| Hotline: 0983.970.780

'Mỗi năm, tôi lãi tiền tỷ nhờ cây cam là chuyện thường'

Thứ Sáu 12/01/2024 , 09:34 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Sau nhiều thập niên chìm nổi cùng nhiều loại cây trồng, cuối cùng, ông Mai đã 'kết duyên' cùng cây cam ở vùng đồi, mỗi năm cho thu nhập tiền tỷ.

Hơn hai chục năm trước, tôi quen ông Bế Văn Mai (thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bởi ông trồng tới trên 30ha cao su, là triệu phú vùng đồi. Rồi lại lên với ông để chia sẻ khi rừng cao su bị bão bẻ ngang, phải trắng tay, bây giờ, hay tin ông lãi vài tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng cam. Gặp ông, vẫn nụ cưới chân chất. Ông bảo: “Họ nói không sai mô. Mỗi vụ, tôi thu lãi trên 2 tỷ đồng là chuyện thường mà”.

Ông Bế Văn Mai (ngoài cùng bên phải) tại trang trại cam có diện tích trên 7ha canh tác VietGAP. Ảnh: Tâm Đức

Ông Bế Văn Mai (ngoài cùng bên phải) tại trang trại cam có diện tích trên 7ha canh tác VietGAP. Ảnh: Tâm Đức

Tư duy mới sau cơn đau “vàng trắng”

Ông Bế Văn Mai kể thời trai trẻ ông đã có mặt ở vùng miền tây huyện Bố Trạch (Quảng Bình) để lập nghiệp. Hồi đó, đồi núi mênh mông mà người thưa thớt lắm. Đất được đến đâu thì phát cây dại, cây chồi mà phơi, đốt rồi trồng sắn, trồng ngô lấy cái ăn. Khi cái ăn không còn là nỗi lo, ông bắt tay vào trồng cây cao su theo định hướng của nông trường.

Được mệnh danh là “vàng trắng”, là cây “nữ hoàng vườn đồi” nên hàng chục ha cao su đã cho ông Mai đời sống kinh tế vững vàng, có của để dành qua hàng năm. “Khi đó, gia đình tôi có khoảng 40ha trồng cao su chứ không phải ít đâu. Cây cao su đã đưa những công nhân lam lũ chúng tôi lên bậc “trưởng giả”. Có nhà xây, có xe máy, có tivi…, là cuộc sống sang trọng thời bấy giờ”- ông Mai kể.

Được gần chục năm như thế, rồi cây “vàng trắng” đến hồi thoái trào. Những trận bão lớn liên tiếp với cường độ khủng khiếp cứ nhè rừng cao su mà tràn qua. Cây cao su to lớn, có hàng chục tuổi đời bị bão bẻ ngang thân như bẻ một cành liễu nhỏ. Thương cây, thương thân, nhà nhà phục hồi cây, chăm bẵm cây để mong rừng cao su phục hồi, chảy ra dòng “vàng trắng”. Năm sau nữa, cao su chưa kịp phục hồi thì bão lớn lại tràn qua làm cho xơ xác.

Rừng cao su, vườn cao su… oai hùng là thế giờ què quặt, đứng xen giữa những vùng đất trống. Rồi mủ cao su rớt giá chạm đáy, giá vật tư phân bón tăng phi mã…Nông dân cực chẳng đã đành phải từ bỏ cao su mà trong lòng cứ nhớ đến một thời…

Cam ở trang trại gia đình ông Bế Văn Mai được thương lái đặt hàng mua tại vườn. Ảnh: Tâm Đức.

Cam ở trang trại gia đình ông Bế Văn Mai được thương lái đặt hàng mua tại vườn. Ảnh: Tâm Đức.

Ông Mai lại trắng đêm trằn trọc để tìm ra được cây phù hợp trên vùng đất này. Có thời gian, ông trồng keo tràm, cứ 5 năm lại thu hoạch. Nhưng cũng chẳng có gì như mong muốn. Ông lại chia bớt diện tích cho anh em, còn lại phân nửa ông tìm loại cây thích hợp.

