| Hotline: 0983.970.780

Môi trường đập Đá Hàn bị ô nhiễm, Cẩm Xuyên lo ngại nguồn cấp nước sạch

Thứ Tư 19/02/2025 , 08:30 (GMT+7)

HÀ TĨNH Không ít lần người dân Cẩm Xuyên than thở về việc nước sạch nhà máy cấp về hộ dân bẩn. Nguyên nhân chính được cho là do nước thô chưa được quản lý, bảo vệ.

Đập Đá Hàn được Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh khai thác để sản xuất cấp nước sinh hoạt cho trên 5.000 hộ dân xã Cẩm Quan, thị trấn Cẩm Xuyên và vùng phụ cận. Ảnh: Thanh Nga.

Đập Đá Hàn được Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh khai thác để sản xuất cấp nước sinh hoạt cho trên 5.000 hộ dân xã Cẩm Quan, thị trấn Cẩm Xuyên và vùng phụ cận. Ảnh: Thanh Nga.

Nước thô chưa đảm bảo

Từ trước tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, nhiều hộ dân ở xã Cẩm Quan và Thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên phản ánh về việc nước sạch do chi nhánh cấp nước Cẩm Xuyên, thuộc Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh cung cấp có hiện tượng vàng đục, cáu bẩn.

Theo chị Phan Hiền Lương, trú xã Cẩm Quan, tình trạng nước máy bẩn thường xuyên xảy ra. Sau Tết nước đã trong trở lại. Tuy nhiên, hầu như lần nào trời mưa to nước máy cũng sẽ gặp sự cố vàng đục, đóng cặn bẩn.

“Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng nước khi trong khi đục như lâu nay. Bà con mong muốn đơn vị bán nước khắc phục triệt để hiện tượng này”, chị Lương nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hải, Giám đốc Chi nhánh cấp nước thành phố Hà Tĩnh (Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh) thừa nhận, thời điểm trước Tết có xảy ra tình trạng nước sạch từ chi nhánh cấp nước Cẩm Xuyên cấp về cho người dân xã Cẩm Quan và thị trấn Cẩm Xuyên bị bẩn. Nguyên nhân chủ yếu do khách quan.

Đầu tiên, khu vực đập Đá Hàn có tình trạng người dân chăn thả trâu bò kéo dài, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Thứ 2, hồ sơ liên quan đến đập Đá Hàn, phạm vi ranh giới hồ chưa được bàn giao cho Công ty nên đơn vị không đủ cơ sở pháp lý để cắm mốc, quản lý vệ sinh nguồn nước thô.

Đặc biệt, trước tết, do ảnh hưởng của việc thi công cao tốc Bắc – Nam và đường trục xã Cẩm Quan làm một số đoạn đường ống bị vỡ gây ra sự cố xâm thực khiến nước bẩn như người dân phản ánh.

“Sự cố không báo trước trong khi đơn vị nhân lực ít nên đâu đó việc sửa chữa, khắc phục sự cố chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi rất chia sẻ với người dân, mong muốn khách hàng sẽ hiểu và thông cảm, đồng hành với doanh nghiệp, để chúng tôi tiếp tục đưa ra các giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này”, ông Hải nói.

Tình trạng nước sạch bẩn thời gian qua là do thi công đường liên xã làm vỡ một số đoạn đường ống. Ảnh: Thanh Nga.

Tình trạng nước sạch bẩn thời gian qua là do thi công đường liên xã làm vỡ một số đoạn đường ống. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông, hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước của nhà máy xây dựng từ những năm 1996 đến 2000, chôn sâu nên khi xảy ra sự cố thường khó phát hiện. Vừa qua, để hạn chế ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, chi nhánh cấp nước huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành súc xả toàn bộ mạng lưới. Hiện nguồn nước cấp cho người dân đã trong trở lại.

Kiến nghị cắm mốc bảo vệ môi trường vùng lòng hồ

Phía chính quyền địa phương, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng, do lưu vực lòng đập Đá Hàn quá nhỏ, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân lớn nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa trên lòng đập có 4 - 5 hộ dân chăn nuôi trâu bò thả rông cộng thêm đang thi công một số dự án trọng điểm nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch cấp cho người dân.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đầu tư lấy nước thô từ hồ Kẻ Gỗ nhưng chưa được chấp thuận”, ông Hà nói.

Và do quá trình thi công cao tốc Bắc - Nam làm cho bụi, phong hóa từ đắp nền đường khi gặp mưa tuồn xuống lòng hồ. Ảnh: Thanh Nga.

Và do quá trình thi công cao tốc Bắc - Nam làm cho bụi, phong hóa từ đắp nền đường khi gặp mưa tuồn xuống lòng hồ. Ảnh: Thanh Nga.

Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Bá Hải, Giám đốc Chi nhánh cấp nước thành phố Hà Tĩnh thông tin, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri người dân đã phản ánh về lưu vực và chất lượng nước thô tại đập Đá Hàn. Mới đây, Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh cũng đã gửi văn bản đề nghị cùng ngồi lại với huyện Cẩm Xuyên để đánh giá thực trạng, xác định ranh giới, đưa vào quy hoạch cắm mốc quản lý vệ sinh vùng lòng hồ. Tuy nhiên phía huyện đang tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm nên chưa làm việc được.

Về lâu dài, có 2 phương án được đưa ra, một là đề xuất xây dựng đường ống lấy nước thô từ hồ Kẻ Gỗ, hai là đấu nối từ mạng lưới thành phố Hà Tĩnh chạy dọc Quốc lộ 1A vào cấp cho huyện Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, cả 2 phương án này đòi hỏi nguồn lực lớn nên cần có thời gian.

“Trước mắt, để đảm bảo an toàn nguồn nước sản xuất cung cấp cho người dân thị trấn Cẩm Xuyên, xã Cẩm Quan và vùng phụ cận, Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh đề nghị huyện Cẩm Xuyên chỉ đạo phòng ban liên quan, các địa phương tuyên truyền người dân và các đơn vị đang có các hoạt động trong lưu vực hồ chứa có biện pháp bảo đảm vệ sinh nguồn nước.

Việc cắm mốc bảo vệ môi trường phạm vi đập Đá Hàn cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo nguồn nước thô ổn định, phục vụ xử lý, cấp nước sạch cho người dân. Ảnh: Thanh Nga.

Việc cắm mốc bảo vệ môi trường phạm vi đập Đá Hàn cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo nguồn nước thô ổn định, phục vụ xử lý, cấp nước sạch cho người dân. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài ra, UBND huyện cần sớm chỉ đạo phòng ban, địa phương bàn giao hồ sơ; bàn giao thực địa phạm vi đập Đá Hàn để đơn vị quản lý, theo dõi, bảo vệ môi trường nguồn nước”, văn bản của Công ty cấp nước Hà Tĩnh nêu.

Trong vùng bảo hộ vệ sinh nguồn nước đập Đá Hàn: Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân đổ hoặc chôn lấp các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường; chăn thả gia súc, gia cầm, xây dựng nhà vệ sinh, kho bãi; phóng uế bừa bãi; chặt phá đốt rừng làm nương rẫy; chôn lấp xác động vật; quy hoạch, cấp đất ở, đất sản xuất và xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nghĩa trang, nghĩa địa; cấm mọi hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động khác gây ô nhiễm nguồn nước.

Đối với việc khai thác và bảo vệ hồ chứa: Nghiêm cấm lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa. Các hành vi trái phép gây mất an toàn cho công trình thủy lợi như: Khoan, đào đất đá, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình hồ đập gây mất an toàn cho công trình; sử dụng chất nổ gây hại, tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình hồ đập phục vụ lợi ích công cộng; thải các chất thải độc hại, nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn cho phép vào công trình hồ đập…

Đập Đá Hàn nằm trên địa bàn xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, có chiều dài khoảng 15km, rộng 50 - 100m. Đây là đập nước tự nhiên được hợp thành bởi 6 khe suối như khe Nước đục, khe Cát, khe Đá Thâm.. Hiện danh mục đập đã được giao cho Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh quản lý. Tuy nhiên hồ sơ về địa giới hành chính, phạm vi, lưu vực đập vẫn chưa được huyện Cẩm Xuyên bàn giao nên đơn vị chưa có thẩm quyền cắm mốc, quản lý, bảo vệ nguồn nước thô.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất