Mộ phần Ông vua phóng sự Bắc Kỳ hiện di dời ra nghĩa trang Quán Dền (Thanh Xuân, Hà Nội) - ảnh: Như Đông |
Đau xót và đáng buồn, đáng tiếc
Trao đổi với PV Báo NNVN, Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bày tỏ: “Trong quá trình học tập thời sinh viên khoa văn trước kia, cương vị phóng viên chuyên viết phóng sự và giảng dạy phóng sự sau này, tôi rất quan tâm đến các công trình nhân vật và tác phẩm của Nhà văn Vũ Trọng Phụng”.
Mới đây, ông Nhân ra Hà Nội, với cả tình cảm riêng tư cũng như cả nhu cầu công việc chung, ông đã tìm đến nhà lưu niệm Nhà văn Vũ Trọng Phụng với mong muốn bổ sung thêm kiến thức, tư liệu và làm giàu thêm nguồn hình ảnh để phục vụ giáo trình giảng dạy môn phóng sự. Song điều đáng tiếc là khi ông đến thì nhà lưu niệm đã đóng cửa, phần mộ Nhà văn Vũ Trọng Phụng và các hiện vật đã chuyển đi nơi khác.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân phân tích, có nhiều nguyên nhân, do yếu tố kinh tế, do gia đình không đủ sức duy trì, do các cơ quan chức năng chưa quan tâm... nhưng “dù vì lý do gì đi nữa, đây là một điều rất đau xót và đáng buồn, đáng tiếc cho nền văn học, văn hoá, báo chí và những người yêu mến nhà Nhà văn Vũ Trọng Phụng”.
Vì vậy, ông Nhân mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp khôi phục và duy trì nhà lưu niệm Nhà văn Vũ Trọng Phụng chứ không nên trách gia đình nhà văn.
Tan hoang một di tích văn chương, văn hóa
PGS.TS Ngô Văn Giá (ĐH Văn hóa Hà Nội) cũng bày tỏ sự buồn bã khi biết tin Nhà lưu niệm nhà văn họ Vũ đã bị sang tên đổi chủ.
“Theo như thông tin cho hay toàn bộ mấy chiếc tủ đựng các di vật ít ỏi của Nhà văn Vũ Trọng Phụng để lại (thẻ nhà báo, mấy giấy tờ tùy thân...) và một tủ đựng các tác phẩm của nhà văn qua các lần tái bản cũng đã không còn. Ba ngôi mộ, một của nhà văn họ Vũ, một của vợ và một của con gái được xây bằng đá, khang trang, thẳng hàng ngay lối tọa lạc giữa mảnh vườn nhỏ, nay cũng đã được di dời...
Thế là tan hoang một di tích văn chương, văn hóa của Hà Nội và cả nước”, ông Ngô Văn Giá nói.
Ngôi mộ Vũ Trọng Phụng khi còn ở nhà lưu niệm - ảnh: Tư liệu Văn Giá |
Nhà văn kể lại: “Ngày anh Nghiêm Xuân Sơn, con rể của nhà văn Vũ Trọng Phụng còn khỏe, thường xuyên anh đón nhiều khách văn, nhiều đoàn thầy trò các trường từ cấp 1 cho tới Đại học, ở nhiều miền khác nhau của Tổ quốc về viếng thăm, thắp hương cho nhà văn. Tôi cũng là người từng đưa nhiều bạn văn, các thế hệ sinh viên đến chiêm bái và thắp hương tưởng niệm nhà văn.
Ông Nghiêm Xuân Sơn (ngoài cùng bên phải) sinh thời đón tiếp bạn yêu văn đến với nhà lưu niệm - ảnh: Tư liệu Văn Giá |
Ngày ấy, tôi được nghe anh Sơn mấy lần than phiền rằng đã làm đơn nhiều lần gửi các cấp đề nghị công nhận di tích quốc gia, và chỉ có như vậy thì sau này anh mất đi mới có thể bảo vệ được... Hóa ra năm 2016 anh đã mất. Nguyện vọng cuối cùng của anh không thực hiện được. Và đúng như anh tiên liệu, chỉ chưa đầy 2 năm, khu tưởng niệm đã bị xóa sổ.
Tôi cứ lấy làm ân hận, khoảng vài ba năm trở lại đây, tôi không trở lại khu tưởng niệm này để gặp anh Sơn ít nhất lấy một lần trước lúc anh đi xa mãi mãi. Tôi chẳng có quan hệ gì đặc biệt với anh, chẳng qua là tôi đến nhiều lần, nên được anh cảm mến.
Có lần tôi tháp tùng thầy Nguyễn Đăng Mạnh đến chơi thăm anh. Lại có lần anh gọi điện mời tôi đến ăn giỗ nhà văn Vũ Trọng Phụng...Nghĩ thế, nên tôi thấy mình chưa được chu đáo với anh...
Bây giờ thì mọi chuyện đã muộn hẳn rồi sao? Đề nghị các cấp chính quyền lập tức vào cuộc để xem thực hư ra sao. Liệu có còn cứu lại được gì không?