| Hotline: 0983.970.780

Cồn Chim ký sự: Mối nguy từ ma trận lưới dưới đầm

Thứ Năm 12/05/2022 , 08:53 (GMT+7)

Trồng được rừng ngập mặn đã khó, bảo vệ còn khó hơn. Lúc cây còn nhỏ thường bị tác động xấu từ tự nhiên, hoặc bị các nghề đánh bắt thủy sản hủy diệt.

Khó cả trồng và giữ rừng

Vào năm 2006, dự án “Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại” chính thức triển khai. Ông bà mình nói “vạn sự khởi đầu nan” chẳng sai chút nào, ban đầu, chuyện hồi phục rừng ngập mặn ở Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại nằm trên địa bàn xóm Cồn Chim, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) gặp không ít gian nan.

Theo lời kể của anh Trương Xuân Đưa, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, khi ngành chức năng triển khai đề tài “Nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng ngập mặn” tại lô số 3 Khu sinh thái Cồn Chim thì bị người dân địa phương nhổ phá những cây giống mới trồng. Khi sự cố xảy ra, anh cùng cánh nhà báo cũng có ra Cồn Chim để ghi nhận vụ việc. Dân kéo nhau cả hàng chục người, lội hẳn xuống bùn đất, nơi mới trồng rừng ngập mặn mà không cần xắn quần để nhổ bỏ cây giống nhằm giành đất nuôi tôm. Chính quyền địa phương phải can thiệp, ra sức tuyên truyền vận động, mãi sau này ngành chức năng mới triển khai dự án suôn sẻ.

Người dân Cồn Chim quây lưới quanh những cánh rừng ngập mặn để đánh bắt thủy sản. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân Cồn Chim quây lưới quanh những cánh rừng ngập mặn để đánh bắt thủy sản. Ảnh: V.Đ.T.

Khi mới trồng rừng, giữ được rừng non cũng khó không kém. Theo anh Đỗ Duy Trang, tổ trưởng vườn ươm của Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại, rừng ngập mặn rất khó tính, người trồng phải canh đoán, hiểu sự vận hành của nguồn nước thủy triều, khả năng chống chịu tương thích của từng loại cây thì mới mong có ngày cây lớn thành rừng. Sau khi trồng, phải canh chừng, bảo vệ những diện tích rừng ngập mặn để khỏi bị những người hành nghề đánh bắt thủy sản hủy hoại. Tại một số diện tích quy hoạch trồng rừng ở các bãi triều, nơi người dân địa phương thường khai thác thủy sản, vì sợ khi cây đã thành rừng thì không thể đưa ghe vào đánh bắt được, nên họ lén lút hủy hoại lúc cây còn nhỏ để nơi đó không bao giờ thành rừng.

Ông Huỳnh Trọng Tấn, người có trách nhiệm bảo vệ Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị nại, cho biết thêm: “Ban đầu, việc trồng rừng gặp khó khăn vì diện tích trồng đụng phải một số nơi bà con hay khai thác thủy sản. Ban đêm, ngành chức năng phải cử người túc trực bảo vệ các khu rừng non để khỏi bị phá. Đồng thời hướng dẫn bà con cách khai thác hợp lý, không làm tổn hại rừng. Phải nói mãi, thuyết phục mãi bà con cũng nhận ra lợi ích của việc trồng rừng ngập mặn. Đến khi ấy công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ở đây mới ổn định”.

Người dân Cồn Chim đánh bắt thủy sản trong những khu rừng ngập mặn được quây lưới. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân Cồn Chim đánh bắt thủy sản trong những khu rừng ngập mặn được quây lưới. Ảnh: V.Đ.T.

Để được như vậy cũng chẳng dễ dàng gì, khi ấy, Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại phải phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên gặp gỡ, vận động, tuyên truyền để bà con biết tác động tích cực của việc giữ rừng ngập mặn. Đồng thời, luôn đồng hành cùng bà con, cùng ăn, cùng ở, cùng trồng rừng, hướng dẫn bà con nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ngập mặn để bảo vệ ao đìa nuôi tôm, dần biến việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn là niềm vui chung của cán bộ nông nghiệp và bà con địa phương.

“Năm 2015, vườn ươm của Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại đi vào hoạt động, khi ấy cây giống trồng rừng ngập mặn giảm được một nửa giá thành so với cây giống mua từ miền Nam về, tỷ lệ sống lại cao hơn. Vùng đầm Thị Nại phù hợp với 4 loại cây ngập mặn là đước, bần chua, mắm trắng, mắm chua. Từ khi hoàn thiện vườn ươm, Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại ngoài chủ động được cây giống phục vụ các dự án trồng rừng ngập mặn trong tỉnh Bình Định còn cung cấp cho các nơi khác theo nhu cầu”, anh Đỗ Duy Trang chia sẻ.

Nan giải ngăn chặn nạn khai thác thủy sản “tận ổ”

Khi rễ cây rừng ngập mặn trở thành nơi trú ngụ, sinh sản của các loài thủy sản, lập tức người dân xứ Cồn Chim liền nghĩ ra cách dùng lưới bao vây mặt nước quanh những cánh rừng ngập mặn để đánh bắt thủy sản “tận ổ”.

Lưới quây kín những khu rừng ngập mặn, gây xung đột giữa 2 hình thức khai thác thủy sản của người dân địa phương. Ảnh: V.Đ.T.

