ cà phê, cùi ngô, trấu trong huyện và mụn xơ dừa ở Bình Định, các tỉnh miền Tây để chế biến. Hiện anh đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ đất sạch Duy Nhất. Trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 100 tấn, giá bán 2,5 – 3 triệu đồng/tấn. Khách hàng chủ yếu ở Đắk Nông, Gia Lai…, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động, với mức thu nhập mỗi người từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Đất sạch được anh Duy trồng cây cảnh tại nhà. |
Ông Y Thim Niê (ở Buôn Pan, xã Ea Yông) trồng hơn 2 ha cà phê, cho biết: “Từ khi sử dụng đất sạch của anh Duy, sản lượng cà phê nhân tăng lên đáng kể”.
Để biến những phụ phẩm nông nghiệp thành đất sạch, anh Duy còn sử dụng cả chất thải từ chăn nuôi, như phân heo, bò, dê, gà… ủ với men Trichoderma và than sinh học (được đốt từ trấu, lá cây, rác). Đối với những hộ chăn nuôi nhiều, anh đến tận nhà để ủ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh.
Ngoài sản xuất đất sạch, anh Duy còn mở rộng vườn cây cảnh lên 1.000m2 với nhiều loại cây cảnh bon sai các loại được ưa chuộng như linh sam, hải châu... có giá trị kinh tế từ 3 triệu đồng lên đến trên 150 triệu đồng. Mỗi năm, từ cây cảnh sau khi trừ chi phí gia đình anh có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.