| Hotline: 0983.970.780

Xu hướng ăn uống thời thượng:

'Mỏ vàng' chờ khai phá

Thứ Năm 21/05/2020 , 06:01 (GMT+7)

Mít là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng, đa năng - và do đó trở thành lợi ích kinh tế tiềm năng cho các quốc gia tiếp thị nó.

Ở Ấn Độ, không phải xoài mà là mít mới được coi là 'vua trái cây'. Ảnh: scroll.in.

Ở Ấn Độ, không phải xoài mà là mít mới được coi là "vua trái cây". Ảnh: scroll.in.

Ở Ấn Độ, quê hương của loài cây này, nhu cầu tiêu dùng mít đang thúc đẩy sự phục hưng cho loại cây trồng mà năm năm trước còn bị coi là sự phiền toái trong vườn.

Ngày càng “hot”

Từ điểm khởi đầu gần như bằng không, xuất khẩu mít, bao gồm cả Mỹ, Châu Âu và Anh, đã tăng lên 500 tấn vào năm 2018 và khoảng 800 tấn vào cuối năm 2019, theo Bộ trưởng Nông nghiệp Kerala (Ấn Độ), ông V. S. Sunil Kumar.

“Xu hướng ăn chay ở các nước phương Tây sẽ giúp (nông dân trồng mít) khai thác một thị trường toàn cầu đang bùng nổ”, ông Kumar nói.

Với kết cấu xơ và thịt chắc với vị ngọt, mít đã đi từ tình trạng "trái cây của người nghèo" ở miền Nam Ấn Độ thành loại thực phẩm thời thượng trên khắp thế giới, đặc biệt với vai trò là một loại thịt thay thế nguồn gốc thực vật.

Theo trang Tenderly, mít được gọi là "gaach patha" trong các hộ gia đình ở Bengal, dịch ra nghĩa là "cây thịt dê", và có lịch sử sử dụng như một thay thế khả dụng cho thịt cừu.

Ấn Độ, nhà sản xuất hàng đầu thế giới của loại trái cây bổ dưỡng này, hiện đang tận dụng sự phổ biến của nó, được các đầu bếp từ London đến San Francisco quảng bá.

"Tôi có rất nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài", đứng trong vườn mít của mình ở bang Kerala (phía tây nam Ấn Độ), Varghese Tharakkan nói với hãng AFP.

Ông Tharakkan chưa bao giờ hối hận về việc từng chặt cây cao su để trồng mít. Trước đại dịch Covid-19 và phong tỏa, du khách luôn chen chúc vào vườn cây của ông để nếm thử mít.

Còn hiện tại, vườn mít của ông có đủ giống để sản xuất trong suốt cả năm và luôn sẵn một lượng khách hàng quốc tế lớn.

Chỉ riêng ở các bang Kerala và Tamil Nadu (phía Đông Nam) của Ấn Độ, nhu cầu về mít hiện đạt 100 tấn/ngày trong mùa cao điểm và tạo ra doanh thu khoảng 20 triệu USD/năm, theo S. Rajendran, giáo sư kinh tế tại Viện nông thôn Gandhigram.

Cơn sốt mới về mít này thúc đẩy các vườn mít phát triển trong những năm gần đây ở Kerala.

"Chúng tôi thấy rằng một đĩa mít tốt hơn một đĩa gạo hoặc bánh mì Ấn Độ, cho người muốn kiểm soát lượng đường trong máu", doanh nhân James Joseph, người sáng lập Jackfruit 365, công ty góp phần đưa mít vào bản đồ “siêu thực phẩm”, đảm bảo.

Trong khi những người trồng mít của Ấn Độ - tương tự như trong các lĩnh vực nông nghiệp khác - bị ảnh hưởng vì việc phong tỏa trên toàn quốc do virus Corona gây ra tình trạng thiếu lao động và vận chuyển, thì nhu cầu quốc tế không có dấu hiệu chững lại.

Sujan Sarkar, bếp trưởng điều hành các nhà hàng của Bhambri có trụ sở tại Palo, tin rằng ngay cả những người ăn thịt cũng đang trở nên ưa thích mít.

"Không chỉ những người ăn chay hay thuần chay, ngay cả những người ăn thịt, họ cũng thích nó", ông Sarkar nói.

Được đón nhận nhiệt tình

Shree Padre, một biên tập viên, đã biến tạp chí nông nghiệp hàng tháng của mình thành người cổ vũ lớn nhất cho mít.

“Tạp chí của chúng tôi đưa ra ít nhất 32 câu chuyện về hầu hết mọi quốc gia trồng mít”, ông nói. “Người ta coi đó là thực phẩm cho người nghèo. Không ai muốn sử dụng nó bốn năm trước. Ngày nay, chỉ riêng bột mít đã có không dưới 30 công ty sử dụng”.

Vào tháng 5/2018, chính quyền Kerala tuyên bố mít là loại trái cây chính thức của bang, với lời kêu gọi: Mít là loại trái cây ngon nhất. Quả của nó có vô số phẩm chất tốt.

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu của mít Ấn Độ không thể thiếu doanh nghiệp.

Annie Ryu sáng lập Jackfruit Company để tìm cách hỗ trợ những người trồng mít xây dựng chuỗi phân phối từ Ấn Độ đến Mỹ. Nếu bạn đã mua mít trong một cửa hàng ở Mỹ, rất có thể đó là nhờ công của Ryu.

Karana, một công ty khác, đầu tư khai thác vai trò của mít như một sản phẩm thay thế thịt, có nguồn gốc từ loại thực vật ít gây ảnh hưởng tới tài nguyên nông nghiệp. Trọng tâm của họ là phân phối không chỉ cho người tiêu dùng cá nhân, mà còn cho các đầu bếp và nhà hàng.

Vì có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau, Karana nhận ra tiềm năng của mít trở thành một nguyên liệu thô thú vị cho phép đầu bếp tìm cách sáng tạo thêm các công thức nấu nướng.

Hoa Kỳ, quốc gia chỉ nhập khẩu 15% tổng cung thực phẩm, khá ưu ái mít. Trái cây này dần phổ biến trong thực đơn xứ cờ hoa - tại các nhà hàng thuần chay và chay, thậm chí cũng xuất hiện trong các món ăn tại nhà hàng thông thường.

Tomatillo, nhà hàng Mexico ở Dobbs Ferry, New York, có một món quesadilla và taco làm từ mít được lồng vào thực đơn bên cạnh các món ăn chay và thịt chay khác.

Ở Chicago, cửa hàng Alulu Brewpub phục vụ món chay bánh mì cắt lát mít kiểu Sicilia trong thực đơn cùng với ba chỉ lợn xông khói.

Angela Means, chủ sở hữu của quán Jackfruit Cafe thuần chay ở Los Angeles, cho biết, “Mọi người ăn thịt vì cảm quan và mùi vị. Mít là một thực phẩm thay thế thịt tuyệt vời”.

“Chúng tôi rắc nó lên bánh tacos và làm bánh sandwich mít, thay cho thịt lợn nướng xé”, bà Means cho biết.

Jackfruit Cafe cũng phục vụ “cá miếng” làm từ mít kết hợp với rong biển.

“Bạn không nên bỏ lỡ bất cứ điều gì - chúng tôi có thể cung cấp cho bạn món tacos của chúng tôi và bạn thậm chí không biết nó là món thuần chay”, bà Means tự tin.

Có những lễ hội riêng về mít được tổ chức trên khắp các khu vực Maharashtra, Karnataka, Kerala, Goa và ở Đông Bắc của Ấn Độ. Trái cây này trở thành một món quà tuyệt vời tại các ngôi làng nhỏ, đặc biệt là trong những dịp lễ hội.

Mít thậm chí còn trở thành yếu tố văn hóa, đi vào thành ngữ và câu cửa miệng ở các vùng của Ấn Độ.

Ví dụ trong tiếng Kannada, một trong các ngôn ngữ chính của Ấn Độ, thuộc ngữ hệ Dravida chủ yếu được sử dụng ở bang Karnataka, có câu “Hasidu halasu tinnu, undu maavu tinnu” (tạm dịch: ăn mít khi đói, ăn xoài khi no) và ở Bengal, mùa hè đồng nghĩa với “Aam kanthaler gandho” (hiểu đơn giản là “mùi thơm của xoài và mít”).

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.