| Hotline: 0983.970.780

Mô hình thí điểm nuôi biển tiên tiến cần nhiều địa phương cùng triển khai

Thứ Tư 06/12/2023 , 09:51 (GMT+7)

Nhiều mô hình nuôi biển đã tạo không khí sôi động trong phát triển nuôi biển, làm tiền đề chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang công nghiệp.

Trong thời gian qua, nhiều chủ trương chính sách về nuôi trồng thủy sản trên biển (hay gọi là nuôi biển) của Đảng, Chính phủ đã được các địa phương ven biển cụ thể hóa và thí điểm triển khai, từng bước tạo nên không khí sôi động trong phát triển nuôi biển của cả nước.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tiến hành thí điểm mô hình nuôi biển: Ảnh: Võ Văn Nha.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tiến hành thí điểm mô hình nuôi biển: Ảnh: Võ Văn Nha.

Từ Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đến Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT trong phát triển nuôi biển ở Việt Nam. Nhiều địa phương ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang đã ban hành kế hoạch hành động, cụ thể hóa Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã xác định, hiện tại nuôi biển đóng vai trò “đặc biệt quan trọng” trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Ông bà ta xưa nay thường nói “trăm nghe không bằng một thấy” mới tin, cho nên việc “nghe” mà chưa “thấy” thì khó để người dân nuôi biển tin và “làm theo”. Do vậy, những mô hình tiến tiến trong nuôi biển cần được triển khai thí điểm, để từ đó có thể đánh giá tính hiệu quả ở từng vùng biển, từng loài nuôi biển cụ thể là một cách làm giúp người dân nuôi biển thỏa mãn mong muốn “trăm nghe không bằng một thấy” mới tin.

Mô hình nuôi biển tiên tiến có thể hiểu là mô hình được áp dụng tích hợp công nghệ nuôi thủy sản bằng vật liệu mới (như vật liệu HDPE, có thể chịu được sóng to, gió lớn), với một hay nhiều công nghệ bổ trợ khác như công nghệ cho ăn tự động, công nghệ giám sát lồng nuôi, thủy sản nuôi bằng việc lắp đặt camera theo dõi hoạt động trên lồng bè và hoạt động sống của vật nuôi; công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ quản lý, sử dụng thức ăn công nghiệp (được bổ sung chế phẩm sinh học, men vi sinh, khoáng chất…) nhằm tối ưu hóa hệ số sử dụng thức ăn.

Nhiều mô hình nuôi biển đã tạo không khí sôi động trong phát triển nuôi biển. Ảnh: Võ Văn Nha.

Nhiều mô hình nuôi biển đã tạo không khí sôi động trong phát triển nuôi biển. Ảnh: Võ Văn Nha.

Ngoài ra, công nghệ quan trắc, giám sát môi trường tự động (đo đạc, quan trắc các yếu tố môi trường cơ bản, có liên quan trực tiếp đến vật nuôi) cũng có thể được tích hợp để chuyển tải toàn bộ cơ sở dữ liệu thu được đến người nuôi biển thông qua hệ thống internet hay điện thoại thông minh (Smart phone).

Như vậy có thể thấy rằng, mô hình nuôi biển tiên tiến, dựa theo luật công nghệ cao năm 2008, cũng có thể hiểu là mô hình nuôi biển công nghệ cao, áp dụng linh hoạt và hiệu quả đa lĩnh vực công nghệ (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa) vào trong mô hình.

Trong đó, công nghệ vật liệu mới HDPE giữ vai trò then chốt, các công nghệ khác như công nghệ thông tin (camera giám sát hoạt động sống vật nuôi…), công nghệ tự động hóa (cho ăn và giám sát môi trường tự động…), công nghệ sinh học (sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh trong quá trình nuôi…) áp dụng bổ trợ, linh hoạt trong từng điều kiện cụ thể ở từng tiểu vùng nuôi biển, từng loài nuôi biển cụ thể.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh từng nói, đã thí điểm có thể thành công hoặc không thành công, nhưng nếu không làm sẽ không biết bao giờ chúng ta mới thành công được. “Vạn sự khởi đầu nan”, câu nói của ông bà ta ngày xưa thường nhắc, cái gì lúc ban đầu làm cũng luôn vất vả, nhưng nếu chúng ta ngại và e dè thì chắc chắn chúng ta không thể giúp được người dân nuôi biển “một thấy” những điểm mới, tiên tiến và tốt hơn so với cách làm truyền thống được.

