Dự lễ tổng kết mô hình có Tiến sĩ Phetmanyseng Sangsayasane, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lúa và Cây công nghiệp; Giám đốc Sở Quy chế; lãnh đạo tỉnh Champasak, tỉnh Xavanakhet và đông đảo bà con nông dân...
Nhằm góp phần đưa các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng trong canh tác lúa tại Lào cho năng suất cao, mới đây Công ty CP BVTV Sài Gòn (SPC) đã phối hợp với Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lâm nghiệp và Phát triển nông thôn Lào (gọi tắt Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp) thực hiện Mô hình canh tác lúa giống tại Na Bong với diện tích 1 ha.
Mô hình sử dụng giống lúa Thadokkham15 có nhiều đặc tính nổi trội và phù hợp với điều kiện canh tác ở Lào do Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp nghiên cứu thành công đồng thời mô hình cũng áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp do viện khuyến cáo trong quyển sổ tay và có sử dụng thuốc của SPC để quản lý cỏ dại và dịch hại.
Tại buổi lễ, PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty CP BVTV Sài Gòn (SPC) cho biết: Mô hình canh tác lúa giống đã triển khai tại Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp với quy mô 1 ha, thực hiện từ tháng 6 đến tháng 11/2023. Qua thời gian làm việc cật lực của đội ngũ chuyên gia, lực lượng kỹ thuật của SPC, cùng với sự hỗ trợ hết mình của cán bộ Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu Lúa và Cây công nghiệp, mô hình trình diễn đã đạt được kết quả cao và thành công tốt đẹp với năng suất ước tính khoảng 4 tấn/1 héc ta.
Song song với việc thực hiện mô hình, SPC cho xuất bản cuốn “Sổ tay kỹ thuật canh tác lúa” do Viện nghiên cứu nông nghiệp và SPC biên soạn. SPC cũng bổ sung nhận diện dịch hại chính trên lúa và biện pháp phòng trừ theo hướng tổng hợp. Điều này giúp nông dân dễ nhận diện dịch hại, phát hiện sớm và phòng trị kịp thời bằng các sản phẩm của SPC.
Ông Nguyễn Minh Tại, Giám đốc Công ty SPC tại Lào cho biết: SPC Lào được thành lập vào năm 2006 tại huyện Bachieng, tỉnh Champasak, trực thuộc SPC. Kể từ khi thành lập tới nay, SPC Lào luôn cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, phòng trị bệnh trên tất cả các loại cây trồng hiệu quả; giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng nông sản nên rất được nông dân tin dùng. SPC Lào cũng trình chiếu clip mô tả từ đầu tới khi kết thúc mô hình trình diễn sản xuất lúa giống rất hiệu quả do SPC thực hiện để nông dân hiểu thêm tường tận, người thật, việc thật.
Để nông dân hiểu rõ hơn về các sản phẩm trong quản lý cỏ dại và sâu bệnh hại, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm, Thạc sĩ Ký Văn Ngọt và Thạc sỹ Huỳnh Kim Ngọc là hai cán bộ kỹ thuật của SPC đã trình bày về Thuốc trừ cỏ: Pyanchor 5EC và Butoxim 60EC và thuốc trị Ốc bươu vàng DIOTO 250EC và Thuốc trừ sâu Sinh học COMDA 250EC.
Kết thúc buổi lễ, PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm: SPC là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón hóa chất phục vụ nông nghiệp. Công ty luôn tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và có các chương trình phối hợp với Chi cục trồng trọt tại các tỉnh thành ở Việt Nam để thực hiện các mô hình áp dụng các quy trình và sản phẩm trong quản lý cỏ dại và dịch hại trên cây trồng.
Mô hình sản xuất Lúa giống tại Lào cũng là một trong các mô hình mà SPC thực hiện.Đây còn là chương trình hợp tác mang ý nghĩa to lớn góp phần thắt chặt mối quan hệ Lào - Việt nói chung, sự hợp tác cùng phát triển giữa Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lâm nghiệp và Phát triển nông thôn Lào với SPC nói riêng. Thông qua chương trình đã giúp nông dân tiếp cận các phương pháp canh tác tiến bộ, gia tăng năng suất, cải thiện thu nhập. Mô hình trình diễn cũng như nội dung cuốn Sổ tay kỹ thuật truyền tải đã mang lại lợi ích hết sức thiết thực và là tư liệu quý giá cho các hợp tác xã sau này.
Được biết, Lúa gạo là cây lương thực chính ở Lào, với hơn 80% đất canh tác được bà con gieo trồng phục vụ tiêu thụ nội đia và xuất khẩu. Nguyên nhân khiến năng suất và sản lượng lúa ở Lào thấp là do thời tiết không thuận lợi, lũ lụt, hạn hán và phương pháp canh tác vẫn theo tập quán cũ…
Việc thực hiện mô hình lúa giống tại Na Bong, bản Phôn Tỏng, huyện Xay Tha Ni, thủ đô Viêng Chăn, Lào đã giúp cho người dân tiếp cận được với các tiến bộ mới của KHKT trong sản xuất nông nghiệp, nhằm thích ứng với tình hình sản xuất của từng khu vực, giúp nâng cao năng suất và chất lượng lúa, phục vụ cho nhu cầu sản xuất gạo đạt chất lượng cao, và tiết giảm đáng kể chi phí.