Một ngày, được cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình tổ chức đưa đi tham quan mô hình trồng cây ăn quả có múi ở vườn đồi, ông Mai lắng nghe, thấu hiểu. “Vậy là tôi khăn gói, cơm đùm cơm nắm đi hết các vùng miền có cùng thổ nhưỡng tương tự ở các tình Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… để xem bà con trồng cây gì không ngại bão lớn, cho thu nhập cao. Và cuối cùng tôi đã chọn cây cam”- ông Mai nhớ lại.

Thấy bà con trồng cam có nhiều thuận lợi hơn trồng các loại cây khác, lại có thu nhập đáng kể nên ông Mai giành thời gian tìm hiểu kỹ về quy trình thâm canh và cũng nảy ra những ý tưởng mới. Ông quyết định chuyển đổi cây trồng và lần này là cây cam trên cơ sở được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ kỹ thuật ban đầu.

3ha cam đầu tiên được ông Mai trồng vào năm 2015. Để chắc ăn, ngay từ những cây cam đầu tiên, ông cất công ra vùng cam có truyền thống, thuê hẳn một nông dân có bề dày kinh nghiệm từ tỉnh Nghệ An vào cùng ăn, cùng ở, cùng trồng cam với mình. “Họ làm, mình học. Học để thành công và để giúp cho bà con có cùng chí hướng trồng cam”- ông Mai nói.

Khi những trái cam bói đầu tiên chín mọng và lứa cam chính vụ trĩu cành cho hiệu quả lớn bất ngờ, ông tiếp tục mở rộng diện tích. Không vội trồng ồ ạt, ông lấn đất theo kiểu mỗi năm mở rộng thêm vài khu vườn. Đến nay, trang trại của ông Mai đã có trên 7ha trồng các giống cam như V2, lòng vàng, xã Đoài...

Giống cam chanh giòn cho năng suất và hiệu quả cao sẽ được ông Mai mở rộng để thay thế những giống cam đã trồng lâu năm. Ảnh: Tâm Đức.

Giống cam chanh giòn cho năng suất và hiệu quả cao sẽ được ông Mai mở rộng để thay thế những giống cam đã trồng lâu năm. Ảnh: Tâm Đức.

Để xây dựng thương hiệu cho trang trại cam của mình, ông Mai đã học hỏi kinh nghiệm và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng cam theo hướng VietGAP. Việc phòng trừ sâu bệnh và các loại côn trùng gây hại được ưu tiên thực hiện bằng biện pháp sinh học để cây cam đạt năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cơ duyên với giống cam "Chính phủ"

Ông Bế Văn Mai bộc bạch: “Trồng cây gì cũng phải sạch thì bà con mới chọn mua. Cứ vài tháng tôi thuê nhân công làm sạch cỏ chứ không phun thuốc trừ cỏ. Khi vào vụ, tôi lại phun các loại chế phẩm sinh học hoặc các loại thuốc được phép sử dụng theo quy định. Vì vậy, cây cam cho sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Trang trại cam được bón phân hữu cơ nên xanh tốt quanh năm. Năng suất, sản lượng tăng dần theo hàng năm. Theo ông Mai, ba năm gần đây do cam ở độ tuổi sung sức và chăm bón tốt nên tổng sản lượng cam ông thu được đạt ngưỡng 150 tấn/năm. Nhiều thương lái các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh… hay tin đã vào xem tận vườn để xem cách sản xuất theo quy trình VietGAP và đã đặt mua với số lượng lớn.

Khi được hỏi về lợi nhuận, ông Mai không giấu: “Giá bán thấp nhất là 20 ngàn đồng/kg thì gia đình có doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Trừ chi phí sản xuất hết gần 1 tỷ thì còn lãi trên 2 tỷ đồng mỗi năm. Nói thật là so với trồng cao su thì trồng cam khỏe hơn, thu nhập cao hơn và dễ đầu tư hơn”.

Sau nhiều năm thu hoạch, vườn cam sẽ được tái canh bằng giống cam mới có chất lượng cao hơn. Ảnh: Tâm Đức.

Sau nhiều năm thu hoạch, vườn cam sẽ được tái canh bằng giống cam mới có chất lượng cao hơn. Ảnh: Tâm Đức.