Do vậy, cần lắm ở nhiều địa phương, có chính sách hỗ trợ triển khai thí điểm những mô hình nuôi biển tiên tiến, áp dụng công nghệ nuôi thủy sản bằng vật liệu HDPE, kết hợp với việc lắp đặt hệ thống camera giám sát lồng nuôi, tôm cá nuôi, sử dụng năng lượng mặt trời; áp dụng mô hình lồng chìm linh động, 2 tầng nuôi tôm hùm, lồng tròn bằng vật liệu HDPE nuôi cá chẽm, cá bớp và cá chim vây vàng như ở huyện Vạn Ninh, thành phố Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa. Có như vậy, chắc chắn sẽ giúp nhiều cho người  tham gia nuôi biển ở địa phương được “một thấy’ trên chính vùng biển nơi mà mình gắn bó cả một đời.

Chính sách hỗ trợ triển khai thí điểm những mô hình nuôi biển tiên tiến ở địa phương, trước hết và trên hết là cần hỗ trợ để chính người tham gia nuôi biển thích ứng với sự thay đổi, sẵn sàng và chủ động thay đổi. Trong đó, cần được quan tâm các vấn đề sau:

Thứ nhất là chính sách hỗ trợ tín dụng, tín dụng gắn liền với việc đảm bảo, bảo hiểm vay vốn của người nuôi biển. Việc chưa được công nhận tài sản đầu tư nuôi biển do chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá trang trại nuôi biển, cùng với việc chưa giao mặt nước nuôi biển cho người tham gia nuôi biển là một trong những vướng mắc dẫn đến việc chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Do vậy, rất cần có sự đảm bảo, bảo hiểm vay vốn từ chính sách hỗ trợ cụ thể của địa phương.

Mô hình nuôi biển tiên tiến được áp dụng tích hợp công nghệ nuôi thủy sản bằng vật liệu mới với một hay nhiều công nghệ bổ trợ khác. Ảnh: Võ Văn Nha.

Mô hình nuôi biển tiên tiến được áp dụng tích hợp công nghệ nuôi thủy sản bằng vật liệu mới với một hay nhiều công nghệ bổ trợ khác. Ảnh: Võ Văn Nha.

Ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương có thể hỗ trợ vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, đặc biệt trong những năm đầu, với tỉ lệ từ 30% trong mô hình đầu tư của người dân nuôi biển; ngân sách địa phương hỗ trợ toàn bộ hay một phần kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai hàng năm đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản biển (vật nuôi, lồng bè, nhà nổi, phương tiện, thiết bị phục vụ nuôi biển) tuỳ thuộc việc đầu tư vùng nuôi biển ngoài 6 hải lý hay từ 3-6 hải lý. Đây là bước đi khác biệt, góp phần tháo gỡ một trong những điểm nghẽn hiện nay trong phát triển nuôi biển ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Thứ hai, mạnh dạn giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản trong thời gian 20-30 năm theo thẩm quyền đã được Luật Thủy sản 2017 đề cập. Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giao khu vực biển trong phạm vi 3 hải lý trở vào đất liền cho người dân nuôi biển khi chuyển đổi nghề từ khai thác sang nuôi trồng hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thuỷ sản được uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam nuôi biển trong phạm vi 6 hải lý trở vào đất liền; Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thuỷ sản ngoài 6 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.

Ưu tiên giao khu vực biển cho người dân nuôi biển, nhất là đối với các cá nhân/tổ chức có qui mô sản xuất lớn (khoảng hơn 50 ô lồng) và trung bình (khoảng 10-50 ô lồng), trong vùng sản xuất đã được địa phương cho phép, sử dụng vật liệu mới làm lồng bè (HDPE, composite…), sử dụng lao động phần nhiều là người cư trú tại địa phương, nơi cơ sở thực hiện nuôi biển, đảm bảo tốt việc bảo vệ môi trường biển.

Thứ ba, hỗ trợ phần thiệt hại cho các cơ sở nuôi biển trong trường hợp xảy ra các rủi ro, sự cố bất thường trong quá trình nuôi (bão lũ bất thường, bùng nổ dịch bệnh, động đất, sóng thần…); áp dụng chính sách gia hạn nợ để khắc phục hậu quả và tái sản xuất dựa theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả các chính sách có liên quan về hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành. Cụ thể, cần chú trọng hơn việc phát triển ngành dịch vụ hỗ trợ nuôi biển như: Hình thành các đội tàu dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi biển theo hướng đa chức năng, từ vận chuyển giống, thức ăn đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Thứ năm, ngân sách nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu vào các vùng nuôi biển tập trung: đầu tư hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi biển; hệ thống quan trắc môi trường tại vùng nuôi biển tập trung. Hỗ trợ từ ngân sách địa phương toàn bộ hay một phần chi phí đào tạo hay hợp tác các Viện/Trường/Doanh nghiệp khoa học công nghệ để chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, phù hợp với địa phương trong nuôi biển; đào tạo kỹ năng, kỹ thuật cơ bản về quản lý nuôi biển, kỹ thuật viên nuôi biển, phục vụ cho phát triển nuôi biển đặc thù ở địa phương mình.

Những mô hình tiến tiến trong nuôi biển cần được triển khai thí điểm. Ảnh: Võ Văn Nha.

Những mô hình tiến tiến trong nuôi biển cần được triển khai thí điểm. Ảnh: Võ Văn Nha.

Mô hình thí điểm phát triển nuôi biển với công nghệ tiên tiến là một bước đi mới trong hành trình vươn ra biển lớn để phát triển kinh tế biển của đất nước. Dẫu biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt, từ việc qui hoạch không gian biển, đến việc chuyển đổi mô hình nuôi từ phương thức nuôi truyền thống lâu đời, rồi nguồn nhân lực chất lượng cao, đến việc mạnh dạn giao mặt nước biển theo thẩm quyền... nhưng “việc khó, không thể không làm được”, không thể lấy những hiểu biết, kinh nghiệm để làm chuẩn đối chiếu và đánh giá về một điều khác, mới mẻ hơn.

Đây cũng là cách nghĩ lớn hơn, nghĩ khác đi những thói quen, nếp nghĩ cũ đã biết được, để không ngừng thu nhận nhiều hơn nữa từ cuộc sống, để không ngừng phát triển và để tiếp tục hành trình thực hiện khát vọng mạnh về biển, giàu từ biển. Để làm được điều này, hãy đi nhiều, học tập nhiều, đón nhận nhiều, để biết rằng sự phong phú và có quá nhiều điều chưa được khám phá trong nuôi biển tiến tiến. Đồng thời với đó, cần tự đặt ra nhiều câu hỏi để hiểu rõ hơn, chẳng hạn như: có cách nhìn nào khác hơn trong nuôi biển không? Đâu là những hạn chế trong phát triển nuôi biển của địa phương mình? Vận dụng, áp dụng nuôi biển tiên tiến như thế nào mới hiệu quả cho địa phương mình? Đâu là điều phù hợp với địa phương mình? Liệu cách áp dụng này có thể cho ra một kết quả khác không?

Và trong khi thế giới đang biến đổi, mỗi người chúng ta sẽ có cảm nhận sự chuyển biến của riêng mình. Còn gì có thể tốt hơn thế? Đây chính là những câu hỏi cần suy nghĩ nếu không thì sẽ bị lùi lại so với sự phát triển. Đừng bao giờ cho rằng đã hết cách, hay đây là cách tốt nhất; đó có thể là cách tốt nhất trong hiện tại, nhưng vẫn có nhiều cách khác tốt hơn trong tương lai.

“Ở ngoài kia đại dương, trăm nghìn con sóng đó, con nào chẳng tới bờ, dù muôn vời cách trở”, thật cảm động những con người với bao đời gắng bó với biển, và giờ đây, chắc chắn người dân nuôi biển cũng đã không chạnh lòng, vì sau lưng họ đã có nhiều sự chung tay góp sức vì một nền nông nghiệp xanh và bền vững.   

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.