| Hotline: 0983.970.780

Một lần chinh phục nóc nhà biên cương

Thứ Tư 30/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Đầu hạ, khi hoa đỗ quyên vào mùa, theo lời mời chào của một người bạn trên Tây Bắc, chúng tôi quyết định tham gia chuyến trekking chinh phục đỉnh Pusilung.

Thành viên đoàn chinh phục đỉnh Pusilung. Ảnh: Nguyễn Học.

Thành viên đoàn chinh phục đỉnh Pusilung. Ảnh: Nguyễn Học.

Đỉnh Pusilung hùng vĩ với độ cao 3.083m, đứng thứ 2 ở Việt Nam, nhưng lại xếp số 1 về độ khó chinh phục. Hùng vĩ và tự hào hơn ở ngọn núi này, chính là sự hiển hiện của cột mốc số 42 (2.856,5m) phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Pusilung vì thế cũng được gọi là nóc nhà biên cương, nơi được cho là thiêng liêng nhưng cũng rất trữ tình.

Chuẩn bị cho hành trình

Trekking, thuật ngữ mà những người du lịch mạo hiểm hay nói, đó là một hoạt động du lịch dã ngoại mà những người đi trekking (hay được gọi là trekker) có những chuyến đi bộ đường dài/đi bộ leo núi dài ngày, chinh phục những cung đường, địa hình khó như những vùng đồi núi hoang sơ, hiểm trở, nơi tương tác nhiều với thế giới tự nhiên. Trekking không phải là ngồi xe ô tô, xe máy, thưởng ngoạn mà chủ yếu di chuyển bằng đôi chân. Do vậy, trekking đòi hỏi người tham gia phải có sức khỏe và lẽ dĩ nhiên là không phải dành cho tất cả mọi người.

Yêu cầu đầu tiên để tham gia trekking chinh phục Pusilung chính là sức khỏe. Ít nhất phải tập luyện thể thao từ 1 tháng trở lên bằng các bài tập đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang bộ nhiều lần… Với một quyết tâm cao độ, trong 2 tháng luyện tập, đảm bảo mỗi ngày đi bộ ít nhất 10km và leo 4 lần/ngày thang bộ căn hộ chung cư 12 tầng, tôi đã có cảm giác yên tâm về sức khỏe cho chuyến đi.

Những yêu cầu về trang phục, dụng cụ khác phục vụ leo núi như áo mưa, đèn pin, giày leo núi, gậy trekking, găng tay, thuốc chống co cơ, thuốc phòng chống ho, nhức đầu, đi ngoài, băng gạc cứu thương, bình xịt giảm đau… được porter (người bản địa dẫn đường) có kinh nghiệm lâu năm và khá thân thiện là Lù Thị Gôn và Lù A Páo tư vấn dặn dò rất cẩn thận. Chúng tôi cứ theo đó mà chuẩn bị, không thiếu một thứ gì.

Nhưng lần trekking này, chúng tôi có suy nghĩ hẳn khác với trekking ngọn núi như Fansipan hay Putaleng trước đây, chính là vì sự hiện diện của cột mốc 42. Không chỉ chinh phục một ngọn núi cao thứ hai Việt Nam, lại có độ khó số 1 Việt Nam, mà trong suy nghĩ của chúng tôi, chuyến đi này là đến với cột mốc số 42 trên nóc nhà biên cương của Tố quốc. Mới nghĩ đến thôi đã thấy xúc động, xao xuyến, thấy dạt dào tình yêu quê hương đất nước trong lòng. Vì vậy, chúng tôi có sự chuẩn bị đặc biệt, không có trong tư vấn của các porter.

Tôi đến gặp nhà thư pháp Xuân Như Vũ Thanh Tùng, người được giới chuyên môn cho là một trong những thư pháp gia hàng đầu của Việt Nam. Tôi đặt vấn đề về mong muốn mang lên ngọn Pusilung, cột mốc 42 một bức thư pháp, truyền tải một nội dung ý nghĩa để thể hiện những tâm tư, cảm xúc của mình.

Sau nhiều thảo luận, suy nghĩ, anh Xuân Như có đưa ra 2 phương án, đó là chọn 1 trong hai câu thơ trích trong 2 bài thơ ma nhai khắc trên núi của vua Lê Thái Tổ. Phương án một là câu “Biên phòng hảo bị trù phương lược/Xã tắc ưng tu kế cửu an”, nghĩa là: Giữ gìn bờ cõi tốt phải có phương sách trù liệu/Xã tắc nên chuẩn bị kế hoạch yên ổn lâu dài”. Câu thơ này nằm trong bài thơ của vua Lê Thái Tổ cho khắc trên núi Thác Bờ tỉnh Hòa Bình năm Thuận Thiên thứ 5 (năm 1432).

Phương án hai cũng là câu thơ của vua Lê Thái Tổ nhưng trong bài thơ khắc trên núi Pù Huổi Chỏ, nay được di dời về đền thờ Lê Lợi ở xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, nội dung là: “Thảo mộc kinh phong hạc/Sơn xuyên nhập bản đồ”, dịch nghĩa: “Cỏ cây làm kinh hãi quân giặc/Sông núi đã nhập vào bản đồ”. Trong câu này, Lê Thái Tổ đã dùng tích “phong hạc”, lấy từ chữ “phong thanh hạc lệ”. Trận Phì Thủy, Tạ An của Đông Tấn đánh Bồ Kiên nhà Tần, quân Tần sợ, nghe tiếng gió tiếng hạc mà tưởng quân Tấn đuổi đến cũng phải run sợ. Ở đây ý nói nói quân nhà Lê mạnh, bọn phản loạn sợ hãi. 

Những bài thơ của bậc đế vương Lê Thái Tổ trên bia ma nhai ở Hòa Bình và Lai Châu trong 2 phương án trên đều là tuyệt tác, như tuyên ngôn khẳng định về biên cương, bờ cõi và khẳng định nền độc lập lâu dài của dân tộc. “Sông núi đã nhập vào bờ cõi” - ý thơ như sự tiếp nối tinh thần “Nam quốc sơn hà” của thời đại Lý Thường Kiệt.

Cuối cùng, thư pháp gia Xuân Như lựa chọn và hạ bút viết câu thơ trong phương án số 2 này. Khi bức thư pháp hoàn thiện, chúng tôi tiếp tục mang đi bồi biểu và trịnh trọng cất vào “ống quyển” để quá trình trekking được đảm bảo, tránh được mưa gió. Cùng với một lá cờ Tổ quốc, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi.

Chừng đó cũng chưa đủ. Mang tinh thần “Sơn xuyên nhập bản đồ” của Lê Thái Tổ trong bức thư pháp do Xuân Như Vũ Thanh Tùng viết thì phải kính cẩn, trang nghiêm và lựa chọn trang phục độc đáo. Leo núi, lẽ tất nhiên là phải vận đồ nhẹ nhàng, an toàn để di chuyển, còn lúc lên tới cột mốc 42, lên đỉnh Pusilung thì sao đây?

Phương án cuối cùng của chúng tôi là porter Lù Thị Gôn, người dân tộc Dao đầu bằng (sống ở dưới chân núi Putaleng thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) sẽ mang theo 1 bộ trang phục truyền thống của người Dao đầu bằng, còn tôi, mang theo bộ áo ngũ thân được may bằng lụa Vân La Khê Hà Đông hoa văn rồng thọ do chính bàn tay vợ chồng nghệ nhân Lê Đăng Toản - Nguyễn Thị Quỳnh tại làng La Khê, Hà Đông đo, cắt may. Cần nói thêm rằng, đây cũng là vợ chồng nghệ nhân duy nhất ở La Khê giữ được nghề dệt truyền thống của làng. Một chút tâm huyết, một chút cầu kì, tất cả đã sẵn sàng cho chuyến trekking nóc nhà biên cương - chinh phục đỉnh Pusilung.

…hành trình đến với cột mốc trên nóc nhà biên cương

Pusilung là ngọn núi nằm trên xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, có độ cao 3.083m so với mực nước biển. Pusilung là ngọn núi nằm trên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây cũng là ngọn núi cao nhất suốt dọc biên giới giữa nước ta với nước bạn nên được gọi là “Nóc nhà biên cương”.

Từ Hà Nội lên thị trấn Mường Tè độ hơn 500km. Hành trình 1 ngày, đêm nghỉ ở thị trấn Mường Tè, để ngày hôm sau di chuyển gần 1 tiếng đồng hồ qua đoạn đường gần 50km mới tới Pa Vệ Sử. Việc đầu tiên để chinh phục Pusilung là phải qua Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử làm thủ tục xin phép leo núi (vì đây là khu vực biên giới).

Các anh ở Đồn Biên phòng rất thân thiện, nhiệt tình, tận tình giúp đỡ. Thủ tục rất nhanh gọn. Rời đồn Biên phòng Pa Vệ Sử, đoàn trekking chúng tôi sẽ mất 4 ngày 3 đêm (một số đoàn leo núi chuyên nghiệp đi 3 ngày 2 đêm) để chinh phục đỉnh núi 3.083m và hành trình cả đi lẫn về khoảng trên 45km.

Đoàn trekking chúng tôi gồm 2 người ở Hà Nội lên và 3 porter bắt đầu cuộc khám phá, chinh phục nóc nhà biên cương Tổ quốc từ 7h30 sáng. Rời đồn Biên phòng Pa Vệ Sử, di chuyển ô tô đến Nhà máy Thủy điện Nam Sì Lường dưới chân núi Pusilung. Đây là điểm đầu tiên của cuộc hành trình. Pusilung là ngọn núi cao và còn nguyên vẹn rừng cùng hệ thảm thực vật, động vật, hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Lù A Páo – chàng porter người Tam Đường năm nay chưa đến 40 tuổi nhưng từ lúc sinh ra đến nay, gần như cả cuộc đời A Páo gắn với núi rừng.

A Páo thống kê rằng, để lên đỉnh Pusilung, phải trèo qua ít nhất 4 con suối và 7 ngọn núi, núi cao dần, cao dần. Cứ lên, rồi xuống, lại lên rồi xuống, từng ngọn, từng ngọn như vậy, và cuối cùng mới lên tới đỉnh núi. Còn tới cột mốc 42 thì cũng 4 con suối và 6 ngọn núi… Pusilng còn hoang sơ, nguyên vẹn. Hành trình ngày đầu tiên, từ đập thủy điện, trèo qua các vách dựng, núi nghiêng, rồi lại băng qua những đoạn “sống trâu” rất dài dưới những hàng cây vi vu gió thổi.

Chúng tôi khoác balo nặng chừng 7kg, gồm những vật dụng cá nhân. Còn 3 porter đi cùng đoàn thì balo nặng trĩu, mỗi người trong số họ đeo chừng 25 đến 30kg, bao gồm lều trại (ngủ qua đêm), nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa, gạo, mắm, muối, mì tôm, thịt… gồm những đồ ăn cho cả đoàn trong 4 ngày leo núi. Đường xa, dốc đứng, quanh co, những porter trong đoàn chúng tôi còn vất vả thêm khi vác trên vai giúp chúng tôi nhiều đồ nghề và vật dụng cá nhân.

Pusilung có hệ động vật phong phú. Trên đường đi, qua nhiều đoạn thấy những lá cây dưới lối đi lộn xộn, đào bới, A Páo bảo: Chỗ này có gà rừng. Nếu ngồi lại lâu sẽ thấy gà rừng ra kiếm ăn. Tất nhiên, hành trình của chúng tôi là hướng về cột mốc 42 và đỉnh Pusilung chứ không phải lên ngồi chờ xem gà rừng.

Hành trình leo đến gần trưa, tới con suối nhỏ, gặp bà cụ người La Hủ đang lội suối bắt con nhộng suối, con này thường sống và bám chặt vào đá chỗ có nước chảy mạnh chứ lại không sống ở chỗ nước lặng. Bà cụ không nói tiếng Kinh và Dao nên cả đoàn không ai hiểu cụ nói gì. A Páo bảo, trên núi duy nhất có 2 vợ chồng cụ sinh sống. Đi thêm 2 giờ đồng hồ nữa là tới lán của 2 ông bà. Chiếc lán này, những người trekking thường gọi một câu thân thuộc là “Lán ông già”. Người chồng ngoài 70 tuổi nhưng trông khỏe mạnh, rắn chắc. Thỉnh thoảng con cháu có lên thăm. Sống lâu ngày ở núi cũng thành quen, dù cuộc sống còn thiếu thốn, khó khăn lắm.

A Páo bảo: Đi đến độ 18h là đến lán nghỉ. Dù ai nấy đều thấm mệt, đầm đìa mồ hôi nhưng đều rất phấn khởi. Quãng đường từ lán ông già tới lán nghỉ để lại nhiều cảm xúc và bất ngờ. Pusilung là ngọn núi ít người qua lại, rừng rậm, nhiều khi còn phải dùng dao đi rừng chặt những ngọn cây đổ rạp ra lối đi. Dường như mỗi bước chân qua là một dấu chân mới mở đường trên cung đường này.

Tháng 4, trời nóng, rắn thường ra lối đi nghỉ. Đang đi bỗng Lù Thị Gôn bảo có rắn. Chúng tôi lấy làm lo sợ, vì nghe A Páo và Gôn nói trước khi leo, rắn ở trên núi rất độc, hết sức cẩn thận. Mọi người đều dừng lại, gần như đứng chôn chân tại chỗ. A Páo - người thanh niên bản Hồ Thầu vốn là người con của núi rừng đứng ngó nghiêng một chút rồi dặn: Mọi người cứ đứng nguyên. Rắn không bao giờ cắn người. Rắn chỉ cắn khi có tác động vào nó. Còn không nó cũng rất thân thiện. A Páo nói chưa dứt lời thì “chàng” rắn đỏ chui tọt vào bụi cây gần đó, và mọi người lại tiếp tục lên đường.

Đi qua những cánh rừng lau lách rậm rạp, thỉnh thoảng nhìn thấy các bụi cây đã bị héo, Páo và một porter nữa bảo rằng: Chỗ này có con dúi, nhưng nó đi lâu. Đến một đoạn, thấy cành lau bắt đầu héo, A Páo bảo porter A Cháng chặt một cành cây, vót nhọn và đào, tìm con dúi. Dúi là động vật rất khôn ngoan, chúng biết ngụy trang rất tốt và như A Páo kể, chúng còn biết đào hầm để “lừa” người đi săn nữa. Mới thấy, giữa thiên nhiên hoang dã, bản năng để sinh tồn không chỉ của con người mà với cả các loài động vật cũng cùng một mẫu số. Cuộc tìm kiếm dúi không thành, nhưng chúng tôi biết thêm được nhiều về loài động vật này qua câu chuyện của hai thanh niên người Dao.

Chiều tối đoàn lên tới lán nghỉ. Lán do Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử làm để cho anh em chiến sĩ dừng chân trong những buổi tuần tra và cũng để cho du khách nghỉ qua đêm khi chinh phục Pusilung. Trên độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, đêm nghỉ trong lán biên phòng, dùng bữa cơm tối tự nấu bằng bếp củi. Không điện, không sóng di động, bốn bề là núi rừng, muông thú.

Dù lán đã được ốp những lớp bạt, nhưng đêm khuya thanh vắng, chỉ nghe tiếng gió rừng và lá cây xào xạc, khi mạnh, khi nhẹ, khi rì rào, khi vù vù, rào rạt. Pha vào đó là tiếng con chim gù thỉnh thoảng lại cất lên giữa không gian thanh vắng, như tiếng gọi đưa tình thiết tha. Cảnh thật độc đáo và cảm giác thật êm đềm, dễ chịu. Đó là sự ban tặng của thiên nhiên, mà chỉ có ở những ngọn núi cao, hoang sơ như Pusilung mới có.

Quãng đường từ lán biên phòng lên cột mốc số 42 phải mất độ 8 giờ đi bộ. Chặng này đi qua nhiều ngọn núi nhỏ, lên lại xuống. Nhiều chỗ phải chặt cây mở đường. Hành trình sang ngày thứ 2, chúng tôi thấm mệt, tuy nhiên do có sự chuẩn bị tinh thần và sức khỏe từ trước và được sự hướng dẫn nhiệt tình, động viên kịp thời của các porter Lù Thị Gôn, Lù A Páo, Lù A Cháng (em trai A Páo) mà chúng tôi đã vượt qua được những đèo dốc, những đoạn đường hiểm trở, bền bỉ sức đi bộ một ngày đường.