Lưới quây kín những khu rừng ngập mặn, gây xung đột giữa 2 hình thức khai thác thủy sản của người dân địa phương. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Trương Xuân Đưa, tình trạng người dân vây lưới quanh những cánh rừng ngập mặn để đánh bắt thủy sản sống quanh rễ những cây đước, cây bần xảy ra đã lâu. Trước đây, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý bằng cách cưỡng chế những hộ vi phạm tháo dỡ lưới, bởi đây là hình thức đánh bắt thủy sản bị ngành chức năng cấm. Tuy nhiên, tình hình êm êm được một thời gian thì nay lại tái diễn.

Theo chiếc ghe gắn máy của Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại do ông Huỳnh Trung Tấn cầm lái đi len lỏi trong những vạt rừng ngập mặn, tôi thấy bên dưới bộ rễ của những cây bần, cây đước được bao kín những tấm lưới màu xanh còn mới nguyên do người dân đặt. Ông Tấn giải thích, bằng cách làm này người dân không phải dùng ghe máy chạy loanh quanh trên đầm Thị Nại đánh bắt thủy sản, vừa đỡ tốn chi phí nhiên liệu, vừa cầm chắc sản lượng.

Người dân Cồn Chim đi kiểm tra rừng ngập mặn mình đã nhận khoán bảo vệ nhưng không thể chèo ghe vượt qua lưới để vào rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân Cồn Chim đi kiểm tra rừng ngập mặn mình đã nhận khoán bảo vệ nhưng không thể chèo ghe vượt qua lưới để vào rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Trương Xuân Đưa, cách khai thác nói trên không chỉ bắt những loài thủy sản đã lớn, mà còn tận diệt cả những con giống thủy sản đang lớn, kiểu làm này đã “cướp” mất “chén cơm” của những người chuyên hành nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại. Những con giống thủy sản nằm trong vòng vây của lưới bị tận diệt ngay trong “ổ”, chẳng thể ra ngoài tự nhiên, nên nguồn lợi thủy sản trong đầm Thị Nại không được bổ sung, dần bị cạn kiệt.

“Hình thức đánh bắt theo kiểu tận diệt nói trên còn gây xung đột giữa 2 hình thức khai thác thủy sản. Người đánh bắt thủy sản truyền thống vừa mất đứt nguồn lợi thủy sản bổ sung, những tấm lưới giăng kín mặt nước còn chặn đường không cho những chiếc ghe khai thác thủy sản truyền thống đi lại trên mặt đầm để đánh bắt. Người dân nhìn nhau, người này vây lưới được thì người khác vây được, cứ vậy càng ngày lưới càng giăng kín mặt đầm. Hiện nay, UBND huyện Tuy Phước đã giao UBND xã Phước Sơn phối hợp với ngành chức năng triển khai ngăn chặn, xử lý buộc người vi phạm tháo dỡ lưới, trả lại mặt bằng cho mặt đầm Thị Nại”, anh Đưa cho hay.

Ông Huỳnh Trung Tấn (bên phải), người có nhiệm vụ bảo vệ Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại than thở không thể đi kiểm tra rừng ngập mặn do những tấm tấm lưới giăng kín những khu rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Huỳnh Trung Tấn (bên phải), người có nhiệm vụ bảo vệ Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại than thở không thể đi kiểm tra rừng ngập mặn do những tấm tấm lưới giăng kín những khu rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Trong câu chuyện tiếp nối của ông Huỳnh Trung Tấn, chúng tôi hiểu là việc ngặn chặn nạn vây lưới đánh bắt thủy sản sống dưới tầng rễ của rừng ngập mặn khó đến dường nào. Ngành chức năng không thể chạy ghe đi kiểm tra rừng ngập mặn vì vướng lưới. Khi ông Tấn chạy ghe vô những vùng họ đã vây lưới thì bị họ chặn lại không cho vào, lại còn hạnh họe, bảo: “Chỗ tôi vây lưới rồi ai cho ông chạy ghe vào”. Ông Tấn hỏi lại: “Nghề này là nghề cấm, ai cho ông vây lưới”. Họ đã không nao núng, lại táo tợn thách thức: “Tôi cứ vây lưới thì ông làm gì tôi”. Đến nước này thì… bó tay.

Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, đầm Thị Nại trong đó có Cồn Chim được mệnh danh là “kho báu” sinh thái cực kỳ giá trị. Nếu được bảo tồn, phát triển đúng hướng sẽ trở thành “lá phổi” của thành phố biển Quy Nhơn.

“Thời gian tới, ngành chức năng Bình Định cần can thiệp mạnh mẽ hơn với những giải pháp thiết thực để loại bỏ bằng được nạn đánh bắt thủy sản hủy diệt trên đầm Thị Nại. Cùng với đó, cần có chính sách để bảo tồn, bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ đàn chim trời và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đầm Thị Nại sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu phát triển du lịch cộng đồng, lưu trú xanh, tour tham quan, học tập, nghiên cứu để tăng thu nhập cho người dân bản địa, dần loại bỏ các loại hình đánh bắt xâm hại hệ sinh thái đầm”, TS Trần Văn Vinh nêu quan điểm.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

  • Phía ấy, biên thùy...
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:10

    Đầu tháng 9/2024, tôi được mời đến dự Triển lãm 'Non nước biên thùy'. Ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được trở lại với những vùng đất đã từng qua. 

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Mù Cang Chải thu hút khách du lịch suốt bốn mùa

YÊN BÁI Với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của núi non trùng điệp cùng những nét văn hóa đậm đà bản sắc, Mù Cang Chải là điểm đến hấp dẫn du khách 4 mùa trong năm.