| Hotline: 0983.970.780

Mộc Châu lại thi bò sữa!

Thứ Hai 06/10/2014 , 10:12 (GMT+7)

Chính cuộc thi này đã động viên được mọi gia đình quyết tâm nâng cao năng suất và chất lượng sữa cho từng con bò. 

Đã có lần, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói với chúng tôi: “… Trong các nghề hiện nay ở nông thôn, nghề nuôi bò sữa là nghề đạt hiệu quả cao nhất…”.

Điều đó đã được chứng minh ngay tại Mộc Châu (Sơn La). Theo báo cáo của Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu thì bình quân mỗi hộ nuôi bò sữa ở đây có thu nhập hàng tháng từ 30 - 40 triệu đồng. Thậm chí, có nhiều hộ còn thu từ 80 - 100 triệu đồng/tháng.

Đấy quả là điều mơ ước của hàng triệu nông dân. Đã có thời, ta chỉ cần mong mỗi héc ta đất canh tác ở đồng bằng cho thu khoảng 50 triệu đồng/năm. Ấy vậy mà nhiều nơi cũng không đạt được.

Nhưng bây giờ, ngay ở vùng núi non này của Sơn La mà bà con có được nguồn thu lớn như vậy thì thật đáng tự hào. Công trạng này phải chia sẻ cho cả… con bò nữa! Chính lũ bò sữa ở đây đã làm cho bà con ta đổi đời. Chúng đưa tới những nguồn thu khổng lồ cho từng gia đình…

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bọn tôi lên Sơn La phải đi vô cùng vất vả. Đường đèo dốc quanh co, vừa hẹp lại vừa lắm ổ gà. Qua đèo 64 chót vót ngang lưng trời, nhiều hôm ô tô phải đi chậm như người đi bộ vì sương mù dày đặc. Lặn lội quá nửa ngày mới tới được Mộc Châu.

Kỳ lạ lắm, cao nguyên này đẹp vô cùng. Cảnh vật và khí hậu đều hấp dẫn. Một màu xanh nõn nà phủ kín trên những quả đồi như bát úp trồng kín chè. Cả một vùng bao la toàn chè là chè. Nhưng quanh các nhà dân còn được ken kín bởi những gốc mận xanh tốt. Mận trên này ngon vô cùng, cắn ngập răng, ngọt lừ.

Cả nước đều mê mận Mộc Châu. Thời đó, ở trên này về, người ta chỉ lo mua chè và mua mận để làm quà. Có ai nói gì tới bò sữa đâu. Thực ra, lúc đó cũng đã có bò sữa. Nhưng không biết do cơ chế hay do trình độ khoa học kỹ thuật mà nghề nuôi bò sữa rất èo uột. Nghe nói, nuôi nó toàn bị lỗ nhưng ta vẫn phải cố nuôi vì nó là tặng phẩm của các nước bạn…

Nhưng, chuyện xưa đã vĩnh viễn qua rồi. Nay ở Mộc Châu, điểm sáng nhất lại là bò sữa. Dân hồ hởi nuôi bò sữa. Hàng loạt trang trại mọc lên, chủ yếu để nuôi bò sữa. Những thảm cỏ xanh rì ken kín từ đồi này sang đồi khác.

Người ta còn trồng cả ngô để cho bò ăn. Ngô được trồng rất dày nhưng thu hoạch non để ủ cả cây và bắp làm thức ăn cho bò. Khắp cao nguyên rộn rã tiếng động cơ. Ô tô và xe kéo hối hả chở cỏ và chở ngô về từng trang trại.

Bây giờ, việc vắt sữa bằng tay đã được thay 100% bằng máy. Số bò trong mỗi hộ tăng dần lên. Quan hệ giữa Cty với các hộ chăn nuôi rất khăng khít, giống như một gia đình.

Ngoài việc thu mua sữa, Cty còn lo toàn bộ khâu kỹ thuật và thú y cho từng hộ chăn nuôi. Họ còn nhập cả cỏ Alfalfa về để cấp cho từng gia đình. Nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nuôi bò sữa…

Đường lên Mộc Châu bây giờ tốt lắm rồi, đèo được hạ thấp, đường được mở rộng, núi non hữu tình hiếm nơi có. Người Mộc Châu hiếu khách, đất Mộc Châu mát lành.
Bà con nuôi bò sữa ở các nơi hãy lên đây để xem người ta tổ chức thi hoa hậu cho bò sữa như thế nào. Những nơi có ý định nuôi bò sữa cũng nên lên đây để thăm và học hỏi thêm. Chúng ta sẽ cũng hẹn gặp nhau tại Mộc Châu nhé!

Tình thân ái tràn ngập. Họ quý mến nhau và luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau. Giữa Cty và người chăn nuôi đã gắn bó với nhau như một. Điều này không phải ở đâu cũng có. Chính nó đã quyết định sự thành công của việc nuôi bò sữa ở Mộc Châu.

Từ 2004, hằng năm tại Mộc Châu, người ta đều tổ chức cuộc thi hoa hậu cho bò sữa vào khoảng tháng 10. Đấy đúng là một ngày hội. Cả một vùng trên cao nguyên rộn rã suốt ngày đêm. Khách thập phương kéo tới đông nghịt. Họ kết hợp vừa đi nghỉ mát, vừa đi xem bò. Không khí ở đây đông vui, náo nhiệt.

Bà con các dân tộc trên này ăn mặc sặc sỡ. Họ rất vui khi có ngày hội này. Dân bản lũ lượt kéo ra. Mỗi gia đình như một tiểu đội vượt đèo tiến ra thị trấn. Nhà nào có bò đi dự thi thì càng vui. Cả bò và người cứ quấn quýt lấy nhau. Họ chăm chút cho bò như chăm cho cô dâu sắp đi lấy chồng. Không khí ở thị trấn nhộn nhịp như tết!

Năm trước, “cô” bò được nhận danh hiệu hoa hậu cho năng suất tới 60 lít sữa/ngày (tức là khoảng 3 xô sữa: Sáng 1 xô, trưa 1 xô và tối 1 xô. Không phải là xô 10 lít mà là xô 20 lít đấy!). Ấy vậy nữa, trước đó 1 năm, bò của bà Vũ Thị Đáng được bầu là hoa hậu với năng suất tới 75,6 kg sữa/ngày!

Chính cuộc thi này đã động viên được mọi gia đình quyết tâm nâng cao năng suất và chất lượng sữa cho từng con bò. Ai cũng phấn đấu để bò của mình sẽ được chọn đi thi. Nó khuấy động cả một phong trào rầm rộ thi đua chăm sóc cho bò thật tốt trong khắp vùng.

Năm nay, cuộc thi sẽ diễn ra vào sáng ngày 15/10. Dù bận mấy, tôi cũng sẽ cố thu xếp để lên dự cuộc thi hấp dẫn này. Biết đâu hôm đó sẽ gặp được nhiều bà con ở các nơi cùng về dự. Ta sẽ có dịp gặp nhau để trao đổi nhiều hơn về cái cách thức làm ăn và về cách nuôi bò sữa.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm