| Hotline: 0983.970.780

Mô hình trồng cỏ thông minh

Thứ Hai 18/05/2020 , 14:13 (GMT+7)

Ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người thường thấy nông dân be bờ đắp ruộng hay lên đê bao trồng lúa, chứ ít nghe chuyện múc đê bao trồng cỏ.

Cỏ được trồng rất bài bản, khoa học.

Cỏ được trồng rất bài bản, khoa học.

Một nông dân ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có cách làm kỳ lạ, rất độc đáo đó là ông Phó Văn Tới. Với cách làm kiểu mới, thông minh, ông Tới đã lên đê bao toàn vùng gần chục ha đất trồng lúa trước đây với kinh phí trên 250 triệu đồng để triển khai trồng cỏ chăn nuôi bò.

Ông Phó Văn Tới cho biết: Mặc dù khu này là vùng trồng lúa 3 vụ nhưng khi chuyển mùa từ Thu Đông sang Đông Xuân thì lúc đó nước rất nhiều, ngập đồng cỏ do đó tôi phải làm đê bao. Tận dụng hai bờ đê cao tôi trồng mít. Khi lên liếp như thế này thì đất hao, thí dụ như 5 ha còn lại chừng 3 ha mặt bằng thôi nhưng bù lại năng suất cỏ rất cao.

Dù đê bao chiếm diện tích lớn nhưng ngược lại mô hình trồng cỏ của anh Bảy Tới thời gian qua rất hiệu quả. Với cách làm thông minh, mới lạ 3 ha diện tích đất còn lại bên trong đê bao, ông Tới đã lên liếp để trồng cỏ xen lẫn trồng cây ăn trái, bên dưới là ao sâu để lấy nước tưới tiêu, đồng thời ông dự kiến thả cá nuôi để tăng thêm nguồn thu nhập.

Giống cỏ mà ông Tới trồng là giống VA 06 và giống cỏ sả lá lớn, đây là hai giống cỏ rất sợ nước, rễ ăn sâu 2m nên ông chỉ giữ mực nước ao tốt nhất là 1m. Hằng tuần cỏ được tưới 1 lần. Bên trong ruộng cỏ được chăm sóc, bón phân hữu cơ đều đặn nên phát triển rất nhanh.

Hiện tại trang trại nuôi bò của ông Phó Văn Tới có 160 con, song sản lượng đồng cỏ thu hoạch hằng năm không đủ để chăn nuôi. Vì vậy ông Tới phải thuê thêm 2 ha đất khác để có nguồn dự trữ cung cấp lượng thức ăn kịp thời cho đàn bò.

“VA 06 tôi trồng bằng hom như vậy lứa đầu tiên thì khoảng 2 tháng rưỡi mới thu hoạch đợt đầu. Từ đó về sau là 45 ngày tôi thu hoạch một lần, mỗi một lần tính 1 ha là 45 tấn. Trồng như thế này thì 4 năm gốc cỏ thoái hóa, hao hụt. Lúc đó dẹp rồi trồng lại cỏ khác, bởi vì tôi có lượng phân hữu cơ rất dồi dào, mỗi năm bỏ vào đây 2 đợt. 1 ha bỏ 20 - 30 tấn, chỉ rải lên thôi. Phân hữu cơ ủ bằng vi sinh nên đất không bị bạc màu”, ông Phó Văn Tới cho biết thêm.

Mô hình trồng cỏ được ông Tới tận dụng làm thức ăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Theo tính toán một lần thu hoạch bình quân 45 tấn/ha, bò sinh sản ăn mỗi ngày 20 kg/ 1 con cộng thức ăn hỗn hợp.

Nói về mô hình trồng cỏ thông minh, ông Nguyễn Thành Tâm, cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho biết: Giống cỏ VA 06 cho năng suất cao, hàm lượng dinh dưỡng cho chăn nuôi cũng cao. Để khắc phục ngập úng vào mùa Thu Đông, ông Tới lên liếp cao trồng cỏ hiệu quả, hệ thống mương tưới rất hoàn chỉnh. Cây cỏ phát triển tốt trong mùa nắng lẫn mùa mưa, không bị ngập úng, đáp ứng được nhu cầu cung cấp thức ăn cho đàn bò. Đối với mô hình này tôi nhận định ông Bảy Tới làm rất hợp lý và thông minh”.

Ông Tới chăm sóc đàn bò.

Ông Tới chăm sóc đàn bò.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.