Đưa chúng tôi đến một khoảng vườn có những cây cam cao lớn, sum suê hơn và trái đang trĩu cành, ông Mai hái và cắt mấy quả cam cho chùng tôi dùng thử. Vị ngọt, mát, thơm khác hẳn những trái cam đã ăn thử trước đó. “Đây là giống cam Chính phủ đấy”, ông Mai nói vui.

Ông Mai kể lại, có lần ông đi dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam ở Hà Nội. Khi nghỉ ở Nhà khách Văn phòng Chính phủ, ông được mời ăn cam, nhận thấy quả cam có vị ngọt thanh, thơm dịu và giòn. Mọi người có thể không để ý, nhưng ông Mai lại khác. Ông nhìn ra chuyện gì đó hệ trọng hơn. Những lúc nghỉ ngơi, mọi người rủ nhau đi chơi, mua sắm thì ông lại tìm cách hỏi xem cam giống gì, trồng ở đâu. “Qua hỏi thăm, tôi biết đó là cam chanh giòn nên tìm hiểu nguồn gốc, quy trình trồng và quyết định mua giống mang về trang trại để trồng”, ông Mai kể thêm.

Hơn 1ha cam chanh giòn được ông Mai trồng ở khu riêng, ông đặt tên gọi là “cam Chính phủ”. “Vì tôi biết đến loại cam quý này nhờ ở Nhà khách Văn phòng Chính phủ nên đặt tên luôn như vậy cho dễ nhớ và ghi ơn thôi”, ông Mai bộc bạch.

Nắng trưa, những dãy "cam Chính phủ" đầy sức sống, xanh tốt hơn những loại cam khác. Vào gần cuối vụ mà trái vẫn còn trĩu cành. “Cam này có giá bán gấp đôi, mỗi ký không dưới 40 ngàn đồng. Nhiều thương lái đã hỏi mua nhưng tôi chưa đồng ý mà đang thu hoạch bán lẻ. Cam ngon cho bà con thưởng thức để biết đã”, ông Mai nói.

Nhiều người trồng cam ở các địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cam tại trang trại của ông Mai. Ảnh: Tâm Đức.

Nhiều người trồng cam ở các địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cam tại trang trại của ông Mai. Ảnh: Tâm Đức.

Ông Mai cũng cho hay, năm sau, ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm loại cam quý này. “Cùng diện tích, cùng quy trình canh tác, nhưng giống cam “Chính phủ” này cho năng suất cao và thu nhập gấp đôi nên sẽ là định hướng mở rộng diện tích của tôi. Tuy nhiên, tôi tăng diện tích từ từ theo lộ trình chứ không tăng nhanh để đảm bảo sản xuất đúng quy trình an toàn, chất lượng, hữu cơ”, ông Mai nói thêm.

Không chỉ có cây cam, ông Bế Văn Mai còn đưa cây tiêu vào sản xuất. Gần 2ha tiêu đã leo kín trụ và cho những lứa hạt tiêu sọ đầu tiên. Ông bảo: “Cây tiêu cũng có hiệu quả cao, nhất là đưa cây tiêu vào trồng cũng hạn chế được một số loại sâu, bướm gây bệnh trên cây cam”.

Hiện trang trại ông Mai đang hoàn tất thủ tục để được công nhận và cấp tem mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

"Vấn đề được quan tâm hàng đầu của trang trại chúng tôi là chất lượng sản phẩm, sản phẩm phải được sản xuất theo hướng hữu cơ, được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, đánh giá bài bản và cấp các chứng nhận về tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất. Có như vậy việc phát triển trang trại nói chung, cây cam nói riêng mới phát triển bền vững và yên tâm đưa sản phẩm ra thị trường", ông Mai hồ hởi.

Khi tôi hỏi rồi đây liệu cây cam có lúc sẽ thoái trào như cây trồng trước đây không? Ông Mai trả lời thích thú: “Chắc chắn là không. Tôi còn vài ha đất để đầu tư trồng giống cam chanh giòn. Những diện tích cam đã thu hoạch lâu năm tôi sẽ kết thúc, cho đất nghỉ một thời gian và thực hiện bồi bổ đất, làm sạch đất và sau đó tái canh với giống cam mới có năng suất, chất lượng cao hơn”.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.