Chuyển đổi sản xuất
Nằm giữa vùng phù sa nước ngọt quanh năm, với hệ thống hạ tầng thủy lợi, giao thông thủy bộ tương đối hoàn chỉnh, huyện Phong Điền có điều kiện đẩy nhanh quá trình chuyển dịch, phát huy hiệu quả kinh tế vườn. Đó là một trong những giải pháp nhằm góp phần giúp TP Cần Thơ phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.
Nhờ lợi thế địa lý tự nhiên, dải đất miệt vườn trù phú hai bên bờ sông Cần Thơ có mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Hai mùa cây trái xanh tươi, sản vật dồi dào mang đậm nét văn hóa miệt vườn... Thành phố Cần Thơ định hướng xây dựng huyện Phong Điền trở thành đô thị sinh thái, phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch theo hướng chuyên nghiệp và khai thác có hiệu quả, bền vững các tiềm năng, thế mạnh về du lịch sông nước miệt vườn, du lịch sinh thái.
Những năm gần đây, các nhà vườn càng nhận diện rõ thế mạnh kinh tế vườn nếu kết hợp các loại hình du lịch. Qua thời vàng son của những vườn cam, quýt trĩu quả, nối tiếp vườn dâu Hạ Châu nổi tiếng của Phong Điền cho tới nay mỗi năm vào mùa bán đi xa khắp vùng. Thế nhưng từ khi một số diện tích vườn cây ăn quả ở miền hạ du bị hạn, mặn lăm le, cây sầu riêng về Phong Điền bắt đầu nổi lên như một sự lựa chọn mới. Dân thương lái, chủ vựa, doanh nghiệp đang gầy dựng mối lái với các nhà vườn chuyên canh sầu riêng đã tăng lên hơn 1.300 ha.
Anh Phan Thanh Trung, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phong Điền, cho biết: Hiện nay đất vườn đang chuyển dịch mạnh mẽ. Diện tích đát lúa hiện còn khoảng 1.000 ha. Trong khi nhiều vườn tạp nay đã chuyển đổi giống cây trồng mới, lập thành vườn cây chuyên canh. Tổng diện tích vườn cây ăn trái trên 8.500 ha. Trong đó vườn chuyên canh sầu riêng, chủ yếu giống Ri6 trên 1.300 ha.
Bên cạnh đó, các giống cây ăn trái đáp ứng theo nhu cầu thị trường đang ưa chuộng như: Mít siêu sớm, chanh không hạt, nhãn, dâu Hạ Châu. Để hỗ trợ nhà vườn tạo lập vườn cây chuyên canh, huyện Phong Điền chủ trương tổ chức các HTX, tổ hợp tác nông dân liên kết SX gắn với thị trường tiêu thụ, định hình phát triển bền vững. Đến nay toàn huyện thành lập được 18 HTX, trong đó có 2 HTX, 2 tổ hợp tác sầu riêng.
Mô hình liên kết hợp tác
Tháng 5 về Phong Điền vào mùa trái cây. Hai bên đường vào huyện trái cây bán lẻ sum sê trên các kệ bày trước nhà vườn hay các điểm vườn du lịch. Tuy nhiên đối với nhà vườn chuyên canh diện tích và sản lượng lớn vào mùa chín rộ phải tìm mối lái và tính chuyện liên kết với các công ty thu mua ổn định, lâu dài. Vì vậy, hiện đã có một số nhà vườn đồng thuận ngồi chung bàn chuyện hợp tác, từ sản xuất đến kinh doanh nông sản bền vững.
Ban đầu cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Phong Điền đứng ra vận động, tổ chức thành lập các tổ hợp tác. Trong đó điển hình Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới ở ấp Trường Đông B, xã Tân Thới, có 9 thành viên với 13 ha ra đời vào năm 2017.
Đến năm 2020 tăng lên 20 thành viên, tổng diện tích vườn 19,4 ha, hình thức hoạt động chuyên canh cây sầu riêng và tín dụng nội bộ. Các nhà vườn trao đổi kinh nghiệm làm vườn và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật “Trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm”.
Qua ba mùa trái chín, Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới đã xây dựng quy trình sản xuất VietGAP theo hướng an toàn đã được Bộ NN-PTNT khuyến khích. Vào tháng 8/2019 Tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận SX sầu riêng theo quy trình VietGAP.
Sầu riêng do Tổ hợp tác Tân Thới sản xuất đảm bảo ATTP và truy xuất nguồn gốc, bảo vệ sức khỏe nông dân làm vườn và bảo vệ môi trường. Các thành viên trong tổ hợp tác nhận thức thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu vào nhờ giảm phân bón, thuốc trừ sâu. Đặc biệt sầu riêng áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP được thương lái, doanh nghiệp tìm đến thu mua, tiêu thụ rất tốt với giá trị đầu ra sản phẩm tăng cao.
Ông Bảy Vịnh, nhà vườn ở xã Tân Thới cải tạo vườn tạp, trồng 4 công sầu riêng Ri6, sau khoảng 3-4 năm cho trái chiếng. Ông dẫn giải: Nếu biết kỹ thuật chăm sóc tốt, đặc biệt biết cách phòng trị bệnh bằng biện pháp sinh học, và kỹ thuật thụ phấn khi cây ra hoa tỷ lệ đậu trái sẽ đạt cao, năng suất càng cao, hiệu quả rõ rệt.
Bình quân năng suất nếu đạt 2 tấn/công, với giá bán trên 45.000 đ/kg thu nhập nhà vườn đạt trên 320 triệu đồng/năm. Đã vậy, qua áp dụng quy trình sản xuất VietGAP chi phí sản xuất không tốn kém nhiều, khoảng 25 triệu đồng (cho 4 công). Trong khi đó lợi ích môi trường phục hồi, rau vườn xanh tốt. Dưới mương nước trong veo, cá sinh sôi, bơi lội từng đàn.
Mấy nhà vườn chuyên canh sầu riêng với giống Ri6 ở Phong Điền tự tin nói chắc nịch: Chỉ cần nhà vườn siêng năng, áp dụng kỹ thuật chăm sóc cho trái tốt, vườn đậu trái đạt năng suất khá cao thì đạt mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha là trong tầm tay.