Thống kê năm 2018, tại Việt Nam có khoảng 23.700 trường hợp mắc mới ung thư phổi, chiếm hơn 14% số ca ung thư mắc mới. Hơn 70% bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn và tử vong chỉ sau một năm phát hiện bệnh.
Theo BS.CKII Trần Đình Thanh, Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn), ung thư phổi là căn bệnh ác tính gây tử vong hàng đầu, ung thư phổi luôn là nỗi ám ảnh cho nhiều người mắc bệnh phổi hoặc từng hút thuốc lá. Ung thư phổi được chia làm 2 loại ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) chiếm 15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) chiếm 85%. Ung thư phổi không tế bào nhỏ có tốc độ phát triển và di căn chậm hơn, nếu được phát hiện sớm người bệnh sẽ có thời gian điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh cao.
BS Trần Đình Thanh chia sẻ tại buổi hội thảo “Cập nhật các phương pháp điều trị ung thư phổi”. |
“Đối với người mắc ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn 1 thì khả năng sống trên 5 năm lên đến 92%. Trong khi, ung thư được chuẩn đoán ở giai đoạn trễ thì tỉ lệ sống trên 5 năm chỉ còn 5%.
Nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư phổi là những người hút thuốc lá, hút thuốc lá thụ động (người tiếp xúc khói thuốc lầm không hút); sống trong môi trường không khí ô nhiễm hoặc có tiền căn xạ trị vào phổi; gia đình có người mắc ung thư phổi; có bệnh phổi mãn tính (xơ phổi, lao phổi)...
Chính vì vậy, việc cập nhật các phương pháp chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ là rất quan trọng. Mặt khác việc phòng ngừa, ngăn chặn khói thuốc cũng như bảo đảm môi trường lao động, môi trường sống và tập thể dục, chế độ ăn uống an toàn”, BS Thanh chia sẻ.
BS James Chung Man Ho (ĐH Hong Kong, BV Queen Mary - Hong Kong cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật các kỹ thuật mới để tầm soát sớm ung thư và đặc biệt là phương pháp tối ưu hóa hiệu quả điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ với EGFR TKI (EGFR = Epidermal Growth Factor Receptor).
“Thuốc ức chế TKI thế hệ 3 cho kết quả cách biệt rất đáng kể về thời gian sống bệnh không tiến triển và đáp ứng được các mục tiêu điều trị của bác sỹ cho bệnh nhân ung thư phổi loại không có tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn có đột biến hoạt hóa thụ thể yếu tố phát triển biểu bì EGFR”, BS James Chung Man Ho cho biết.