Có những chỗ phải cúi rạp người xuống, có những chỗ còn không biết đặt chân vào đâu để bước xuống, tưởng chừng nhiều lúc chỉ cần sơ sẩy là đã rơi mình xuống vực thẳm, hiểm nguy vô cùng. Những khi ấy tôi nghĩ đến những người cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Đây chính là con đường tuần tra của các anh ấy. Có đi mới thấy sự khó khăn, gian khổ của các anh bộ đội biên phòng và có sự trải nghiệm đó làm cho chúng ta thấu hiểu hơn, càng kính phục, nể trọng hơn và biết ơn nhiều hơn đối với các chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm canh gác, tuần tra từng mét đất, từng cột mốc biên cương thiêng liêng của Tổ quốc…

Vào lúc bóng chiều đã xuống. Đã thấm mệt, đi dưới bóng mát của khu rừng trúc hàng cây số, cảnh tượng như trong những bộ phim cổ trang, thấy sốt ruột vì không biết bao giờ mới tới cột mốc. Người dẫn đường Lù Thị Gôn trêu đùa chúng tôi bảo: Đi như các anh thì 8h tối mới tới. Nhưng chỉ 5 phút sau, qua khỏi bóng râm của rừng trúc là bước ra ánh sáng mặt trời, ngay trước mặt chúng tôi là cột mốc số 42 - cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc đang hiên ngang đứng giữa trời xanh, mà bên này là địa phận Tổ quốc Việt Nam, bên kia là khu vực thuộc nước bạn Trung Quốc.

Tôi nhìn đồng hồ, lúc đó đã là 16h40. Mặt trời đã chếch bóng. Không còn nhiều thời gian, chúng tôi sửa soạn lại hành lí, thay đổi trang phục quần áo ngũ thân và sẵn sàng bức thư pháp. Chúng tôi cầm cờ đi xung quanh cột mốc 42 với một sự trịnh trọng, trang nghiêm. Thế là sau 2 ngày một đêm đi bộ, vượt qua bao con suối, dốc, núi cao, chúng tôi đã đến được cột mốc tại nóc nhà biên cương của Tổ quốc trên độ cao 2.856,5m so với mực nước biển.

Cột mốc số 42 trên hành trình chinh phục đỉnh Pusilung. Ảnh: Nguyễn Học.

Cột mốc số 42 trên hành trình chinh phục đỉnh Pusilung. Ảnh: Nguyễn Học.

Mọi mệt nhọc dường như tan biến. Lù Thị Gôn trong trang phục truyền thống của người Dao đầu bằng, tay cầm lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió, còn tôi trong trang phục áo ngũ thân của người Kinh, tay cầm bức thư pháp mang dòng chữ: “Thảo mộc kinh phong hạc/ Sơn xuyên nhập bản đồ” do thư pháp gia Xuân Như viết…

Lúc ấy cảm xúc về quê hương, cảm xúc về dân tộc, về lịch sử ngàn năm cha ông dựng nước và giữ nước trào dâng. Tôi nhờ bạn cùng đoàn chụp cho bức ảnh coi như đã hoàn thành được ước nguyện của mình: Lên được cột mốc 42, để mang lên đó những thông điệp của cha ông và mang lên đó những gì được cho là truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Giữa muôn ngàn cảm xúc, trong làn gió rừng mát lành của buổi chiều tà trên độ cao 2.856,5m so với mực nước biển, tôi chợt nhớ đến một câu thơ của Vua Lê Thánh Tông trong bài "Ngự chế quản đạo thi" (Bài thơ ngự chế: Đạo làm vua)

"Ngọc chúc điều hòa hãn noãn tự

Hoa di cộng lạc thái bình niên

Dịch nghĩa:

Điều hòa mọi việc sáng suốt theo mùa nóng lạnh có thứ tự

Người Kinh và người các dân tộc ít người cùng vui hưởng thái bình".

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.